Thái Nguyên thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, có diện tích rừng lớn. Nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của rừng đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã lãnh đạo, chỉ đạo công chức Kiểm lâm, đặc biệt là công chức Kiểm lâm địa bàn luôn nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân và cộng đồng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, với định hướng phát triển lâm nghiệp là hướng đi hiệu quả cho công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao thu nhập, tiến tới làm giàu cho người dân.
Đoàn cán bộ Chi cục kiểm lâm kiểm tra hồ sơ một số dự án của các tổ chức có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Trong năm 2024, công tác sử dụng, phát triển rừng tại Thái Nguyên đã đạt nhiều thành quả tích cực. Công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2024 là 4.371,25ha/3.400 ha đạt 128,6% kế hoạch, trong đó: rừng phòng hộ: 149,01 ha; rừng sản xuất: 4.222,24 ha. BQL rừng ATK Định Hóa và Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện trồng 116,41ha rừng trồng thay thế, hiện cây rừng sinh trưởng, phát triển tốt. Trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn: toàn tỉnh là 9.951,82 ha, luỹ kế đến nay là 15.629,97 ha/5.600 ha đạt 279,1% kế hoạch, trong đó: trồng rừng gỗ lớn 4.262,46 ha; diện tích rừng chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn 11.367,5 ha. Thực hiện trồng 588ha quế tại huyện Định Hóa và Võ Nhai, luỹ kế đến nay là 5.281,13 ha /6.500 ha, đạt 81% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Diện tích khoán bảo vệ, hỗ trợ bảo vệ rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là 20.638,89 ha với kinh phí thực hiện 2.375,16 triệu đồng. Hiện nay, diện tích rừng được người dân quản lý bảo vệ rừng tốt, thông qua đó đã góp phần thu nhập cho người dân, tạo công ăn việc làm nhất là người dân miền núi gắn bó với rừng.
Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 20 vụ so với cùng kỳ năm 2023; ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 46% đảm bảo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khóa XX (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2024 đạt 735 tỷ đồng, đạt 100,68% so với kế hoạch...Một số chỉ tiêu đã hoàn thành vượt mức kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đề ra như phát triển rừng gỗ lớn đạt 279,1% kế hoạch (15.629,97 ha/5.600 ha); Đề án trồng một tỷ cây xanh đạt 174,01% kế hoạch (12,181 triệu cây /7,0 triệu cây); cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 811,92% kế hoạch (11.367,5 ha/1.400 ha)...
Cùng đó, hỗ trợ cho 61 cộng đồng dân cư vùng đệm khu rừng đặc dụng với mức hỗ trợ là 40 triệu đồng/thôn, bản/năm, kinh phí thực hiện hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực phát triển sản xuất; hỗ trợ vật liệu xây dựng cho thôn bản. Thông qua việc triển khai hỗ trợ cộng đồng kết hợp với công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân vùng đệm đối với công tác bảo vệ rừng, diện tích rừng đặc dụng được phát triển ngày càng bền vững gắn chặt quyền lợi, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ tài nguyên rừng.
Học viên tham dự lớp tập huấn công tác theo dõi diễn biến rừng chuyên đề bản đồ.
Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và của toàn dân. Trong đó, lực lượng kiểm lâm đóng vai trò tham mưu cho chính quyền địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong năm Chi cục đã chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành các văn bản, chính sách liên quan cũng như có cơ chế quản lý đặc biệt đối với các khu rừng sở hữu các loài cây gỗ quý hiếm, hệ sinh thái đa dạng.
Đặc biệt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên còn xây dựng kế hoạch thu, chi và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hợp lý, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân và chủ rừng qua đó góp phần tác động tích cực đến công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong năm Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và PTR, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các chủ rừng thuộc lưu vực Hồ Núi Cốc đã tổ chức chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023 theo quy định. Rà soát được 11.095,84 ha rừng có chủ quản lý (thuộc lưu vực hồ Núi Cốc), thực hiện niêm yết công khai danh sách chủ rừng được trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại trụ sở UBND cấp xã, tổ chức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định với tổng số tiền chi trả 1.321.665.755 đồng.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng cấp quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Ông Lê Cẩm Long, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi xác định, tiếp tục xây dựng, nâng cao trình độ năng lực, khả năng tổ chức triển khai nhiệm vụ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng kiểm lâm địa bàn; đồng thời, lực lượng kiểm lâm địa bàn sẽ là cánh tay đắc lực cho cấp ủy, chính quyền các xã; là cánh tay nối dài của Chi cục Kiểm lâm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh”.
“Lực lượng kiểm lâm địa bàn cũng luôn xác định phải thường xuyên nghiên cứu, trau dồi kiến thức để đáp ứng được nhu cầu bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, góp phần ổn định và hạn chế thấp nhất về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng.
Trong thời gian tới, Chi cục cũng sẽ tập trung tăng cường đôn đốc các chủ dự án thực hiện trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định. Xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình trốn tránh trách nhiệm trồng rừng thay thế.
Bảo vệ rừng bằng phương pháp xử phạt chỉ là biện pháp cuối cùng, điểm quan trọng vẫn là tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân. Vì vậy đơn vị thường xuyên chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên cử công chức tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về công tác chuyên môn và tổ chức hướng dẫn trực tiếp lại cho các công chức kiểm lâm. Qua đó đã góp phần nâng cao kiến thức cơ bản cũng như kỹ năng sử dụng các phần mềm, đặc biệt là phần mềm theo dõi diễn biến rừng cho công chức phụ trách công tác cập nhật diễn biến rừng tại các đơn vị trực thuộc Chi cục.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo chuỗi hành trình để đảm bảo chất lượng giống tốt nhất phục vụ trồng rừng. Tiếp tục triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng để đầu tư lại cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tham mưu đề xuất UBND tỉnh sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để đầu tư trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; tuyên truyền và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong sản xuất lâm nghiệp theo quy định”, ông Lê Cẩm Long nhấn mạnh.
Những thành quả đạt được minh chứng cho sự chỉ đạo, triển khai hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của đơn vị đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, trưởng thành và phát triển về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ gìn màu xanh cho quê hương, đất nước. Chất lượng đội ngũ công chức Chi cục Kiểm lâm có sự phát triển toàn diện về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới.