23/12/2024 lúc 01:47 (GMT+7)
Breaking News

Cẩm Giàng, Hải Dương: Xây dựng nhà máy xử lý rác thải - Đi tìm tiếng nói chung

VNHN - Nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý lượng rác thải ngày càng tăng trên địa bàn, Huyện Cẩm Giàng đã được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) phát điện tại xã Lương Điền. Hiện nay, tốc độ đô thị hoá của Huyện đang diễn ra khá nhanh, việc xây dựng nhà máy xử lý RTSH là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai dự án còn gặp nhiều khó khăn do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân nơi đây.

VNHN - Nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý lượng rác thải ngày càng tăng trên địa bàn, huyện Cẩm Giàng đã được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) phát điện tại xã Lương Điền. Hiện nay, tốc độ đô thị hoá của huyện đang diễn ra khá nhanh, việc xây dựng nhà máy xử lý RTSH là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai dự án còn gặp nhiều khó khăn do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân nơi đây.

Những ý kiến đa chiều

Đã nhiều ngày nay, chủ đề xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở thôn Bình Long, xã Lương Điền luôn được người dân  trong thôn bàn luận, quan tâm. Khi đề cập về vấn đề này, nhiều ý kiến khác nhau được nêu ra, nhiều người dân nơi đây chưa đồng thuận với chủ trương xây dựng. Nhiều ý kiến cho rằng, khoảng cách an toàn môi trường chưa được đảm bảo, khoảng cách từ nhà máy đến mộ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và khu an táng thôn Bình Long, xã Lương Điền không đủ theo quy định, việc vận chuyển rác về nhà máy có thể làm rỉ nước rác và gây ô nhiểm môi trường,  quy trình GPMB còn mập mờ, dự án nằm ở gần đầu nguồn hệ thống sông Bắc Hưng Hải, nơi cung cấp nước tưới tiêu cho các hộ dân.

 Nhiều hộ dân cũng cho rằng, dự án nằm gần chùa Cả và việc xây dựng nhà máy RTSH tại đây sẽ làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây cùng tương lai của các thế hệ con, cháu … Ngoài ra, nhiều hộ dân cũng tỏ ra lo lắng về việc xây dựng nhà máy có đảm bảo đúng như dự án và các quy chuẩn về môi trường hay không? Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến chưa đồng thuận, cũng có nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ xây dựng dự án nhà máy RTSH, phát điện tại xã Lương Điền.

 

Người dân tập trung đông tại trụ sở UBND xã Lương Điền

 

Trước đó, UBND huyện Cẩm Giàng, xã Lương Điền cùng đại diện chủ đầu tư đã tổ chức đối thoại với các hộ dân có đất trong dự án và toàn thể nhân dân thôn Bình Long để thông báo các văn bản pháp lý liên quan, quy mô, quy trình công nghệ của dự án. Đồng thời, giải thích các chế độ chính sách, quy định về bồi thường, hỗ trợ GPMB khi Nhà nước thu hồi đất. Sau đối thoại, đã có 52/89 hộ dân nhận tiền, 37 hộ còn ý kiến chưa thống nhất với phương án bồi thường đã lập. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số hộ dân có ruộng bị thu hồi kiên quyết không nhận tiền đền bù GPMB, một số hộ dân đã nhận tiền đền bù đề nghị trả lại tiền. Ngoài ra, nhân dân ở các thôn trong xã Lương Điền cùng 1 số xã xung quanh thường xuyên tập trung đông người phản đối dự án.

Lời giải bài toán khó

Nhiều năm trở lại đây, thu gom và xử lý rác thải luôn là vấn đề “nóng”, gây nhiều bàn luận, tranh cãi và bức xúc trong cộng đồng dân cư huyện Cẩm Giàng nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung. Nguyên nhân chủ yếu do chưa quy hoạch, xây dựng được điểm tập kết và xử lý rác thải phù hợp với địa phương nên lâu nay, việc xử lý rác vẫn loay hoay trong vòng luẩn quẩn là chôn lấp, tìm điểm chôn lấp mới, rồi lại tiếp tục ô nhiễm... Tuy nhiên, đến nay, bài toán khó về xử lý RTSH đã được Huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương tìm ra lời giải đáp.

Sau nhiều lần nghiên cứu và xem xét, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý RTSH, phát điện tỉnh Hải Dương tại xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng do Liên doanh United Exprert Investments Limited, Công ty CP Tài nguyên và Môi trường Âu Việt làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.023 tỷ đồng và tổng diện tích sử dụng đất của Dự án là 10 ha. Dự án sử dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ, bản quyền công nghệ của Tập đoàn Waterleau (Vương quốc Bỉ).

 

Phối cảnh chung nhà máy xử lý RTSH phát điện tại huyện Cẩm Giàng

 

Nhà máy được thiết kế gồm 3 phần chính: khu vực sản xuất, khu vực hỗ trợ sản xuất và khu hành chính sinh hoạt. Hệ thống nhà xưởng đạt mức độ an toàn và phòng cháy phù hợp với tiêu chuẩn. Thiết kế kiến trúc đảm bảo quy trình sản xuất, trong tương lai của nhà xưởng, phòng máy tuabin, nhà kho, khu làm việc tạo thành một thể hợp nhất. Nhà xưởng chính và phòng máy tuabin là trung tâm của nhà máy, thiết kế xây dựng của nhà máy đảm bảo các nhu cầu thực tế, đồng thời phải thể hiện được các đặc điểm ưu việt của công trình. Khu vực đổ rác đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật tạo ra không gian kín tránh để phát thải mùi hôi thối của rác thải ra ngoài. Màu sắc tổng thể của toàn nhà máy được thiết kế tươi mới, sống động, làm giảm cảm giác về sự nặng nề của công trình công nghiệp, tăng sự gần gũi của con người với kiến trúc thiên nhiên.

Đây không phải là dự án đầu tiên mà công ty thực hiện tại Việt Nam. Trước đó, Công ty đã triển khai nhiều dự án tại Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Nội, trong đó có một số dự án triển khai vào năm 2017. Hiện nay, dự án tại Phú Thọ và Hà Nội đã được Chính phủ ký Quyết định bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Nhà máy đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường theo quy định của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế, vị trí xây dựng Nhà máy xử lý RTSH, phát điện tại xã Lương Điền được lựa chọn bảo đảm các quy định hiện hành (có khoảng cách tới chân các công trình xây dựng, khu dân cư trên 500 m). Bên cạnh đó, theo Quyết định số 3733/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế thì: “khoảng cách bảo vệ vệ sinh là khoảng cách tối thiểu được tính từ nguồn phát thải tới khu dân cư”. Như vậy, không cần thiết phải bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường giữa khu an táng và các ngôi mộ với nhà máy xử lý rác thải.

Đây là dự án đầu tư thuộc nhóm hoạt động BVMT được ưu đãi, hỗ trợ. Tuy nhiên, để dự án vận hành tuân thủ đúng các quy định về BVMT, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND huyện Cẩm Giàng giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện dự án; yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đúng quy trình công nghệ theo dự án đã được phê duyệt, chấp hành đúng và đầy đủ các quy định về BVMT, chỉ được phép đưa nhà máy vào vận hành chính thức sau khi đã đáp ứng được các yêu cầu về môi trường, nước thải, khí thải được xử lý bảo đảm ổn định và đạt chuẩn theo quy định.

Đi tìm tiếng nói chung

Xác định việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Lương Điền là dự án cấp thiết, xuất phát từ yêu cầu chung về phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với đảm bảo môi trường, thời gian qua các cấp chính quyền huyện Cẩm Giàng đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền công khai về quy mô, quy trình vận hành, xử lý rác thải, phát điện khi đưa vào sử dụng với công nghệ tiên tiến, hiện đại sẽ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, thông tin rõ các quy định của Đảng và Nhà nước trong giải phóng mặt bằng, khoảng cách an toàn theo quy chuẩn, quy định hiện hành mà Chính phủ, các Bộ ngành liên quan đang áp dụng, kịp thời trả lời, làm rõ một số kiến nghị, đề xuất chính đáng của công dân. Bên cạnh đó, có biện pháp tuyên truyền, định hướng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu và thực thi pháp luật, không để kẻ xấu lợi dụng, bị lôi kéo, bị kích động tụ tập đông người trái pháp luật, nhất là không để người dân vi phạm pháp luật. Tăng cường thời lượng đăng tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và kết quả thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy xử lý RTSH, phát điện tại xã Lương Điền trên hệ thống phát thanh của Huyện. Tiếp tục gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ gia đình có quyền lợi trực tiếp chưa nhận tiền hỗ trợ, đền bù tại thôn Bình Long đồng thuận với chủ trương, chính sách thực hiện dự án. 

 

Lễ động thổ, khởi công xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện. Đây là một trong những dự án do Công ty United Expert Invesments Limitted hợp tác đầu tư

 

Tại hội nghị giao ban báo chí vừa qua, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định, nhà đầu tư đã cam kết đảm bảo môi trường. Nếu nhà đầu tư vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân, tỉnh Hải Dương sẽ kiên quyết yêu cầu đóng cửa nhà máy và dừng dự án. Tỉnh Hải Dương kiên quyết không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường sống của người dân.

Nhà máy sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như đảm bảo công tác thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn huyện, đồng thời góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho người dân địa phương./.