15/02/2025 lúc 19:41 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số trong thương mại và dịch vụ tại Hà Nam

Trước bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng tiêu dùng của người dân ngày càng thay đổi, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ được xem là hình thức kinh doanh mang lại hiệu quả cao. Tại Hà Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ đã tích cực triển khai chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Hà Nam đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ

Trong định hướng phát triển tổng thể của tỉnh Hà Nam, thương mại, dịch vụ được xác định là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 54.495 tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 9.580 triệu USD, đạt 110% kế hoạch năm, tăng 27,1% so với năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8.150 triệu USD, đạt 107% kế hoạch năm, tăng 29,8% so với năm 2023. Hoạt động du lịch đạt kết quả cao, tổng số khách du lịch năm 2024 ước đạt hơn 4,7 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế ước đạt 147 nghìn lượt, khách nội địa ước đạt 4,5 triệu lượt người. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 3.657 tỷ đồng, đạt 110% so với kế hoạch năm 2024, tăng 8,1% so với năm 2023. Tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2024 với chủ đề: “Hà Nam - Hành trình kết nối" và Chương trình khảo sát khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2024, Hà Nam tiếp tục được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) tặng danh hiệu “Giải thưởng thành tựu đặc biệt năm 2024" và vinh danh “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á". Đây là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.

Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển thương mại - dịch vụ

Bám sát định hướng phát triển, trong những năm qua, Hà Nam đã tập trung chuyển đổi số trên tất cả các trụ cột, trong đó chuyển đổi số lĩnh vực thương mại và dịch vụ được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nam, hoạt động thương mại điện tử, mua bán trực tuyến trên địa bàn tỉnh có nhiều bước phát triển, đem lại những giá trị, lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu thông qua thương mại điện tử. Các nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử được khai thác hiệu quả, giúp các doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối mới trong thời đại công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tiết giảm chi phí so với phương thức kinh doanh truyền thống, có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới.

Sàn giao dịch thương mại điện tử Hà Nam đang quảng bá, giới thiệu hàng nghìn sản phẩm các loại.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đều thực hiện chi trả thông qua tài khoản ngân hàng cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội. Các hoạt động thanh toán viện phí, học phí, tiền điện, tiền nước hay thanh toán các loại phí, lệ phí trong giao dịch thủ tục hành chính… cũng được thực hiện phổ biến bằng phương thức thanh toán điện tử như chuyển khoản, ví điện tử, mã QR… Ngoài ra, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình “chợ 4.0” với tỷ lệ cao số hộ kinh doanh chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ dân sinh khởi tạo và sử dụng mã QR để thanh toán trong các giao dịch mua bán, đảm bảo kết nối giữa tài khoản ngân hàng với ví điện tử của các đơn vị viễn thông. Tại các khu vực dân cư trong tỉnh, tổ công nghệ số cộng đồng các cấp đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm hàng hóa. Đặc biệt, tại 100% các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích hiện nay đều cho phép khách hàng thanh toán điện tử và truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem truy xuất có mã QR Code. Còn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, 100% cơ sở bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán mua bán xăng dầu; triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền…

Hình thức thanh toán điện tử mang lại tiện ích cho cả khách hàng và chủ cửa hàng.

Đối với hoạt động thương mại điện tử, thời gian qua, các sở, ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh tiếp cận với các sàn thương mại điện tử, nhất là các sàn Voso.vn của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel, Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam. Theo hệ thống theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông (tmdt.mic.gov.vn), tỉnh Hà Nam có trên 15.000 giao dịch thực hiện trên các sàn thương mại điện tử; khoảng 93.000 tài khoản hoạt động trên các sàn; gần 70.000 hộ sản xuất nông nghiệp đăng tải sản phẩm và bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử; tổng số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được đưa lên các sàn thương mại điện tử là trên 3.000 sản phẩm…

Trong lĩnh vực du lịch, Hà Nam đã ra mắt Cổng thông tin du lịch thông minh tại địa chỉ visithanam.vn, cung cấp thông tin về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, sự kiện nổi bật, thời tiết, khách sạn, nhà hàng và giá cả. Cổng thông tin này tích hợp các tính năng như đặt phòng nhanh, tìm kiếm địa điểm bằng giọng nói, chatbot hỗ trợ, tạo lịch trình cá nhân hóa, dịch ngôn ngữ và xem ảnh 360 độ, mang lại trải nghiệm thuận tiện cho du khách. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 10 điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa gắn mã QR để khách tham quan có thể quét mã tra cứu thông tin. Từ những thông tin được số hóa trên các bảng mã QR, người dân và du khách tham quan chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR sẽ hiện ngay những thông tin về khu, điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa.

Du khách quét mã QR để khám phá điểm du lịch

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.500 doanh nghiệp sử dụng tên miền ".vn", cho thấy sự gia tăng trong việc thiết lập hiện diện trực tuyến của các doanh nghiệp địa phương. Khoảng 3.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nam đã được tiếp cận và tham gia các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số. Gần 2.800 doanh nghiệp đã áp dụng các nền tảng số trong hoạt động kinh doanh, giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Nhờ những nỗ lực trên, các doanh nghiệp thương mại và dịch vụ tại Hà Nam đã từng bước hiện đại hóa hoạt động kinh doanh, đáp ứng xu hướng số hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế số. Có thể nói, chuyển đổi số trong thương mại và dịch vụ tại Hà Nam đã tạo ra những thay đổi tích cực, không chỉ nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp mà còn thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng hiện đại và tiện lợi hơn./.

Như Thiệp