18/01/2025 lúc 17:20 (GMT+7)
Breaking News

Hải Dương: Xây dựng nhà máy xử lý rác thải “khó” nhưng “cần”

VNHN - Thời gian qua, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói chung, huyện Cẩm Giàng nói riêng ngày càng nhiều nhưng chưa được thu gom, xử lý theo quy định gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân. Trước thực trạng đó, tỉnh Hải Dương đã và đang kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác, thu hồi nhiệt năng để phát điện, đạt tiêu chuẩn môi trường của châu Âu.

VNHN - Thời gian qua, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói chung, huyện Cẩm Giàng nói riêng ngày càng nhiều nhưng chưa được thu gom, xử lý theo quy định gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân. Trước thực trạng đó, tỉnh Hải Dương đã và đang kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác, thu hồi nhiệt năng để phát điện, đạt tiêu chuẩn môi trường của châu Âu.

Khó khăn trong xây dựng

Do đặc thù của các địa phương là khu dân cư thường nằm xen kẽ với ruộng canh tác nên rất khó tìm được vị trí xây dựng nhà máy xử lý Rác thải sinh hoạt (RTSH) phù hợp, đáp ứng tiêu chí về khoảng cách an toàn theo quy chuẩn. Ngoài ra, tâm lý lo ngại của người dân về nguy cơ ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước tại vị trí dự định xây dựng nhà máy xử lý RTSH là rào cản rất lớn trong triển khai xây dựng. Ngoài ra, tâm lý lo ngại của người dân về nguy cơ ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước tại vị trí dự định xây dựng nhà máy xử lý RTSH là rào cản rất lớn trong triển khai xây dựng. Đặc biệt, tâm lý cảnh giác, e ngại, khó chấp nhận các dự án mới vẫn còn tồn tại trong nhân dân. Bên cạnh đó, còn 1 số vấn đề khác như vấn đề khói lò của khí đốt, việc rò rỉ nước thải trong quá trình vận chuyển rác tới nhà máy xử lý..

Một người dân sinh sống trên địa bàn xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho biết: “Việc xây dựng nhà máy RTSH, phát điện công nghệ cao là cần thiết vì đây là công nghệ hiện đại trên thế giới và sẽ đáp ứng được nhu cầu xử lý rác thải của người dân, tuy nhiên, tôi cũng còn băn khoăn về 1 số vấn đề như việc truyền tải thông tin về nhà máy và công nghệ xử lý rác thải còn nhiều hạn chế, vấn đề phúc lợi đối với nhân dân, việc xây dựng nhà máy có đảm bảo đúng như dự án và các quy chuẩn về môi trường hay không?”.

Trước thực tế e ngại của người dân, Lãnh đạo huyện Cẩm Giàng đã thành lập Ban chỉ đạo, biên tập tài liệu theo từng giai đoạn, xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương thực hiện dự án. Chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ trong việc cập nhật các quy định, chế độ chính sách để tuyên truyền, vận động và tạo sự đồng thuận trong cán bộ, hội viên và nhân dân ủng hộ để giải phóng mặt bằng đúng tiến độ đề ra.

Đồng thời, rà soát, lập danh sách, tổ chức gặp gỡ, tuyên truyền, vận động một số cán bộ, hội viên và gia đình hội viên còn chưa đồng thuận. Chủ động nắm bắt, định hướng tư tưởng trong cán bộ, hội viên và nhân dân tránh xảy ra xung đột, tạo thành điểm nóng. chủ động tuyên truyền chi tiết, cụ thể về chủ trương để người dân hiểu được việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải là vấn đề cấp bách, thiết yếu để từ đó có sự đồng thuận. Các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện cũng chủ động bám sát, nắm địa bàn, chủ động, kịp thời xử lý những sự việc phát sinh từ cơ sở.

Trước những lo lắng, băn khoăn của người dân, PV Việt Nam Hội nhập đã có buổi làm việc với PGS. TSKH Nguyễn Xuân Nguyên, 1 chuyên gia từng có nhiều năm công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Công ty CP Tài nguyên và Môi trường Âu Việt. Ông cho biết: “Việc xây dựng nhà máy xử lý RTSH, phát điện sẽ giúp cho địa phương hình thành công nghệ mới trong xử lý rác thải và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường (ONMT). Chúng tôi xin cam kết sẽ thực hiện đúng như những gì đã viết trong dự án bao gồm công nghệ đầu tư, quy chuẩn môi trường của Việt Nam và quốc tế về khí thải”.

Quá trình vận chuyển đảm bảo tiêu chuẩn

Ông Trịnh Ngọc Thành - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cũng cho biết: “Tại thời điểm hiện nay,phương pháp xử lý rác thải vẫn là chôn lấp rác thải, mỗi một thôn sẽ có một bãi chôn lấp rác. Tuy nhiên đây chỉ là phương pháp ngắn hạn, về lâu dài cần xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến, đáp ứng được các quy chuẩn về môi trường nhằm xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt”.

Giải pháp hiệu quả bền vững

Trước đây, phương pháp xử lý rác chủ yếu vẫn là chôn lấp, điều này gây lãng phí tài nguyên đất, tài nguyên rác và ảnh hưởng xấu tới môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí. Hiện nay, tại nhiều nước Châu Âu, rác được xử lý bằng công nghệ đốt, nhiệt được sản xuất từ lò đốt được sử dụng để tạo ra hơi nước, chạy tua bin sản xuất điện. Ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90 - 95% thể tích và khối lượng chất thải, tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát khí thải nhà kính.

Công nghệ xử lý hiện đại

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương mới có 3 nhà máy xử lý RTSH với công suất khoảng 500 tấn/ngày đêm, đáp ứng khoảng 50% tổng lượng rác thải cần xử lý. Vì vậy, việc xây dựng thêm các nhà máy xử lý RTSH tập trung là một biện pháp quan trọng nhằm giải quyết triệt để tình trạng ONMT phát sinh từ RTSH.

Trước yêu cầu của thực tiễn, qua một thời gian khảo sát, đánh giá và được các sở, ngành chuyên môn cấp tỉnh kiểm tra, thẩm định, UBND tỉnh thống nhất phê duyệt quy hoạch xây dựng Dự án Nhà máy xử lý rác thải tập trung Lương Điền theo công nghệ tiên tiến của châu Âu, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam. Dự án Nhà máy xử lý RTSH, phát điện tỉnh Hải Dương tại xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng do Liên doanh United Exprert Investments Limited, Công ty CP Tài nguyên và Môi trường Âu Việt làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.023 tỷ đồng và tổng diện tích sử dụng đất của Dự án là 10 ha.

Với tính ưu việt trong quá trình xử lý rác thải cùng sự cam kết từ phía những nhà đầu tư, việc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện tỉnh Hải Dương được triển khai và đưa vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn./.

         Trường Giang