18/01/2025 lúc 13:47 (GMT+7)
Breaking News

Hải Dương: Chuyện gia đình liệt sỹ bị “om” sổ đỏ suốt 15 năm...

VNHN - Được cho là “đất tranh chấp”, gia đình người có công thì không được cấp sổ đỏ, trong khi nhà bên cạnh được cấp tới 2 sổ. Sự việc kéo dài trong nhiều năm nhưng hướng xử lý của chính quyền chỉ “tiếp tục hòa giải” và “báo cáo”.

VNHN - Được cho là “đất tranh chấp”, gia đình người có công thì không được cấp sổ đỏ, trong khi nhà bên cạnh được cấp tới 2 sổ. Sự việc kéo dài trong nhiều năm nhưng hướng xử lý của chính quyền chỉ “tiếp tục hòa giải” và “báo cáo”.

Nhà 2 sổ đỏ, nhà không có gì

Theo đơn thư phản ánh của bà Trần Thị Thịnh, 71 tuổi (vợ của liệt sỹ Nguyễn Thế Tân), trú tại đội 8, thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương gửi đến Tòa soạn Việt Nam Hội Nhập với nội dung sau:

Năm 1999, Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) về các địa phương để tiến hành đo đạc, xác định ranh giới giữa các hộ giáp ranh để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân. Mốc giới của gia đình bà Trần Thị Thịnh và hàng xóm là bà Nguyễn Thị Mấm được cán bộ Sở địa chính đánh dấu vạch sơn đỏ, trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Thế Thọ, Trưởng Công an xã Tân Kỳ.

Bà Trần Thị Thịnh và con trai Nguyễn Thế Tiệp đang chỉ cho PV vị trí nhà bà Mấm – Sen lấn sang đất nhà mình.

Năm 2004, UBND xã Tân Kỳ phát sổ đỏ cho các hộ dân, nhà bà Trần Thị Thịnh thuộc khu Hoàng Văn Thụ (gồm 3 đội: 7,8,9) được cấp phát tại nhà ông Nguyễn Thế Vân (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh), đội 7, thôn Nghi Khê. Người trực tiếp phát sổ cho các hộ dân là ông Nguyễn Thế Thọ. “Khi tôi đến nhà ông Vân, ông Thọ nói nhà tôi đã có sổ đỏ nhưng đất còn tranh chấp nên chưa được phát, ông Thọ còn bỏ sổ ra cho tôi xem” - trong đơn bà Thịnh nêu.

Trong nội dung phản ánh, bà Trần Thị Thịnh cho rằng nhà bà không được cấp sổ đỏ với lý do “đất có tranh chấp” với nhà bà Nguyễn Thị Mấm là không thỏa đáng. Vì trên thực tế hai nhà không hề có đơn thư kiện cáo gì ra chính quyền, bản thân nhà bà Mấm vẫn được cấp sổ như các hộ dân khác. Không những thế, năm 2008 gia đình bà Mấm chia thửa đất cho con gái là bà Nguyễn Thị Sen, để tách làm 02 sổ đỏ. Lợi dụng lúc chia tách, “nhập nhèm” ranh giới, nhà bà Mấm – Sen đã lấn sang 1 phần diện tích đất nhà bà Thịnh.

Theo đó, gia đình bà Trần Thị Thịnh đã nhiều lần phản ánh ra các cấp chính quyền để xử lý vụ việc và đề nghị được cấp sổ đỏ theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Nhưng gần 15 năm nay, UBND xã Tân Kỳ và các cơ quan hữu quan chưa có bất kỳ động thái tích cực nào để xử lý những vấn đề còn tồn tại trên.

Nhà mẹ con bà Mấm – Sen (hàng xóm bà Thịnh) được cấp 2 sổ đỏ.

Ngày 22/02/2019, nhóm phóng viên Việt Nam Hội Nhập đã về địa phương để ghi nhận và xác minh sự việc. Chia sẻ với phóng viên, bà Trần Thị Thịnh tỏ ra rất bức xúc: “Tôi đã được tận mắt nhìn thấy sổ đỏ nhà mình, nhưng lúc đó ông Thọ nói đất đang tranh chấp, bảo chờ mấy hôm nữa mới phát sổ. Mà suốt từ 2004 đến nay họ vẫn chưa trả sổ cho tôi”.

Anh Nguyễn Thế Tiệp (con trai bà Thịnh) trải lòng “Mảnh đất gia đình đang sử dụng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính, đủ điều kiện được cấp sổ, hiện nay chỉ mong các cấp có thẩm quyền sớm vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc để cấp sổ cho chúng tôi”.

Lãnh đạo xã thờ ơ, vô cảm?

Để thông tin phản ánh trên báo chí được khách quan, đa chiều, nhóm phóng viên đã có buổi làm việc với các lãnh đạo xã Tân Kỳ. Tuy nhiên, những người đứng đầu ở địa phương này tỏ ra khá lạnh lùng, trả lời nhát gừng, ráo hoảnh đến vô cảm trước sự việc trên.

Trước câu hỏi được đặt ra “Nếu như đất có tranh chấp, tại sao vẫn cấp sổ cho nhà bà Mấm?”.

Ông Nguyễn Thế Phương, Bí thư Đảng ủy xã Tân Kỳ trả lời nhát gừng:“Cấp sổ hay không cấp sổ, cái đó là do tồn tại từ thời gian trước đó”, hay “Có thế thôi, chứ có gì đâu mà trình bày”.

Ông Nguyễn Thế Phương - Bí thư Đảng ủy xã Tân Kỳ tại buổi làm việc.

Khi phóng viên đề nghị vị Bí thư này cung cấp bằng văn bản những Nghị quyết đã giao cho bên chính quyền, những báo cáo và tài liệu liên quan đến việc xử lý vụ việc trên, nhưng ông Nguyễn Thế Phương cho hay “Chúng tôi chỉ đạo miệng trên hội trường thôi, chứ không có văn bản” (?).

Tiếp tục làm việc với ông Phạm Việt Tiệp - Chủ tịch UBND xã Tân Kỳ, để tìm hiểu hướng xử lý trong thời gian tới, ông Phạm Việt Tiệp cho biết: “Chúng tôi vẫn kiên trì hòa giải”, hướng xử lý trong thời gian tới vẫn là “tiếp tục hòa giải”“báo cáo”.

Bản thân ông Phạm Việt Tiệp cũng nhận định bức xúc của người dân là chính đáng và chưa hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo ở địa phương.“Trường hợp của bà Thịnh không được cấp bìa đỏ, bà bức xúc cũng là phải thôi, hòa giải các bên mà không được chúng tôi cũng thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ”(?) - ông Tiệp nói.

Việt Nam Hội nhập sẽ tiếp tục thông tin sự việc./.

Xuân Hân – Trần Hiếu – Phú Phương