19/12/2024 lúc 20:40 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nam: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp

Với tinh thần “Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển”, thời gian qua công tác Cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Hà Nam luôn được lãnh đạo tỉnh, các Sở, ban ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của bộ máy hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam đã xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 17 NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy Hà Nam; Kế hoạch số 3403/KH-UBND ngày 15/12/2022 của UBND tỉnh Hà Nam về cải cách hành chính năm 2023 để cụ thể hóa vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Bên cạnh cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách hành chính công, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, CCVC và hiện đại hóa hành chính, cải cách TTHC luôn là nhiệm vụ trọng tâm, được Sở đặc biệt đẩy mạnh.

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam tham gia hội nghị trực tuyến phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Các nội dung chính trong cải cách TTHC đã được xác định rõ, bao gồm: tăng cường kiểm soát TTHC, bảo đảm chất lượng trong việc đánh giá tác động của TTHC khi dự thảo văn bản QPPL được ban hành; tiếp tục rà soát các quy định, TTHC không cần thiết, rườm rà, không còn phù hợp, gây phiền hà cho các tổ chức cá nhân để đề xuất sửa đổi, bãi bỏ; thực hiện công khai, minh bạch tất cả các TTHC: kịp thời thống kê, đưa các TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ lên trang Cổng thông tin điện tử Một cửa tỉnh để tổ chức, cá nhân tiện tra cứu và thực hiện; triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; các TTHC được giải quyết phải bảo đảm về chất lượng, trước và trong thời gian quy định; cán bộ, công chức được phân công tiếp nhận và thực hiện TTHC phải có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện trình tự, hồ sơ TTHC đầy đủ, rõ ràng, chính xác không để tổ chức, cá nhân đi lại bổ sung hồ sơ quá 2 lần; thực hiện kiểm tra công tác kiểm soát, cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh, nâng cao hơn nữa mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức về giải quyết TTHC, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC; thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý vướng mắc, phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa tại huyện Kim Bảng.

Nhờ những biện pháp được triển khai đồng bộ và hiệu quả, công tác cải cách TTHC tại Hà Nam đã có những tác động tích cực đến đời sống nhân dân trong tỉnh. Việc chuẩn hóa nội dung công bố TTHC được tỉnh triển khai kịp thời và có chất lượng. Các thủ tục CCHC sau khi công bố đều được các đơn vị, địa phương niêm yết đầy đủ, công khai rõ ràng, khoa học, đúng quy định. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông hoạt động ngày càng hiệu quả và phát huy tác dụng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách TTHC ngày càng được nâng cao; Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công của tỉnh được thực hiện tại 100% đơn vị hành chính các cấp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính. Các Cổng thông tin điện tử của cơ quan, địa phương đã bổ sung được những thông tin cần thiết phục vụ người dân và doanh nghiệp; trả lời câu hỏi kịp thời hơn, phục vụ tốt việc giải đáp thắc mắc phát sinh. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử đã được quan tâm sử dụng có hiệu quả phục vụ công việc.

Từ 1/1/2023 đến 22/11/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã ký 56 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn với tổng số 458 thủ tục. Trong đó: ban hành mới 83 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 282 thủ tục; bãi bỏ 88 thủ tục; thay thế 5 thủ tục. Đã cắt giảm 268/370 thủ tục ban hành mới, sửa đổi bổ sung, thay thế đạt 72,43%. Tổng thời gian giải quyết/tổng thời gian quy định là: 3.849/6.302 ngày, thời gian cắt giảm là 2.453 ngày bằng 38,92%.

Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của tỉnh năm 2022 của tỉnh đã tăng bậc  xếp hạng so với năm 2021 (Chỉ số cải cách hành chính: 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 29 bậc so với năm 2021; Chỉ số hài lòng: 15/63, tăng 4 bậc so với năm 2021 và nhiều năm liền nằm trong tốp 20 tỉnh thành có thứ hạng cao trên cả nước), điều đó cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong việc kịp thời nhìn nhận, đánh giá thực chất những mặt còn tồn tại, hạn chế của công tác cải cách hành chính những năm trước, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thu về kết quả khả quan.

Đáng chú ý, công tác tiếp công dân, giải quyết TTHC trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy tại tỉnh Hà Nam được thực hiện các ngày làm việc và sáng ngày thứ 7 hằng tuần, bảo đảm TTHC được thực hiện nhanh chóng cho doanh nghiệp, cơ sở và người dân.

Thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục rà soát lại, bố trí các cán bộ có năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đạo đức tốt để giải quyết tốt các công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ tư pháp, giải quyết vướng mắc, khó khăn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý về thuế, cơ chế chính sách mới, nhất là chính sách về lĩnh vực đất đai, môi trường./

Như Thiệp - Hoài Thanh