19/01/2025 lúc 19:19 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nam và lợi thế phát triển công nghệ cao

Khu công nghệ cao Hà Nam được xác định là nơi tập trung nhiều dự án trọng điểm quốc gia, các khu công nghiệp có vốn đầu tư lớn từ trong và ngoài nước, các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Tỉnh Hà Nam hiện đang định hướng xây dựng quy hoạch để khai thác tốt những lợi thế sẵn có cho mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước.

Hà Nam là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, lại nằm trên huyết mạch giao thông Bắc - Nam với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy hết sức thuận lợi. Từ trung tâm thành phố Hà Nội đi Hà Nam theo Quốc lộ 1A hoặc đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chỉ mất khoảng 1 tiếng di chuyển. Đây là điều kiện thuận lợi để Hà Nam giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước; phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị, khu công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, logistics và thương mại. Nơi đây đang được đánh giá cao về môi trường đầu tư kinh doanh với cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tốt với các khu vực lân cận, tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng logistic, các công trình, dự án giao thông và cảng thủy nội địa được đẩy nhanh.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, việc vận chuyển hàng hóa, kết nối liên thông trong khu vực và với các thị trường trong nước cũng như quốc tế trở nên dễ dàng hơn, giúp tăng cường sự phát triển và hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Hà Nam là tỉnh cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, sở hữu nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển công nghệ cao. (Ảnh Internet)

Xác định chất lượng nguồn lao động sẽ là điểm sáng trong thu hút đầu tư, tỉnh Hà Nam phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tăng sức cạnh tranh. Trong những năm gần đây, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Hà Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp lao động cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngành nghề công nghiệp chủ lực, doanh nghiệp công nghệ cao của Hà Nam và trên cả nước. Hiện tại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Hà Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ; nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng sát với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 156 doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở GDNN, trên 95% học viên sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay vào làm các công việc phù hợp với ngành, nghề đào tạo với mức thu nhập ổn định.

Nguồn nhân lực chất lượng cao tại Hà Nam đang ngày càng được nâng cao. (Ảnh: Internet)

Tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 60%. Quy mô tuyển sinh của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt trên 25.000 người; có 03 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao; tối thiểu 30% cơ sở GDNN công lập tự chủ về tài chính,… Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội địa phương mà còn hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nam trở thành tỉnh năm trong nhóm dẫn đầu vùng đồng bằng Bắc bộ về phát triển công nghiệp.

Bên cạnh đó, Hà Nam là một trong những địa phương được các nhà đầu tư quan tâm nhờ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng và hấp dẫn. Một trong những chính sách nổi bật có thể kể đến như giao đất sạch không thu tiền cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ hành chính công nhanh gọn, hiệu quả, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thường xuyên tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động trên địa bàn tỉnh... Nhờ những chính sách thông thoáng, trong những năm qua, tỉnh Hà Nam luôn là điểm đến được đánh giá cao, luôn nằm trong top 10 - 15 tỉnh thành thu hút vốn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tốt nhất cả nước.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX đã xác định: trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại và bền vững, nhằm khai thác tối đa những tiềm năng và lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và nguồn nhân lực. Đồng thời tỉnh cũng quan tâm tới việc phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, tập trung nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm công nghiệp. Theo chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy, Khu CNC Hà Nam định hướng phát triển 3 vùng chức năng (Vùng thí nghiệm CNC; Vùng sản xuất, ứng dụng CNC; Vùng trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo) tập trung vào các lĩnh vực AI, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới. Đây là các lĩnh vực mới, hàm lượng CNC, tạo giá trị gia tăng vượt trội, phù hợp với xu thế phát triển. Mục tiêu của Hà Nam là khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm đạt được sự phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn./.

Như Thiệp - Hoài Thanh