27/04/2024 lúc 12:07 (GMT+7)
Breaking News

Gia Lai: Nông nghiệp hữu cơ, hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp

Chiều ngày 01/8, Văn phòng đại diện Miền Trung và Tây nguyên Hiệp hội Trang trại và DN Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Công tác Phía Nam Bộ KH và CN, Sở KH và CN, Sở NN và PTNT tỉnh Gia Lai, Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển bền vững (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và một số doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học “Hợp tác phát triển trang trại nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh Tây Nguyên - xu hướng tất yếu”.

Đồng chủ trì Hội thảo gồm các đơn vị: Hiệp Hội Trang trại & Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam; Hiệp Hội Đầu tư XD-DV Nông Lâm nghiệp Việt Nam, cơ quan đại diện Miền Nam tại TPHCM; Cục Công tác Phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ; Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai; Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển bền vững (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam).

Đại diện các đơn vị đồng chủ trì Hội thảo.

Dự hội thảo gồm có: Đại diện Lãnh đạo Cục Công tác phía Nam –Bộ KH&CN, Hiệp Hội Đầu tư XD-DV Nông Lâm nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, UBND tỉnh Gia Lai; Lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương liên quan và đặc biệt là sự góp mặt của các doanh nhân, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Đây là Hội thảo khoa học kết hợp đi thực tế có ý nghĩa thiết thực để các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý gặp gỡ với các doanh nghiệp, trang trại nông nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về phát triển trang trại nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể,... cũng là dịp giao lưu kinh tế, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu hợp tác đầu tư, giới thiệu những thành quả KHCN và thiết bị mới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên và theo các tiêu chí mới của các nền nông nghiệp tiên tiến hiện nay như Úc, Nhật bản, Hàn Quốc, New Zealand...

Toàn cảnh Hội thảo.

Với xu thế toàn cầu hóa, vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm đã và đang trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam. Chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm được quyết định bởi nhiều khâu, khâu đầu tiên là sản xuất, sau đó là chế biến, bảo quản và phân phối đến tay người tiêu dùng, ngoài ra còn phải đảm bảo vệ sinh môi trường, trường học một cách bền vững. Việt Nam hiện nằm trong 178 quốc gia có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới, thứ 3 trong ASEAN. Cả nước có 46 tỉnh/63 tỉnh có tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tốc độ tăng trưởng nhanh cả về quy mô, sản lượng, giá trị và chủng loại sản phẩm với diện tích khoảng 233.000 ha và huy động được 60 doanh nghiệp tham gia trực tiếp, với trên 200 hợp tác xã và 173.000 hộ nông dân. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ và phát triển chưa đồng đều.

Một trong những mô hình trồng nấm tại Gia Lai.

Theo báo cáo thời gian qua, Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản nước ta đã đạt gần 49 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm 2020. Khu vực Tây Nguyên, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu phát triển ấn tượng. Riêng mặt hàng cao su năm 2021 đạt 1,93 triệu tấn, giá trị 3,24 tỷ USD. Bên cạnh việc giá cao su xuất khẩu tăng mạnh, thành công của xuất khẩu cao su trong năm qua là ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường quan trọng. Cà phê là nông sản chủ lực của Tây Nguyên chiếm trên 90% diện tích đã góp phần cùng cả nước trong năm xuất khẩu đạt 1,52 triệu tấn, trị giá xấp xỉ 3 tỷ USD, tăng 9,4% so năm 2020. Đáng chú ý, việc tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA đã giúp doanh nghiệp ngành cà phê xuất khẩu ổn định.

Để tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các loại nông sản tại Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe mà thị trường thế giới yêu cầu và người tiêu dùng trong nước hướng đến, phải xây dựng được chiến lược kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ cho từng mặt hàng nông sản, tổ chức sản xuất theo xu hướng tiêu dùng xanh của thế giới, gắn kết đồng bộ hệ thống logistics với các nước trong khu vực và quốc tế.

Một số sản phẩm đặc trưng của Tây Nguyên trưng bày tại Hội thảo.

Với những lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, Tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, Tây Nguyên đã từng bước phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá trọng điểm của cả nước, với nhiều sản phẩm trở thành chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn, cây ăn quả (sầu riêng, bơ, mắc ca, nhãn trái vụ…), đặc biệt các loại sâm Ngọc Linh, sâm dây và các loại cây dược liệu như đương quy, xạ đen, bố chính, kim ngân, hoa hòe, mật nhân… đang được nhân rộng. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, năng suất thấp, khả năng liên kết, ứng dụng công nghệ cao còn yếu là những hạn chế đối với việc phát triển của nông nghiệp, phát sinh nhiều rủi ro, thiếu tính bền vững.

Tham quan một số mô hình nông nghiệp tại Gia Lai.

Để nông nghiệp phát triển nhanh, hiệu quả trở thành các ngành hàng xuất khẩu, tập trung quy mô lớn, chủ động ứng phó được rủi ro, có tính cạnh tranh quốc tế cao. Ngay lúc này đây, cần phải có sự phối hợp và gắn kết chặt chẽ tất cả các mắt xích trong chuỗi cung ứng, từ vùng nguyên liệu, lập kế hoạch cho việc trồng những loại cây trồng, nuôi những loại vật nuôi thích hợp với biến đổi khí hậu cho đến cơ quan quản lý nhà nước, nhà thương mại kết nối xúc tiến xuất khẩu cần có một sự phối hợp liền mạch và kịp thời theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với quản trị hiện đại, hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo hộ sở hữu tài sản trí tuệ.

Tại buổi Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết các bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ ứng dụng KHCN phục vụ sản xuất kinh doanh, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, xây dựng và phát triển thương hiệu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa,…; ký kết hợp tác đầu tư giữa các Doanh nghiệp, HTX; ký ghi nhớ hợp tác hỗ trợ tín dụng…

Cũng tại buổi Hội thảo đại diện một số lãnh đạo cùng doanh nghiệp, HTX đã đi thực địa, tham quan các mô hình nông nghiệp trên địa bàn.

Thực địa tại một mô hình nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ sự quan tâm của các Bộ, Ngành Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên cùng với việc lan tỏa sự quan tâm này đến tất cả các cơ quan, các tổ chức, doanh nghiệp, người nông dân, các chủ Trang trại, các cơ quan truyền thông, tổ chức tín dụng, các nhà khoa học hôm nay sẽ kết nối thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ, góp phần cùng nhau khắc phục các bất cập, hạn chế, tháo gở từng bước phát triển theo mô hình trang trại nông nghiệp hữu cơ, một xu hướng tất yếu để nông sản Tây Nguyên tham gia ngày càng sâu hơn vào các thị trường trong và ngoài nước./.

Hoàng Anh Tuấn