25/12/2024 lúc 10:07 (GMT+7)
Breaking News

Dự báo GDP năm 2019 đạt mức 7% do nhiều ngành tăng trưởng khá

VNHN - Với 116.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2019, mô hình vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 12,7 tỉ đồng - mức cao nhất trong những năm gần đây; nhiều ngành sản xuất, kinh doanh tăng trưởng cao; chỉ số CPI tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây cho thấy bức tranh tăng trưởng kinh tế có nhiều dự báo lạc quan, các quyết sách đúng đắn và kịp thời của Chính phủ đang phát huy tác dụng.

VNHN - Với 116.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2019, mô hình vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 12,7 tỉ đồng - mức cao nhất trong những năm gần đây; nhiều ngành sản xuất, kinh doanh tăng trưởng cao; chỉ số CPI tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây cho thấy bức tranh tăng trưởng kinh tế có nhiều dự báo lạc quan, các quyết sách đúng đắn và kịp thời của Chính phủ đang phát huy tác dụng.

Bổ sung thêm vào nền kinh tế trên 2.754.000 tỉ đồng

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm nay, tổng số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt gần 116.000 DN, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó số DN thành lập mới tăng 3,5% và số DN quay trở lại hoạt động tăng 21,8%. Đáng chú ý, quy mô vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 8 tháng tăng mạnh, đạt 12,7 tỉ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây. Chỉ riêng trong tháng 8.2019, cả nước có 11.177 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 151,3 nghìn tỉ đồng, tăng 8,7% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một DN đạt 13,5 tỉ đồng, tăng 20,1%.

Tính chung 8 tháng năm nay, cả nước có 90.500 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.150,7 nghìn tỉ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 31% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 12,7 tỉ đồng, tăng 26,6%. Nếu tính cả 1.603,7 nghìn tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2019 là 2.754,4 nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó, còn có 25.500 DN quay trở lại hoạt động, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên gần 116.000 DN. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 8 tháng năm nay là 832.300 người, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sơ đồ minh họa 

Trong 8 tháng năm nay, hầu hết các vùng kinh tế có số DN đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước: Vùng Đồng bằng sông Hồng có 27.600 DN, tăng 5,5%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: 12.800 DN, tăng 4,5%; Tây Nguyên: 2.300 DN, tăng 9,2%; Đông Nam Bộ: 38.100 DN, tăng 2,6%; ĐBSCL: 6.200 DN, tăng 0,3%.

Dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7%

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam có thể đạt mức 6,82%; tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 8,02%; thặng dư thương mại dự báo ở mức 0,8 tỉ USD. Lạm phát bình quân năm 2019 ở mức 3,38%. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cũng đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 ở mức 6,86%, vượt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (6,6 - 6,8%); dự báo lạm phát năm 2019 có thể được giữ ở mức 3,0 - 3,1%. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2019 ở mức 6,96%, trong đó, quý III và IV đều tăng trưởng trên 7%.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM - cho rằng, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế như dự báo, trước tiên, các cơ quan chức năng phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô; đồng thời, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. Cùng với đó, các ngành phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các lĩnh vực; trong đó, đẩy mạnh phát triển về chất lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 8 tháng đạt 6,5 tỉ USD, tăng 15,4%.

TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR - tỏ ra lạc quan khi cho rằng, Việt Nam vẫn còn những lợi thế trước sự dịch chuyển của dòng vốn FDI tận dụng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Cùng với đó, Việt Nam có lợi thế từ các hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ tạo nhiều cơ hội cho tăng trưởng các tháng cuối năm 2019. Còn theo TS Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và Dự báo của NCIF - để giữ mức tăng trưởng từ 6,8 - 7% năm 2019, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân để bù đắp sự sụt giảm của khu vực chế biến chế tạo.

 Xuất khẩu đạt gần 170 tỉ USD trong 8 tháng

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018 và có mức tăng bình quân 8 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây. Về tăng trưởng kinh tế, tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 169,98 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 52,04 tỉ USD, tăng 13,9%, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 117,94 tỉ USD, tăng 4,6%, chiếm 69,4%. Có 26 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 33 tỉ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,9 tỉ USD, tăng 14,3%; hàng dệt may đạt 21,7 tỉ USD, tăng 9,8%; giày dép đạt 12 tỉ USD, tăng 13,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 11,3 tỉ USD, tăng 5,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,5 tỉ USD, tăng 15,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,7 tỉ USD, tăng 7%... Sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2019 đạt mức tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%.