VNHN - Trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy giảm, “bức tranh kinh tế” Việt Nam tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Những điểm sáng của nền kinh tế có thể nhìn từ các con số đạt được, như tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu hàng hóa trong tám tháng đạt 336,56 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu 169,98 tỷ USD và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 13,9% và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 4,6%. Thêm vào đó, tỷ trọng khu vực kinh tế trong nước duy trì xu hướng đi lên, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi ở cùng kỳ năm ngoái là 28,8%.
Trong tám tháng ước tính đã xuất siêu 3,4 tỷ USD, kết quả này là nhờ đóng góp của nhóm hàng điện thoại và linh kiện với kim ngạch xuất khẩu hơn 33 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Chủ động vượt qua những “bất ổn” từ bên ngoài
Trong khi kinh tế thế giới có xu hướng giảm tốc với các yếu tố rủi ro và thách thức gia tăng, sự căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn khiến thương mại và đầu tư toàn cầu đi xuống với niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút.
Trước đó, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nêu rõ, kinh tế thế giới rơi vào thời kỳ bất trắc với khoảng 70% các nền kinh tế (trong đó hầu hết nước phát triển) phải đối mặt với khả năng tăng trưởng chậm lại. Theo đó, các nước trong khu vực cần có những chính sách thận trọng và nhanh chóng để có thể định hướng nền kinh tế vượt qua các cơn “gió xoáy”.
Trong tình hình đó, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/4/2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu đề ra.
Kết quả sau nửa chặng đường của năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ghi nhận mức tăng 6,76%, mặc dù thấp hơn so với mức tăng 6 tháng đầu năm 2018 song con số này cao hơn so với đà tăng của giai đoạn năm 2011-2017.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, kết quả này không cách xa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 (từ 6,8% đến 7,0%).
“Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng, tuy nhiên tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm, phản ánh lo ngại về chất lượng tăng trưởng chưa được củng cố, đặc biệt khi Việt Nam lưu tâm hơn đến ứng phó với tác động bất lợi từ môi trường kinh tế bên ngoài”, ông Dương nói.
Báo cáo bán thường niên của Ngân hàng Thế giới về tình hình kinh tế Việt Nam cũng chỉ ra, trong nền kinh tế nội địa, ngành dịch vụ ghi nhận kết quả kinh doanh tốt với nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục đi lên. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ trên GDP giảm từ mức đỉnh 63,7% năm 2016 xuống còn khoảng 58,4% năm 2018. Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng chững lại theo chu kỳ song triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tích cực.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: “Điều này định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đồng thời cho thấy sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2019”.
Niềm tin về triển vọng kinh doanh
Sang những tháng tiếp theo, tình hình sản xuất kinh, doanh trong nước tiếp tục có được những kết quả khả quan. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tám tháng có mức tăng khá và đạt 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6% đồng thời ngành khai khoáng tăng nhẹ nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô và sản xuất, phân phối điện luôn bảo đảm cung cấp đủ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong xã hội.
Niềm tin kinh doanh tiếp tục tăng lên, báo cáo của Tổng cục thống kê cho biết, tổng số đơn vị đăng ký thành lập mới và hoạt động trở lại đã đạt gần 116.000 doanh nghiệp trong tám tháng qua và tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước gần 2/3 chặng đường của năm có các dấu hiệu tích cực khi đạt tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tám tháng thực hiện là 189.200 tỷ đồng, bằng 53,1% kế hoạch năm và tăng 3,8% (so với cùng kỳ năm 2018 là 51,8% và tăng 10,4%).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tám tháng có mức tăng khá và đạt 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6% đồng thời ngành khai khoáng tăng nhẹ nhờ khai thác than tăng cao.
Theo ông Dương, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp với những đánh giá tương đối tích cực góp phần khắc họa nên những gam màu sáng trong “bức tranh” của nền kinh tế. Và, điều này xuất phát từ những cải thiện về môi trường đầu tư và kinh doanh, những kỳ vọng về việc Việt Nam đi vào thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như chuẩn bị thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam–EU (EVFTA).
Tiến gần hơn với mục tiêu tăng trưởng của năm
Bằng những phương pháp phân tích kỹ thuật, nhóm chuyên gia của CIEM cập nhật dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 6,82% và tăng trưởng xuất khẩu cả năm ở mức 8,02%, thặng dư thương mại ở mức 0,8 tỷ USD và lạm phát bình quân năm 2019 đạt 3,38%.
“Chứng kiến bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có không ít bất định, kể cả thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Công tác điều hành chính sách, cải cách kinh tế của Việt Nam đem lại những điểm sáng, qua đó đóng góp vào những kết quả ít nhiều tích cực về tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
Vị thế quốc gia ít nhiều được cải thiện và Việt Nam vẫn giữ được cái nhìn nghiêm túc về thực trạng kinh tế-xã hội của đất nước. Chính phủ, các bộ, ngành đã thường xuyên theo dõi, đánh giá và dự báo tình hình thế giới và trong nước, qua đó cập nhật và hoàn thiện các kịch bản điều hành trong nước. So với giai đoạn 2008-2009, Việt Nam đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn trong việc ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới. Quan trọng hơn, các yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh vẫn được lưu tâm, thúc đẩy song song với quá trình ứng phó với bất định của môi trường kinh tế thế giới,” báo cáo của CIEM chỉ ra.
Theo người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quý 3 có tính chất quyết định trong việc thực hiện với mục tiêu tăng trưởng ít nhất đạt 6,91%. Do đó, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải tập trung cao độ và triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm củng cố niềm tin và sự an tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh.
“Nếu không có yếu tố bất thường tác động đến tăng trưởng cộng với sự nỗ lực triển khai các giải pháp đã được đề ra của Chính phủ, dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 có thể đạt mục tiêu 6,8%,” Bộ trưởng lạc quan đưa ra nhận định.
Với cái nhìn khách quan, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra quan điểm khá thận trọng, tình trạng bất định toàn cầu tăng lên khi căng thẳng thương mại tái leo thang và những biến động tài chính cũng phức tạp hơn. Những rủi ro còn phức tạp hơn khi kết hợp với những nguy cơ dễ tổn thương từ trong nước, bao gồm sự chậm trễ trong quá trình củng cố tình hình tài khóa, cải cách doanh nghiệp Nhà nước và khu vực ngân hàng. Điều này gây ảnh hưởng đến cảm nhận của nhà đầu tư và viễn cảnh tăng trưởng.
“Vì vậy, Việt Nam phải tiếp tục tăng cường chiều sâu cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực. Thêm vào đó, Việt Nam cần chuẩn bị điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp rủi ro nêu trên trở thành hiện thực, dẫn đến suy giảm sâu hơn so với dự kiến,” theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam./