Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023” sẽ tập trung vào nội dung như chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ; Sự thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp; Thúc tiến độ xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các công trình trọng điểm; Các giải pháp phát triển kinh tế đất nước năm 2023 trong đó có các giải pháp từ Bộ Xây dựng, tập trung phục vụ mục tiêu tạo động lực phát triển Kinh tế Việt Nam trong năm tới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, tháng 7/2022, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Chỉ thị nêu rõ năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nền kinh tế nước ta dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của của tình hình chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa vững chắc của kinh tế thế giới như tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, chống tự do thương mại ở một số nơi, lạm phát tiếp tục tăng cao và trở thành vấn đề lớn tại nhiều quốc gia; dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn và chứa ẩn nhiều rủi ro; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật với nền kinh tế.
Trong thời gian qua giá trị sản xuất ngành Xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước. Ngành Xây dựng cũng đã tham gia đóng góp các chương trình vào tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tham gia vào 3 đột phá của nền kinh tế như đột phá về cơ sở hạ tầng.
Bộ Xây dựng đã có nhiều nỗ lực thực thi nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Diện mạo đô thị có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, cơ sở hạ tầng đô thị bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng người dân, chất lượng hạ tầng đô thị được cải thiện. Thị trường bất động sản có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và năng lực của các chủ thể tham gia thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng được rà soát, hoàn thiện.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn hoan nghênh và ghi nhận sự hoạt động tích cực cũng như sáng kiến của Báo Xây dựng tổ chức hội thảo Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023.
“Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng Hội thảo này sẽ là diễn đàn để lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, hiệp hội, các nhà khoa học, giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, giới báo chí - truyền thông, doanh nghiệp... gặp gỡ, trao đổi, phân tích đánh giá về thực trạng, cơ hội, tiềm năng đầu tư và thách thức đối với ngành Xây dựng và ngành Kinh tế của đất nước.
Hội nghị sẽ đưa ra những giải pháp, đề xuất, kiến nghị tốt nhất, Bộ Xây dựng là cầu nối sẽ tổng hợp gửi các cơ quan Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội, các Bộ, ngành để xem xét tiếp thu, phục vụ xây dựng chính sách và điều hành... góp phần cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sắp tới”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023" là diễn đàn để các cơ quan, ban, ngành, hiệp hội, các nhà khoa học, giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp bất động sản... thảo luận, trao đổi, phân tích đánh giá về thực trạng, cơ hội, tiềm năng đầu tư và thách thức đối với ngành Xây dựng và các ngành kinh tế của đất nước; đưa ra những giải pháp, đề xuất, kiến nghị để Bộ Xây dựng tham mưu Quốc hội, Chính phủ xây dựng, banh hành chính sách và điều hành... góp phần cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, đại diện các tập đoàn kinh tế, bất động sản đề xuất nhiều giải pháp tạo động lực phát triển kịn tế như: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, làm cơ sở thúc đẩy tăng trưởng; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với ứng dụng khoa học công nghệ...
Nguyễn Lâm