Theo kế hoạch, HHV dự kiến phát hành hơn 267,38 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Tuy nhiên, sau khi hết thời gian đăng ký, số lượng cổ phiếu được cổ đông hiện hữu đăng ký và nộp tiền mua chỉ hơn 40,4 triệu - tương đương khoảng 15% tổng số cổ phiếu dự phát hành; giá trị thu về là gần 403,9 tỷ đồng.
Sau phát hành, vốn điều lệ của HHV tăng lên mức 3.078 tỷ đồng - tương đương 307,8 triệu cổ phiếu - tương ứng tổng số cổ đông hiện hữu là 29.229 trong đó 97,68% vốn được nắm giữ bởi cổ đông trong nước và 2,32% còn lại là cổ đông nước ngoài.
Gần 227 triệu cổ phiếu còn lại (khoảng 85%) không chào bán hết, HĐQT quyết định hủy phát hành toàn bộ và kết thúc đợt phát hành. Vốn điều lệ của công ty sẽ tăng theo số lượng cổ phiếu thực tế đã chào bán thành công.
Được biết đây là lần đầu tiên HHV chào bán cổ phiếu ra công chúng kể từ khi bắt đầu giao dịch trên UPCoM vào năm 2015. Kế hoạch tăng vốn của công ty được đưa ra từ ĐHCĐ đầu năm nhằm tăng vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Nếu chào bán thành công trọn lô, số tiền thu được dự kiến thu được từ đợt phát hành là 2.674 tỷ đồng sẽ giúp vốn điều lệ của HHV tăng gấp đôi lên mức 5.347 tỷ đồng.
Theo kế hoạch ban đầu, công ty sẽ dùng 182,3 tỷ đồng góp vốn vào các doanh nghiệp khác để thực hiện dự án; 392,4 tỷ đồng đầu tư bất động sản sẵn và đưa vào khai thác; 492 tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động bao gồm trả nợ, mua sắm thiết bị...; 1.670 tỷ đồng còn lại doanh nghiệp sẽ hợp tác đầu xây dựng đoạn Can Lâm - Vĩnh Hảo thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam và cùng công ty mẹ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy kết quả không như mong đợi. Đợt phát hành thất bại của HHV diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán không thuận lợi khi giảm điểm rất mạnh từ đầu năm đến nay.
Được biết cổ phiếu HHV chuyển niêm yết sang sàn HOSE ngày 19/1/2022 với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu là 27.800 đồng. Sau liên tiếp các đợt điều chỉnh mạnh, mã rơi về mức 6.700 đồng (phiên 15/11 vừa qua) - tương ứng giảm 76%.
Kết phiên giao dịch ngày 12/12, cổ phiếu HHV đứng tham chiếu 9.200 đồng (thấp hơn so với mức giá phát hành) song đã tăng mạnh trong 3 tuần gần nhất với mức tăng 37,3%.
HHV có ngành nghề kinh doanh chính là quản lý, khai thác, bảo trì hầm đường bộ Hải Vân và các tuyến quốc lộ được bàn giao; kinh doanh vận tải hành khách cùng với đó là đấu thầu xây dựng các dự án đầu tư công... Công ty hiện đang vận hành khai thác các dự án hầm và đường cao tốc trong nhiều năm qua như hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn...
Về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng năm 2022, HHV đạt tổng doanh thu 1.478 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 266 tỷ đồng; lãi sau thuế gần 240 tỷ. Công ty tiếp tục ghi nhận chi phí lãi vay lớn với hơn 480 tỷ đồng sau 3 do cơ cấu nguồn vốn sử dụng phần lớn là vốn vay phục vụ đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng.
Tính đến cuối quý 3/2022, Đèo Cả có tổng tài sản ở mức 35.020 tỷ đồng; nợ phải trả hơn 27.100 tỷ trong đó có hơn 20.830 tỷ đồng là vay nợ tài chính.