08/11/2024 lúc 17:08 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở Nam Định

Nắm bắt xu hướng xây dựng, phát triển ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) là hướng đi tất yếu nhằm mang lại giá trị sản xuất cao, an toàn bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân, Nam Định đang có những bước đi cụ thể mang lại hiệu quả tích cực.
Tham quan mô hình cánh đồng lớn tại huyện Trực Ninh (Nam Định).

Là tỉnh nông nghiệp nên hàng năm tổng diện tích gieo trồng của Nam Định đạt khoảng trên 200 nghìn ha. Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM của tỉnh Nam Định đã đạt được những kết quả khá toàn diện, cơ bản, bộ mặt, diện mạo nông thôn Nam Định đã có những đổi thay rõ nét, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội có bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả và thiếu các chuỗi liên kết giá trị, do đó thu nhập của người sản xuất vẫn bấp bênh và chưa cao. Vì vậy, chuyển đổi số (CĐS) được xem là “chìa khóa” để phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần giảm tổn thất trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Nam Định đã nỗ lực xây dựng, tổ chức thực hiện lộ trình CĐS bằng việc tổ chức các hoạt động truyền thông hỗ trợ nông dân như: Tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, kỹ năng tự doanh, tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ web-GIS trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, đê điều; dữ liệu chăn nuôi. Bên cạnh đó, tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương triển khai Đề án CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ tiêu thụ nông, lâm, thủy sản qua các kênh trực tuyến. Trong phát triển sản xuất nông sản, ngành Nông nghiệp quan tâm thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX xây dựng phần mềm định danh điện tử, 33 cơ sở thiết lập nhật ký điện tử, hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng tem điện tử thông minh (QR code) phục vụ việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm và chống gian lận thương mai cho các sản phẩm nông sản của các địa phương. Hàng trăm trang trại, gia trại đã sử dụng phầm mềm nhật ký điện tử để giám sát quá trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trao giấy chứng nhận và thiết bị bay không người lái cho các học viên của doanh nghiệp, HTX của tỉnh Nam Định tham gia khóa đào tạo sử dụng thiết bị bay trong phun thuốc bảo vệ thực vật trên lúa.

Bắt nhịp với xu hướng đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ gắn với CĐS, những năm gần đây nhiều vùng nuôi thủy sản của Nam Định đã mạnh dạn chuyển đổi theo hướng dẫn của ngành chức năng, của các chuyên gia và áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp thông minh gắn với CĐS. Tại vùng nuôi thủy sản tập trung xã Giao Long, huyện Giao Thủy với quy mô gần 100ha. Hơn 20 hộ nuôi đã áp dụng hệ thống điều hành, giám sát tự động để thực hiện quy trình sản xuất và quản lý ao nuôi. Hệ thống camera cảm biến được lắp đặt hợp lý để vừa bảo đảm an ninh, vừa theo dõi, giám sát tình hình các ao nuôi và cảnh báo sự cố đột xuất như: mất điện, thiết bị không hoạt động; lắp đặt các thiết bị tự động cho tôm, cá ăn, tạo khí ô-xy, tạo màu, sóng cho ao nuôi. Mọi công đoạn từ thời gian, định lượng thức ăn, thời điểm bật quạt sục ô-xy, đo độ pH đều được lập trình sẵn cho thiết bị tự động vận hành. Với cách làm này giúp giảm công lao động, kiểm soát tốt lượng thức ăn, môi trường ao nuôi, tránh tối đa việc chăm sóc tôm, cá một cách cảm tinh, thiếu khoa học.

Hướng dẫn lắp thiết bị bay không người phục vụ ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp tại Công ty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh (Nam Định).

Trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, tại nhiều địa phương của tỉnh Nam Định đã tích cực thực hiện chủ trương xây dựng CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh giai đoạn 2021-2025. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Giao Phong (Giao Thủy) đã nỗ lực phủ sóng wifi khắp các thôn, xóm, giúp người dân có thể dễ dàng cập nhật thông tin, tìm hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của tỉnh, huyện và địa phương bằng điện thoại. Bí thư Chi bộ xóm Lâm Phú Nguyễn Đức Tịnh cho biết: Xóm có 195 hộ với 592 khẩu. Xóm được xã chọn xây dựng mô hình xóm NTM thông minh. Bây giờ chỉ cần một thao tác đơn giản là bà con có thể đăng thông tin lên nhóm zalo của xóm. Nhờ đó, mọi người có thể nắm bắt được công việc sẽ triển khai trong thời gian tới của chi bộ, của xóm. Các thông tin được cập nhật chính xác, cụ thể nên người dân dễ dàng nắm bắt và tham gia thực hiện. Trong xây dựng NTM thông minh, các công việc cần làm của xóm được ban chi ủy trao đổi, thảo luận, thống nhất trước trên nền tảng zalo, sau đó mới đưa ra thông báo rộng rãi tại cuộc họp chi bộ và hệ thống loa truyền thanh của thôn, xã. Điều đó tạo rất nhiều thuận lợi cho quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công việc… Từ năm 2021, Đảng ủy, UBND xã Giao Phong đã tập trung huy động từ nguồn vốn xã hội hóa và nhân dân đóng góp để lắp đặt hệ thống camera giám sát khắp các thôn, xóm, đồng thời trang bị, lắp đặt các thiết bị phát sóng wifi ở hầu khắp các vị trí quan trọng của các khu dân cư, các thôn, xóm, các tuyến đường trục chính của xã, của thôn, các điểm công cộng, khu vực chợ trung tâm, nhà văn hóa. Hiện nay phần lớn người dân trên địa bàn xã đã có điện thoại thông minh nên nhu cầu sử dụng sóng wifi rất lớn. Việc làm này đã được người dân nhiệt tình tham gia, hưởng ứng, giúp tiết kiệm chi phí sử dụng mạng cho người dân. Bên cạnh đó, xã cũng lắp hệ thống camera an ninh giám sát, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nên không còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra các trục đường giao thông gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường. Mặt khác, người dân cũng đã sử dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, kinh doanh, nhất là việc quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của địa phương trên internet, góp phần tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ phát triển.

Với quan điểm, CĐS phải bắt đầu từ nông dân và sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM thông minh dựa trên nền tảng số, thời gian tới ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ nông dân thích ứng với CĐS, chuyển đổi sản xuất theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, xây dựng NTM thông minh. Phối hợp với các sở, ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ về CĐS trong từng lĩnh vực từ đó mạnh dạn tham gia, áp dụng vào thực tiễn đời sống, nhất là trong quá trình sản xuất, tiếp cận, bán sản phẩm trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị và thu nhập. Đồng thời tham mưu, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM của tỉnh trong giai đoạn tới.

Đại diện Nam đồng bằng sông Hồng

...