VNHN-Bình Phước được biết đến là tỉnh có nhiều tiềm năng về nông nghiệp với quỹ đất rộng, thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi và lại gần thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn là TPHCM cùng các tỉnh miền Đông Nam bộ. Thế nhưng, do sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát, không gắn với nơi tiêu thụ nên dễ gặp rủi ro kiểu “được mùa thì mất giá”.
Công đoạn xếp trứng ở trang trại gà đẻ của Tập đoàn Hùng Nhơn
Để phát huy được tiềm năng, tỉnh Bình Phước rất cần có các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ như mô hình của Tập đoàn Hùng Nhơn - một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi hiện đại ở Việt Nam.
Nuôi gà trong nhà lạnh
Đã nhiều lần lên công tác ở Bình Phước và cũng nghe nói tới Tập đoàn Hùng Nhơn nên ít nhiều gây tò mò và vì thế chúng tôi quyết định mục sở thị đơn vị này cho bằng được. Cảm nhận đầu tiên khi đến với trang trại chăn nuôi gà của tập đoàn ở xã Thuận Lợi (huyện Đồng Phú) là không khí trầm lắng với rất ít người qua lại. Nhưng khi vào sâu bên trong mới hiểu do nơi đây đầu tư chăn nuôi bằng dây chuyền hiện đại - công nghệ nuôi lạnh tiên tiến nhất hiện nay - nên không dùng nhiều lao động phổ thông.
Trên diện tích 7ha có 8 dãy chuồng nuôi gà, mỗi dãy nuôi hơn 41.000 con. Tất cả các công đoạn từ cho ăn, uống nước, lấy trứng, lấy phân… đều bằng dây chuyền tự động, do đó chỉ cần một lao động trông coi. Thức ăn (cám) từ lò hơi ở bên ngoài được chuyển tự động đến các chuồng, chảy vào từng máng; lúc gà đẻ thì trứng tự động lăn vào phía dưới có băng chuyền đẩy đi.
Khi ra ngoài, công nhân chỉ việc lấy trứng, phân loại và sau đó xử lý sạch, sát trùng để xếp vào khay; khâu đóng hộp cũng đều tự động. Phân gà được lấy bằng dây chuyền khá đơn giản chuyển ra phía sau của trại nuôi để có xe đến chở về nhà máy ở cách đó vài cây số. Sản lượng trứng đạt gần 315.000 quả/ngày, tương đương 130 triệu quả/năm và được tập đoàn hợp tác với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam bao tiêu đầu ra.
Ở cách đó khoảng 8km là trại chăn nuôi gà thịt Thùy Thảo được xây dựng trên diện tích 20ha, gồm 20 trại nuôi gà lạnh, cũng áp dụng theo công nghệ tiên tiến của Tập đoàn Big Dutchman (CHLB Đức). Tất cả các công đoạn trong suốt quá trình nuôi đều được tự động hóa, với tổng đàn gà 3 triệu con/năm.
Để thực hiện 2 dự án chăn nuôi gà này, Tập đoàn Hùng Nhơn đã hợp tác với tập đoàn De Heus (Hà Lan) chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi, Công ty Bel Gà (Vương quốc Bỉ) chuyên cung cấp gà giống tại thị trường Việt Nam và Công ty TNHH San Hà chuyên cung ứng gà thịt thương phẩm cho các siêu thị trong nước, tạo thành chuỗi liên kết hợp tác hiệu quả và bền vững. Tổng mức đầu tư cho 2 trang trại gà đẻ trứng và gà thịt này là hơn 180 tỷ đồng. Tập đoàn dự kiến đầu tư thêm 10 trại chăn nuôi gà thịt, nâng sản lượng cung cấp cho thị trường 4 triệu con gà thịt/năm.
Không chỉ có trứng, thịt mà lượng phân gà ở 2 trang trại khoảng 20.000 tấn/năm, được tập đoàn đưa vào chế biến phân bón phục vụ các dự án trồng, chăm sóc cao su và cung ứng cho bà con nông dân.
Mở rộng hợp tác
Tiếp tục phát huy hiệu quả của dự án trang trại gà đẻ, gà thịt tại tỉnh Bình Phước, vào ngày 10-4, tại Hà Nội, Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty TNHH De Heus (Hà Lan) tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ về thỏa thuận liên doanh hợp tác giữa 2 doanh nghiệp, thành lập Công ty cổ phần Phát triển heo giống cao sản Đắk Lắk DHN, dưới sự chứng kiến của đại diện chính phủ hai nước Việt Nam - Hà Lan.
Trong bối cảnh dịch bệnh về heo đang diễn biến phức tạp, Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty TNHH De Heus nhận thấy được tầm quan trọng của vùng an toàn để chăn nuôi heo, cũng như nhu cầu cao về giống di truyền khỏe, năng suất sinh sản cao và chất lượng tốt để phục vụ việc tái đàn nên đã tăng tốc thúc đẩy việc hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống trang trại nuôi heo hiện đại ở tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, các giống heo cụ kỵ (GGP) và ông bà (GP) được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan để tạo ra các giống heo ông bà (GP) và bố mẹ (PS), bảo đảm nguồn gen tốt cho năng suất sinh sản, cung cấp ra thị trường Việt Nam phục vụ người chăn nuôi.
Quá trình chăn nuôi được tự động hóa bằng ứng dụng công nghệ 4.0 từ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đến từng cá thể heo được gắn chip. Việc ứng dụng phần mềm vào quản lý trang trại giúp Công ty cổ phần Phát triển heo giống cao sản Đắk Lắk DHN kiểm soát được thực trạng trang trại, sức khỏe vật nuôi, khẩu phần ăn, thời gian nuôi, thời gian sinh sản… của từng cá thể.
Mặt khác, phần mềm còn giúp công ty quản lý các loại chi phí đầu vào, đầu ra và từ đó tính ra được hiệu quả trong quá trình chăn nuôi. Đặc biệt, phần mềm còn có chức năng cảnh báo vấn đề xấu, giúp quản lý trại và nhóm kỹ thuật của Công ty TNHH De Heus phân tích và đưa ra giải pháp xử lý kịp thời.
Dự án này sẽ tạo ra và đáp ứng nhu cầu tăng cao về heo giống GP và PS có chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cung cấp nguồn nông sản sạch cho thị trường, hướng tới việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh.
Dự án có công suất chăn nuôi 2.400 con heo GGP và GP, chia làm 4 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư khoảng 22 triệu USD (tương đương 500 tỷ đồng). Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 22.000 con heo GP và PS.
Điểm mới trong dự án phát triển đàn heo giống cao sản tại tỉnh Đắk Lắk là hệ thống điện năng lượng mặt trời cho các trang trại. Đây là mô hình trang trại chăn nuôi đầu tiên ở Việt Nam được đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất, mang lại lợi ích lâu dài. Sử dụng điện năng lượng tái tạo sẽ có giá rẻ hơn các nguồn điện khác, vừa không tổn hại đến môi trường.