19/01/2025 lúc 13:28 (GMT+7)
Breaking News

Để phát huy được tài năng của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ và các nhà nghiên cứu

Đối với nước ta, vấn đề làm sao để phát huy được tài năng và trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, vẫn đang là một yêu cầu chưa được đáp ứng đúng mức trong thực tiễn.

Qua 1 ý kiến của nhiều nhà khoa học và của những người quan tâm tới vấn đề quan trọng này, có thể thấy Nhà nước vẫn cần phải có những cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực và phù hợp hơn với thực tiễn. Trong đó, cần tập trung đáp ứng hai yếu tố cơ bản, đó là sự tôn trọng và chế độ lương bổng đối với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, với các nhà nghiên cứu.

Từ yêu cầu nêu trên, cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, ở nước ta đang thiếu một môi trường khoa học cần thiết mà ở đó có sự tôn trọng thật sự đối với những người hoạt động khoa học nói chung. Sự tôn trọng đó làm nên chính sách đãi ngộ tương ứng và thỏa đáng. Sự tôn trọng không phải chỉ là chủ trương chung, mà phải được thể hiện bằng những cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ rất cụ thể trên cơ sở đảm bảo để các nhà khoa học yên tâm và toàn tâm toàn ý phấn đấu cho sự nghiệp.

Đặc biệt đối với những người có tài thực sự, phải được nhìn nhận đúng, đánh giá đúng và thật khách quan, không vì một lý do thiếu tính chuyên nghiệp nào khác mà  để tồn tại sự nhìn nhận sai lệch: “người tài lại không cho là tài, người bình thường lại cho là tài”. Mặt khác, một môi trường khoa học tốt phải giúp tránh được hiện tượng khá phổ biến hiện nay là người làm khoa học thiếu sự say mê, cũng như chưa đặt vấn đề nghiên cứu khoa học ở tầm cao nhất trong sự nghiệp của mình. Nhiều người tham gia nghiên cứu khoa học theo cách làm việc của một công chức bình thường, thiếu tính chủ động, cộng với cơ chế bao cấp vẫn còn tồn tại không hợp lý khiến cho hoạt động khoa học không hiệu quả.

Chúng ta chưa có được nhiều nhà khoa học coi việc chủ động tìm kiếm đề tài trong thực tiễn (vốn rất nhiều) là trách nhiệm và quyền lợi lớn nhất của mình, để từ đó đi sâu tìm tòi, nghiên cứu với mục đích cao nhất là phục vụ trở lại sản xuất và đời sống một cách thiết thực. Ngồi chờ “giao việc” theo kiểu bao cấp, rồi lại làm việc vẫn theo cơ chế bao cấp đó thì không thể mang lại kết quả tốt, không thể nâng cao tư duy và kinh nghiệm trong hoạt động khoa học, một lĩnh vực vốn đòi hỏi cả tâm huyết và niềm say mê cao độ.

Để thể hiện sự tôn trọng đối với các nhà khoa học, Nhà nước không  chỉ động viên và tán thưởng chung chung, mà quan trọng hơn là phải tạo được điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học có thể tập trung cao độ cho nghiên cứu và sáng tạo. Tất nhiên làm gì cũng cần phải có thành quả, nhưng trong nghiên cứu khoa học, không phải vấn đề nào cũng thành công ngay, thậm chí trước khi đạt được sự thành công, có khi còn có cả thất bại trong nghiên cứu. Thực tế này cũng cần được nhìn nhận một cách hợp lý, để các nhà khoa học không nhụt chí sau mỗi khó khăn, thách thức của công việc; nhất là trong lĩnh vực khoa học cơ bản.

Để các nhà khoa học có được sự toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu và sáng tạo, vấn đề lương bổng cũng không thể coi nhẹ. Người ta không thể yên tâm tập trung đầu tư (cả trí tuệ và thời gian) cho nghiên cứu khoa học khi mà đồng lương không đủ sống, khi phải nghĩ đến một công việc thứ hai nào đó để kiếm sống! Đây là một vấn đề khó đối với nước ta. Song, không có nghĩa là không có cách nào để giải quyết, nếu các nhà quản lý, các cơ quan chức năng của nhà nước thực sự quan tâm và nghiên cứu một cách bài bản và đầy đủ nhằm tìm cho được giải pháp phù hợp. 

Quả thực, nếu chỉ chăm chăm vào việc tìm nguồn tài chính nào đó để trả lương cao cho các nhà khoa học thì trong điều kiện hiện nay, đúng là không thể. Nhưng, sẽ là có thể nếu nghiên cứu kỹ lưỡng cả hai hướng kết hợp để nâng cao thu nhập cho người làm khoa học: Một mặt, làm sao để tái phân bổ hợp lý nguồn lực hiện đang có cho lĩnh vực này, cũng có nghĩa là cải tổ hệ thống lương trong lĩnh vực khoa học; mặt khác có cơ chế thiết thực để thúc đẩy mạnh mẽ những nghiên cứu ứng dụng mà thực tiễn đòi hỏi, mang lại nguồn thu và có lợi nhuận trong đó, để trên cơ sở ấy mà phân bổ thỏa đáng tạo cho nhà khoa học thực hiện nghiên cứu ấy có được thu nhập cao, chất xám được trả công xứng đáng.

Như vậy, để phát huy được tài năng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề không còn nằm chủ yếu ở chủ trương nữa (vì chủ trương đúng đã có), mà trước hết nằm ở ngay những quy định cụ thể theo tinh thần cởi mở, thông thoáng, phù hợp với quy luật phát triển, với đòi hỏi từ thực tế khách quan. Cần giải quyết đồng bộ để khắc phục những khó khăn, hạn chế còn tồn tại, như lương bổng, chảy máu chất xám, vấn đề tôn trọng đối với công việc mang tính trí tuệ… Giải quyết thỏa đáng những điều này, chỉ có thể là Nhà nước, là Chính phủ, trên cơ sở công khai, minh bạch, phù hợp thực tiễn. Chỉ như vậy, những tài năng trẻ mới làm việc và cống hiến hết mình và hết khả năng vốn có.