19/01/2025 lúc 13:17 (GMT+7)
Breaking News

Người “tiếp lửa” cho phong trào nghiên cứu khoa học y học

VNHN – Trở thành người đi tiên phong trong việc nghiên cứu chế tạo thành công bộ sinh phẩm phát hiện gien kháng kháng sinh ở Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ y học Lê Hữu Song, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 xuất sắc giành giải nhất Giải thưởng Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) và giải thưởng WIPO của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới năm 2018.

VNHN – Trở thành người đi tiên phong trong việc nghiên cứu chế tạo thành công bộ sinh phẩm phát hiện gien kháng kháng sinh ở Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ y học Lê Hữu Song, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 xuất sắc giành giải nhất Giải thưởng Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) và giải thưởng WIPO của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới năm 2018. Đằng sau thành công ấy chính là sự say mê trong công tác nghiên cứu khoa học và tận tâm của một bác sĩ, người thầy giáo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Gian nan con đường đến với nghiên cứu khoa học

Vốn sinh ra trên mảnh đất Hà Tĩnh hiếu học, ngay từ khi còn nhỏ, vì có ấn tượng đặc biệt với những nhà khoa học, các y, bác sĩ khoác áo bờ lu trắng ngày đêm miệt mài bên phòng thí nghiệm xuất hiện trên các bộ phim truyền hình, cậu bé Lê Hữu Song đã không ngừng cố gắng học tập, rồi thi đỗ vào Học viện Quân y để thỏa mãn ước mơ.

Tốt nghiệp đại học, năm 1994, Lê Hữu Song vinh dự là một trong ba người xuất sắc nhất được chọn về làm việc tại Bệnh viện TWQĐ 108 – môi trường làm việc đáng mơ ước của rất nhiều sinh viên ngành y lúc bấy giờ.

Nhớ lại những năm tháng đó, bác sĩ Song cho biết: “Nền y học nước nhà khi đó chưa phát triển, nhất là phương pháp điều trị các bệnh về truyền nhiễm còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm thường ra viện bằng một trong hai tình huống: Hoặc có thể được chữa khỏi, hoặc tử vong, ít khi bị mạn tính phải vào ra viện nhiều lần. Chứng kiến những điều ấy, tôi đã tình nguyện về công tác tại khoa Truyền nhiễm với khát khao có cơ hội được nâng cao trình độ, thực hiện sứ mệnh cứu chữa cho người bệnh, giảm tỷ lệ tử vong cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm”.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ y học Lê Hữu Song tại Hội nghị tập huấn giám sát nhiễm khuẩn huyết

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống lúc đó còn rất nhiều khó khăn, với đồng lương eo hẹp khiến người bác sĩ trẻ nhiều lúc không khỏi băn khoăn, cân nhắc nhiều chuyện rất đời thường như: Nên để dành tiền đi học thêm ngoại ngữ hay để mua sữa cho con? Lúc khó khăn quá thì có nên nhận quà của bệnh nhân hay không?...

Nhưng vớisự dìu dắt, truyền cảm hứng của những người thầy tài năng, đức độ như nguyên Giám đốc Bệnh viện GS.TS. Bùi Đại, GS.TS. Vũ Bằng Đình, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện GS.TS. Nguyễn Văn Âu… bác sĩ Song đã từng bước vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, sống đúng với lương tâm của người thầy thuốc.

Năm 2001, nhận được học bổng của Cơ quan trao đổi hàn lâm CHLB Đức (DAAD), bác sĩ trẻ Lê Hữu Song háo hức lên đường sang nước Đức xa xôi để thực hiện những dự định, hoài bão của người thầy thuốc chân chính.

Nơi đất khách quê người, với vốn ngoại ngữ khiêm tốn, bác sĩ trẻ Lê Hữu Song gặp không ít khó khăn khi tiếp cận với những kiến thức cũng như hướng nghiên cứu hoàn toàn mới so với những điều đã được học trong nước. Nhưng với sự quyết tâm cao độ, người bác sĩ trẻ khoác áo lính ấy đã vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực tiếp nhận tối đa những kiến thức tiên tiến nhất của nền y học phương Tây.

Sau gần 4 năm miệt mài học hỏi và nghiên cứu, anh đã thực hiện thành công luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Tübingen (Eberhard Karls University of Tübingen) CHLB Đức bằng công trình nghiên cứu về bệnh lý do nhiễm virut viêm gan B với 4 bài báo khoa học quốc tế được đăng tải (vượt chỉ tiêu 2 bài so với yêu cầu).

Những công trình mang dấu ấn đặc biệt

Trở về từ một viện đào tạo y khoa hàng đầu nước Đức, bác sĩ Lê Hữu Song được giao nhiệm vụ xây dựng Khoa Sinh học phân tử, một chuyên ngành rất mới trong thời gian đó ở Việt Nam. Bệnh viện TWQĐ 108 cũng là bệnh viện duy nhất trong cả nước có khoa chuyên về sinh học phân tử.

Với vai trò là người đứng đầu một chuyên khoa hoàn toàn mới ở Việt Nam,anh phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất.Tuy nhiên, với kinh nghiệm, trí tuệ và bản lĩnh của một chiến sĩ, bác sĩ, nhà nghiên cứu khoa học, anh đã dồn mọi tâm huyết để đưa khoa Sinh học phân tử trở thành một trong những nơi đi đầu trong cả nước về triển khai các phương pháp chẩn đoán, theo dõi điều trị các bệnh về vi rút, vi khuẩn, ung thư…ở mức phân tử.

Tháng 2 năm 2014, cùng với sự phát triển của bệnh viện, khoa Truyền nhiễm được nâng tầm thành Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm và bác sĩ Lê Hữu Song đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Bệnh viện TWQĐ 108 tin tưởng giao nhiệm vụ mới là Bí thư Đảng bộ viện, Viện trưởng, kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới, Viện nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108.

Một thời gian ngắn sau khi thành lập, dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Lê Hữu Song, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm đã có những bước phát triển vượt bậc. Chất lượng chuyên môn, nghiên cứu khoa học, đào tạo, tác phong làm việc của Viện đã có những bước đột phá, tạo được niềm tin của lãnh đạo cũng như người bệnh.

Từ những thành tích đó, tháng 10 năm 2014 Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã bổ nhiệm bác sĩ Song làm Phó Giám đốc Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện TWQĐ 108.

 

Mặc dù, công việc quản lý bộn bề nhưng anh luôn dành thời gian nghiên cứu khoa học, huấn luyện đào tạo các thế hệ sau. Đặc biệt, bác sĩ Song luôn quan tâm đến tạo dựng, duy trì và tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại, hợp tác khoa học trong và ngoài nước. Nhờ việc duy trì các hợp tác với Trường Đại học Tübingen, CHLB Đức, anh đã giúp 9 bác sĩ Việt Nam sang Đức nghiên cứu theo chương trình đào tạo tiến sĩ. Đến nay, có 5 bác sĩ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại CHLB Đức.

Đồng thời qua hợp tác quốc tế, anh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo chuyên sâu do các chuyên gia quốc tế giảng dạy cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Nhiều đề tài nghiên cứu hợp tác quốc tế cũng đã được tổ chức hiệu quả. Từ đó, đầu năm 2018 Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu y học Việt - Đức và anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm.

Hơn 30 năm trong ngành quân y, 25 năm khoác trên mình chiếc áo bờ lu trắng, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, dù gặp không ít khó khăn, anh luôn dành trọn tâm sức, trí tuệ cho việc học tập, nghiên cứu và áp dụng những phương pháp mới trong chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Anh là chủ nhiệm của 5 đề tài cấp Nhà nước, trong đó có 3 đề tài đã nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc. Đồng thời là tác giả của gần 50 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín trong hệ thống ISI với hơn 1000 lần trích dẫn và hơn 70 công trình đăng in trên các tạp chí khoa học trong nước.

Mới đây, công trình đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gien kháng kháng sinh” do anh làm chủ nhiệm vừa đạt giải nhất VIFOTEC năm 2018.

Chia sẻ về công trình đạt giải thưởng VIFOTEC 2018, Phó Giáo sư, Tiến sĩ y học Lê Hữu Song cho biết: Đây là một trong những đề tài mà anh rất tâm đắc. Thành công của công trình nghiên cứu đã giải quyết một vấn đề khó khăn trong chẩn đoán bệnh nhiễm khuẩn huyết (còn gọi là nhiễm trùng máu), một căn bệnh nguy hiểm, phổ biến, khó xác định căn nguyên và tiên lượng xấu, đặc biệt trên người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính.

Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu khám phá, xây dựng được quy trình xác định mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết phổ biến và gien kháng kháng sinh. Mang lại lợi ích to lớn cho người bệnh bởi khi ứng dụng công nghệ này, việc phát hiện nhanh chóng và chính xác tác nhân vi khuẩn gây bệnh giúp bác sĩ sớm đưa ra được phác đồ điều trị, rút ngắn thời gian nằm điều trị đồng thời giảm thiểu nguy cơ tiến triển bệnh nặng cho bệnh nhân.

Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, Bộ Khoa học công nghệ đã đầu tư phát triển thành dự án sản xuất với sự hợp tác của Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm). Cho đến nay, với sản phẩm này đã được tiến hành ứng dụng để chẩn đoán gần 1000 bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, cứu sống được hàng trăm người bệnh.

Truyền lửa đam mê khoa học cho giới trẻ

Tâm sự với chúng tôi anh bảo: Sức khỏe, mạng sống của bệnh nhân chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho những người thầy thuốc vượt qua mọi gian nan, vất vả, tiếp tục sáng tạo và cống hiến.

Là người luôn quan tâm đến sự nghiệp nghiên cứu khoa học đối với lớptrẻ, dù phải đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ y học Lê Hữu Song luôn cố gắng cân bằng thời gian để truyền cảm hứng cũng như niềm đam mê và thực hiện trách nhiệm đào tạo, hướng dẫn thế hệ trẻ tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.

Với vai trò là “thủ lĩnh” của Trung tâm nghiên cứu y học Việt – Đức, anh thường xuyên duy trì các hoạt động sinh hoạt khoa học một cách hiệu quả và sôi nổi vào các buổi trưa thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Từ các bài báo cáo, ý tưởng của các nhóm nghiên cứu trình bày, anh đưa ra nhận xét, đánh giá chi tiết và định hướng nghiên cứu một cách hiệu quả.

Đặc biệt, với những y, bác sĩ trẻ, có đam mê, anh dành nhiều thời gian để hướng dẫn, hướng họ tiếp cận với những vấn đề mới của y khoa thế giới; động viên, tạo điều kiện đểhọ phát huy hết năng lực. Tính đến nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ y học Lê Hữu Song đã hướng dẫn thành công 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, 3 bác sĩ chuyên khoa 2 cùng 6 bác sĩ đang là nghiên cứu sinh.

Anh thường nói với các học viên, những thế hệ sau của mình rằng: Chúng ta đang nợ người bệnh nhiều lắm, kiến thức khoa học y học rất bao la, thay đổi hàng giờ, mỗi người luôn phải phấn đấu hết sức mình để không ngừng nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn để nắm bắt kịp sự phát triển. Trong điều kiện vô cùng thuận lợi như hiện nay khi nguồn thông tin mở, chúng ta có thể ngồi ở ngay tại bệnh viện cũng có thể nắm bắt thông tin như ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

Bên cạnh đó, Bệnh viện TWQĐ 108là bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối của toàn quân, có chức năng đặc biệt và là cơ sở nghiên cứu đào tạo có truyền thống và có thương hiệu. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của bệnh viện ngang tầm khu vực và quốc tế. Trong những điều kiện thuận lợi như vậy nếu chúng ta không vượt lên những nhu cầu ngắn hạn, tầm thường do mặt trái của cơ chế thị trường để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì sẽ có lỗi với người bệnh.

“Nghiên cứu khoa học y học là công việc thầm lặng, có thể mang đến cho chúng ta những vinh quang trong cuộc đời nhưng cũng không ít những chông gai, đòi hỏi sự dấn thân và chấp nhận vượt qua thử thách. Những người thầy thuốc trẻtuổi hôm nay cần phải có đam mê, có tầm nhìn xa hơn, cần vượt qua được những lợi ích trước mắt, tầm thường. Con đường khoa học y học không chỉ là đam mê mà còn vì trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và người bệnh. Hãy vì người bệnh mà học tập để có kiến thức cao hơn, có kiến thức tốt thì chất lượng chăm sóc điều trị người bệnh sẽ tốt hơn; góp phần đưa Bệnh viện TWQĐ 108 là nơi trí tuệ và tình yêu thương hội tụ”  - Phó Giáo sư,Tiến sĩ y học Lê Hữu Song chia sẻ.

Với nhiều cống hiến cho ngành y học nước nhà, bác sĩ Lê Hữu Song đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý: Đồng tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ năm 2017, Giải thưởng Alexander Yersin năm 2018, Giải Nhất VIFOTEC năm 2018, Giải thưởng WIPO năm 2018, 2 Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm (2018, 2019), 3 Bằng khen của Bộ Quốc phòng (2013, 2014, 2016), Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội (2018), Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang (2018), 3 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (2016, 2017, 2018)...