27/12/2024 lúc 23:28 (GMT+7)
Breaking News

Đại sứ Tôn Sinh Thành ra mắt sách 'Giáo trình Đàm phán quốc tế'

Nhà xuất bản Thế giới cho biết, ở thị trường xuất bản sách Việt Nam, đây là cuốn sách khá hiếm hoi, có độ tin cậy cao, rất hữu ích về lĩnh vực đàm phán trong quan hệ quốc tế cho những ai muốn tìm hiểu về lĩnh vực này.

Nhà xuất bản Thế giới cho biết, ở thị trường xuất bản sách Việt Nam, đây là cuốn sách khá hiếm hoi, có độ tin cậy cao, rất hữu ích về lĩnh vực đàm phán trong quan hệ quốc tế cho những ai muốn tìm hiểu về lĩnh vực này.

Bìa sách Giáo trình Đàm phán quốc tế.

Cuốn sách Giáo trình Đàm phán quốc tế của tác giả Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ. Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp có thâm niên công tác trong ngành Ngoại giao nước nhà, tác giả đã thu thập được một lượng kiến thức đáng nể, cộng với kinh nghiệm thực tế của bản thân vô cùng phong phú để viết ra những công trình nghiêm túc, có hàm lượng chất xám khá cao, như cuốn sách này.

Bản thân tựa đề cuốn sách này đã cho thấy tính chất mô phạm, hàn lâm khi hướng dẫn bạn đọc về những nguyên lý, phép tắc, kỹ thuật của đàm phán trong quan hệ quốc tế.

Cách trình bày nội dung của tác giả rất chặt chẽ, logic, sáng sủa, dễ hiểu và có hệ thống, khiến bạn đọc cả chuyên ngành ngoại giao và bạn đọc thông thường khi muốn tìm hiểu về quan hệ đối ngoại, đều dễ dàng tiếp cận và nắm bắt vấn đề.

Bên cạnh đó, cuốn sách hoàn toàn không khô khan với nhiều dẫn chứng sinh động, các ví dụ ngắn gọn, được tác giả chắt lọc từ các nguồn sử liệu và tư liệu khác nhau nhằm minh họa cho những nội dung cụ thể ở các phần.

Có thể nói, cuốn giáo trình giải quyết khá hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, là chìa khóa thiết yếu giúp bạn đọc mở ra cánh cửa đi vào nghệ thuật đàm phán, nắm bắt nhanh chóng và vững vàng các nguyên lý, nguyên tắc, kỹ thuật liên quan để có thể ứng dụng vào hoạt động thực tiễn.

Đàm phán quốc tế vừa là một môn khoa học vừa là một một nghệ thuật. Để biên soạn giáo trình này, bên cạnh các phương pháp tư tuy trừu tượng, phân tích và tổng hợp trên cơ sở duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tác giả cũng vận dụng các phương pháp gắn lý thuyết với thực tiễn, sử dụng các dẫn chứng trong lịch sử đàm phán quốc tế, nhất là những cuộc đàm phán trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.

Trong một số trường hợp, tác giả còn sử dụng cả phương pháp Toán học, các sơ đồ, biểu đồ... Nội dung cuốn sách gồm hai phần:

Phần I là Những kiến thức về đàm phán quốc tế, gồm 6 chương: Nhập môn đàm phán quốc tế; Bản chất của đàm phán quốc tế; Những nhân tố khách quan chi phối đàm phán quốc tế; Văn hóa và đàm phán quốc tế; Tâm lý trong đàm phán quốc tế và Chiến lược đàm phán quốc tế.

Phần II là Kỹ năng và nghệ thuật đàm phán quốc tế, gồm 5 chương: Kỹ năng tổ chức đàm phán quốc tế; Chiến thuật đàm phán quốc tế; Kỹ năng thuyết phục trong đàm phán quốc tế; Đàm phán đa phương và Trung gian, hòa giải trong đàm phán quốc tế.

Với những nội dung và cấu trúc như vậy, mục tiêu cuốn sách nhằm giúp học viên có được khả năng phân tích các cuộc đàm phán quốc tế, thông qua việc nắm bắt bản chất, các khái niệm, cấu trúc và mô hình cơ bản của một cuộc đàm phán quốc tế cũng như các nhân tố chi phối quá trình này.

Đồng thời, cuốn sách cũng giúp học viên có khả năng xây dựng chiến lược, ứng dụng các chiến thuật đám phán, có được các kỹ năng thuyết phục và kỹ thuật tổ chức đàm phán song phương cũng như đa phương và làm trung gian, hòa giải quốc tế.

Đây là cuốn giáo trình đầu tiên về đàm phán quốc tế của Học viện Ngoại giao cũng như của các cơ sở đào tạo khác tại Việt Nam. Tác giả hy vọng cuốn sách sẽ phần nào đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của sinh viên đại học và cao học chuyên ngành Quan hệ quốc tế cũng như những học viên các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ quan hệ quốc tế và hoạt động đối ngoại rộng khắp cả nước.

Tác giả, Đại sứ Tôn Sinh Thành là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Đại sứ Tôn Sinh Thành chia sẻ: "Đàm phán luôn đòi hỏi các nguyên lý chung và kỹ năng chuyên biệt. Cuốn sách mới về đàm phán quốc tế không chỉ giúp bạn có được những kiến thức và kỹ năng như vậy mà còn trở thành người đàm phán giỏi, biết thuyết phục hiệu quả để bảo vệ lợi ích của mình".

Trong quá trình biên soạn cuốn sách, ông đã nhận được sự hỗ trợ quý báu của nhiều đồng nghiệp có thâm niên công tác trên mặt trận đối ngoại và giàu kinh ghiệm trong lĩnh vực đàm phán quốc tế. Trong đó, Đại sứ Nguyễn Thị Nhã và Đại sứ Ngô Tiến Long đã tham gia biên tập, chỉnh sửa cuốn sách.

Tác giả cũng nhận được các ý kiến đóng góp hữu ích của GS.TS. Đại sứ Vũ Dương Huân, PGS.TS. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, PGS.TS. Lê Văn Toan, Đại sứ Trương Triều Dương, TS. Nguyễn Tuấn Việt và TS. Doãn Mai Linh trong quá trình thẩm định cuốn sách.