05/12/2024 lúc 22:58 (GMT+7)
Breaking News

Cảm nhận của nhiều tác giả về thơ Trần Nhuận Minh

Trong mắt người yêu thơ và giới phê bình thơ, Trần Nhuận Minh đã sử dụng thành công bút pháp hiện thực theo truyền thống thơ Đỗ Phủ, sở hữu những vần thơ da diết, đau đáu một nỗi niềm nhân thế.

Tuyển tập tiểu luận phê bình “Trần Nhuận Minh và những câu hỏi trần thế” được Nhà xuất bản Văn học ấn hành vào tháng 9/2024

Tháng 9/2024, Nhà xuất bản Văn học cho ra mắt cuốn sách nặng về số trang cùng lượng kiến thức và tình cảm không thể đong đếm của hàng chục tác giả dành cho nhà thơ Trần Nhuận Minh. Cuốn sách mang cái tựa không lấy gì làm lạ đối với độc giả lâu nay mến mộ tài năng và tính cách ông: “Trần Nhuận Minh và những câu hỏi trần thế”.

Đây là tuyển tập những tiểu luận phê bình và các bài phỏng vấn của nhiều tác giả đã đọc thơ Trần Nhuận Minh, được Trần Thị Minh Hà và Trần Nhuận Vinh sưu tầm, biên soạn. Có thể nói “Trần Nhuận Minh và những câu hỏi trần thế” là một cuốn cẩm nang đồ sộ về sự nghiệp thi ca Trần Nhuận Minh, cũng là nơi người yêu thơ nói riêng, độc giả nói chung tìm thấy câu trả lời đáng giá về thơ, về nhân tình thế thái.

Trong mắt Tiến sĩ Văn học – Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị, Trần Nhuận Minh vốn là một cây bút đầy ắp trăn trở, vốn là một dòng suối chưa bao giờ đứng yên, một mặt hồ chưa bao giờ lặng sóng. Nhà thơ Trần Nhuận Minh cũng thừa nhận, thơ vẫn là một thách đố “khôn cùng” với bất kỳ ai.

“Thế giới cần sạch hơn, con người cần trong hơn/Chỉ yêu nhau thôi mà sao khó thế” (Chiều sông Rhein).

Thơ Trần Nhuận Minh là vậy – những câu hỏi rất trần thế. Tiến sĩ Văn học – Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị cho rằng thi nhân muôn đời vẫn thế, khó có ai dám bằng lòng, toại nguyện với thực tại, thực tại ngoài ta và trong ta. Trần Nhuận Minh cũng không ngoại lệ.

Tác giả Phê bình văn học Đinh Văn Thái cũng phát hiện, đọc thơ Trần Nhuận Minh, ở đâu, chỗ nào, bài nào cũng thấy những câu hỏi. Nếu không phải là những câu hỏi trực diện, thì khi đọc xong nhất định ai cũng thấy xuất hiện một câu hỏi trong đầu mình, thậm chí trong tận trái tim mình:

“Thiện và ác/Cái nào là bất diệt/Một đời sông/Chỉ có chảy thôi ư?... (11-45 Khúc đàn bầu của kẻ vô danh).

Trần Nhuận Minh cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp thi ca, vậy nên những câu hỏi của ông lúc nào cũng mênh mông vô tận và chẳng dễ trả lời. Không chỉ giới phê bình, bất cứ ai đọc thơ ông đều thấu hiểu một điều: cuộc sống cho tới tận ngày nay vẫn là những cuộc vật lộn mưu sinh chẳng dễ dàng gì. Vì lẽ ấy, tâm hồn thi sĩ chưa bao giờ bình lặng.

Đáng nói, theo nhận định của tác giả Nhữ Thị Hồng Nhung và Hoàng Thị Thu Giang, Trần Nhuận Minh không ngần ngại phê phán những tiêu cực, những mặt trái trong đời sống, với hi vọng cảnh tỉnh mỗi chúng ta về một trật tự xã hội cần được thiết lập công bằng hơn.

Sức hút thơ Trần Nhuận Minh còn là sự thấu hiểu – yếu tố khiến độc giả tìm đến và gắn bó với những tác phẩm của ông. Nhà văn Trọng Khang thừa nhận: “Lòng thương sâu sắc là một lợi thế để Trần Nhuận Minh viết nên những câu thơ day dứt, xúc động... Từ hiện thực, Trần Nhuận Minh đã tìm cho riêng mình một mạch nguồn sáng tác mới, phát triển thể thơ tự sự, với niềm thương cảm khôn nguôi về thân phận con người, về nỗi bất hạnh của con người”.

Ngòi bút Trần Nhuận Minh còn len lỏi vào các ngõ ngách của cuộc sống, tìm ra những kẻ bị cuốn vào guồng quay kinh tế thị trường, bị đồng tiền cám dỗ, làm cho tha hóa, biến chất.

Cảm nhận về thơ Trần Nhuận Minh, nhà phê bình Hữu Tuân từng nói: “Tứ thơ thi sĩ không dừng lại ở dấu chấm cuối bài, mà nó cứ ngân vang mãi giữa lòng ta không dứt”.

Đó là lý do độc giả một khi đã nhấc cuốn sách “Trần Nhuận Minh và những câu hỏi trần thế”, thì khó lòng đặt xuống. Bài viết của tác giả Phê bình văn học Nguyễn Cảnh Thụy gây chú ý bởi những lời tâm sự của nhà thơ Trần Nhuận Minh: “Nỗi ám ảnh đáng sợ nhất của tuổi thơ tôi là đói. Đói là cái tận cùng của cái khổ, cái thấp nhất của cái khổ và cũng là cái quan trọng nhất để làm thành cái khổ”. Theo phân tích của tác giả Phê bình văn học Nguyễn Cảnh Thụy, ám ảnh của ký ức tuổi thơ dẫn đến sự hình thành nhân cách của một con người. Từ đó mà lòng trắc ẩn, vị tha và tình yêu thương con người, được hình thành trong Trần Nhuận Minh từ lúc nào không hay...

Phần 2 cuốn sách, độc giả bị cuốn vào những bài phỏng vấn cùng những câu hỏi trực diện dành cho nhà thơ Trần Nhuận Minh. Đáng chú ý là băn khoăn nhà văn Kiều Bích Hậu “Tiền có mang lại hạnh phúc?”. Trần Nhuận Minh trả lời: “Tiền rất cần để không đói rét, để được học hành và có thuốc chữa bệnh. Nghĩa là có tiền sẽ có đời sống an lành. Hạnh phúc cao hơn thế, vì nó còn nằm trong các giá trị tinh thần mà đồng tiền nhiều trường hợp không với tới được. Tiền là phương tiện. Còn kẻ ngu xuẩn sẽ coi tiền là mục đích...”

Khi được hỏi “Sách điện tử hay sách in, loại nào được chuộng trong tương lai?”, nhà thơ Trần Nhuận Minh nói: “Tôi chắc chắn là sách điện tử. Vì nó nhẹ nhàng mà dung lượng rất lớn, đáp ứng được các tiện ích của nhiều đối tượng độc giả. Tuy thế, sách in vẫn tồn tại và trong tình hình ấy, buộc phải nâng cao giá trị hơn, kể cả nội dung và nghệ thuật tác phẩm...”

Sở hữu con đường thi ca lẫy lừng, nhưng khi nói về bản thân, Trần Nhuận Minh cho rằng ông chỉ đưa ra các sự việc để bạn đọc tự nhận ra điều mình cần biết. Ông nói đó là thi pháp mà ông học được ở những nhà thơ lớn.

Tiểu Mai 

...