19/12/2024 lúc 20:53 (GMT+7)
Breaking News

Ra mắt sách "Tín ngưỡng thờ Mẫu - Từ góc nhìn văn hóa" của TS.Phạm Việt Long

Sáng ngày 1 tháng 7 năm 2024, tại phòng họp Văn phòng Quốc Hội, Hà Nội, Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Nhà Xuất bản Dân trí đã tổ chức buổi ra mắt sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu - Từ góc nhìn văn hóa” của TS. Phạm Việt Long.

Dự buổi ra mắt sách, có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Nguyên Thứ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà báo Đỗ Quý Doãn, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cùng đông đảo các nhà khoa học, nghệ nhân, các nhà báo…

Buổi ra mắt sách vừa có tính khoa học nghiêm túc qua phát biểu của các đại biểu, vừa có tính vui hoạt, sôi nổi qua các màn trình diễn các bài hát văn và ca khúc sáng tác dựa trên đề tài đạo Mẫu.

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Sau đây là những phát biểu tại hội nghị:

1. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài

Kính thưa các vị đại biểu,

Tôi thật vinh dự được anh Long mời viết nhận xét về cuốn sách, tức là khi nó đang còn là bản thảo. Hôm nay, tôi xin phát biểu đôi lời ở đây.

Trước hết, tôi xin phát biểu với hai tư cách: một là người hàng xóm ở ngõ 26 Hoàng Cầu, gần 20 năm nhà sát cửa nhau thì cũng có nhiều mối quan hệ thân thiết với nhau. Thứ hai, là cũng có 37 năm làm việc cùng nhau ở Bộ Văn hóa. Hôm nay gặp lại ở đây, rất có ý nghĩa.

Anh Long xác định nghiên cứu tín ngưỡng Tam phủ từ góc nhìn văn hóa học. Nhưng mà đọc hết cuốn sách, tôi lại cảm nhận là anh Long sử dụng nhiều phương pháp nhân học văn hóa. Đây là cách tiếp cận hiện đại, nhân học văn hóa luôn đặt con người vào trung tâm nghiên cứu của mình.

Trong sách này, tiến sĩ Phạm Việt Long lấy đối tượng nghiên cứu của mình là các thầy đồng với chủ thể văn hóa, người sáng tạo văn hóa và đang thực hành văn hóa. Tôi cho rằng cách tiếp cận này rất đúng bởi vì thường những nhà nghiên cứu hay áp đặt cái nhìn từ trên xuống với cộng đồng. Nhưng cái nhìn của anh Long là cái nhìn từ dưới lên, tức là từ phía cộng đồng để nhìn nhận.

Điều thứ hai, trong cuốn sách này, tác giả tận dụng được sức mạnh của công nghệ thông tin, tức là quét mã các đoạn video để minh họa cho các ý trong cuốn sách, giúp bạn đọc có thể tiếp cận hiện thực ảo, những lời phát biểu của các thầy đồng, các nghệ nhân và nhất là những giá đồng đang thực hành. Như thế, ta kết hợp được cả phương pháp truyền thống và ứng dụng công nghệ mới hiện đại nhất vào xuất bản cuốn sách. Đấy là cảm nhận của tôi đầu tiên về phương pháp nghiên cứu của tác giả.

Cái mới mà tôi cảm nhận được từ cuốn sách này, là tiến sĩ Phạm Việt Long đánh giá cao lĩnh vực hoạt động trong một giá đồng là hát văn. Lâu nay, chúng ta đối xử không công bằng. Văn hóa là phải công bằng, thường ta đề cao các thầy đồng là đúng, vì họ là chủ thể của giá đồng. Nhưng mà giá đồng muốn đến được với đầy đủ cảm nhận và tác động đối với người xem, người nghe thì lại cần nghệ nhân hát văn. Nghệ nhân hát văn tạo nên sự thăng hoa cho các giá đồng.

Tôi cũng là thành viên của hội đồng bỏ phiếu lựa chọn nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân nhân dân trình Chủ tịch nước phong tặng. Hiện nay, chúng ta chỉ có một nghệ nhân là cung văn được phong nghệ nhân nhân dân thôi. Trong thời gian tới, anh Long đề xuất là chúng ta nên có thái độ công bằng hơn, để cho các cung văn được đối xử đúng với giá trị của họ. Anh cũng đề xuất là chỉ nên tổ chức thực hành các giá đồng ở những không gian thiêng. Còn hát văn thì nên phát huy, đưa lên sân khấu phổ thông. Tôi cho đó là điều mới đáng lưu tâm.

Mục tiêu cuối cùng của tiến sĩ Phạm Việt Long là tìm ra tín ngưỡng thờ Mẫu có góp phần làm nên bản sắc Việt Nam hay không. Tôi nghĩ là anh Long đã thành công. Trong bối cảnh Đông Nam Á, châu Á và toàn thế giới, tín ngưỡng thờ Mẫu của chúng ta là một hiện tượng văn hóa rất đặc sắc của Việt Nam.

Thường, tôn giáo tín ngưỡng lo đến tương lai xa xôi, như Phật giáo có thuyết nhân quả, đời này sống sao thì tương lai sẽ nhận quả như thế nào. Nhưng Đạo Tam phủ Tứ phủ lo cho hiện tại, giúp đỡ ngay thời hiện tại. Vì thế, đạo này có sức hấp dẫn và trở thành một hệ thống đền phủ ở khắp Bắc Trung Nam. Tôi cũng thấy hiện tượng văn hóa này không nơi nào có được.

Đặc biệt, sức sống của tín ngưỡng Tam phủ Tứ phủ ở Việt Nam hiện nay thăng hoa, thâm nhập mang tính tâm linh vào đời sống hiện đại. Như hiện tượng chị Sáu/cô Sáu Côn Đảo, đã được nhân dân thiêng hóa, tất cả các lãnh đạo ra Côn Đảo cũng không thể không đến thắp hương mộ chị Sáu. Hay chuyện 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, các cô gái ở đường 20 Quyết Thắng Quảng Bình đã được cộng đồng truyền tụng vừa như là chuyện hiện thực lịch sử, vừa như là huyền thoại dân gian. Những hiện tượng này được thiêng hóa đồng thời hiện đại hóa ở một góc khác, là điều không nơi nào có được.

Tiến sĩ Phạm Việt Long mô tả tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam để lại kho tàng di sản văn hóa phong phú, góp phần làm giàu thêm di sản văn hóa dân tộc. Bản thân tôi khi tham gia phong danh hiệu nghệ nhân, cùng với đồng nghiệp, cúng thấy họ đã đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy tín ngưỡng này.

Cuối cùng, tiến sĩ Phạm Việt Long mong ước tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ được Nhà nước công nhận là tôn giáo chính thức. Dù điều này khó, nhưng không ai cấm chúng ta mơ ước. Tôn giáo phải có hệ thống tổ chức, giáo chủ, giáo lý. Hiện nay, chúng ta còn thiếu tổ chức và giáo lý hoàn chỉnh. Nhưng từng bước, với sự nỗ lực và nghiên cứu của các nhà khoa học, cụ thể là tác phẩm của tiến sĩ Phạm Việt Long, tôi tin rằng trong tương lai, tín ngưỡng này sẽ phát triển và được công nhận.

Tôi đánh giá cao cuốn sách của tiến sĩ Phạm Việt Long, một sản phẩm lao động nghiêm túc và tâm huyết. Tôi tin rằng cuốn sách này sẽ hữu ích cho xã hội, đặc biệt là cho các vị thực hành đạo mẫu. Tôi mong muốn các vị đọc kỹ, nghiên cứu và thực hành theo gợi ý của tiến sĩ Phạm Việt Long để làm cho tín ngưỡng này ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong đời sống xã hội và phát huy vai trò của mình trong việc nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng.

Xin cảm ơn các quý vị đã lắng nghe!

Toàn cảnh buổi lễ 

2. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ

Kính chào các vị đại biểu, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ có mặt trong khán phòng hôm nay.

Kính thưa Tiến sĩ, nhà văn Phạm Việt Long,

Trước hết, tôi xin được nồng nhiệt chúc mừng Tiến sĩ, nhà văn, nhà báo Phạm Việt Long - một người đồng môn rất thân thiết của Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp!

Chúc mừng anh Phạm Việt Long ra mắt cuốn sách "Tín ngưỡng thờ Mẫu - Từ góc nhìn văn hóa." Chúng tôi đọc cuốn sách này và thấy đúng là một công trình nghiên cứu rất công phu, bài bản, dựa trên các phương pháp khoa học rất phong phú và nghiêm túc. Trước đó, tôi đã từng đọc các cuốn sách viết về tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam như hai cuốn sách rất lôi cuốn của GS,TS Ngô Đức Thịnh là "Đạo mẫu Việt Nam" và "Lên đồng - Hành trình của thần linh và thân phận". Hai cuốn sách này cũng tiếp cận từ góc nhìn văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo một cách rất hệ thống và có tầm bao quát và chiều sâu.

Ngoài ra, còn có các cuốn sách khác như "Đêm huyền bí của tín ngưỡng thờ mẫu" của Tiến sĩ Vũ Hồng Vân hay "Tín ngưỡng thờ mẫu Tứ phủ chốn thiêng nơi cõi thực" của Thạc sĩ Trần Quang Dũng, hay cuốn "Phong tục nhân gian nghi lễ thờ mẫu của người Việt Nam" của Thuận Phước.

Làm việc tại Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương, tôi xin có một chút liên hệ với văn học nghệ thuật. Trong văn học nghệ thuật, đặc biệt là văn học dân gian, kho tàng rất giàu có và quý giá, tín ngưỡng thờ Mẫu được đề cao. Trong văn học hiện đại, có thể kể đến hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, đó là "Mẫu thượng ngàn" và "Đội gạo lên chùa," phản ánh bối cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc, trong đó Phật giáo rất đậm đà, bắt đầu có sự thâm nhập của Thiên Chúa giáo và các yếu tố phương Tây vào Việt Nam, ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam. Hai cuốn sách này đã thể hiện bối cảnh xã hội và đặt ra những vấn đề rất hay về đạo Mẫu.

Ngoài ra, còn có hai tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú là "Xác phàm" và "Kín". Những cuốn sách này cũng nói về tính thiêng liêng của đạo Mẫu Việt Nam.

Trong văn học nghệ thuật, còn có các bộ môn nghệ thuật khác như mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc có cảm hứng sáng tạo từ đạo Mẫu và đã có nhiều tác phẩm thành công. Chẳng hạn, trong mỹ thuật, trong âm nhạc hiện đại, nhiều sáng tác vẫn dựa trên chất liệu văn hóa và tín ngưỡng thờ Mẫu, tạo nên những tác phẩm rất hay trên nền tảng văn hóa dân gian và nghi lễ.

Trở lại với cuốn sách của Tiến sĩ Phạm Việt Long, "Tín ngưỡng thờ Mẫu -Từ góc nhìn văn hóa," đây là một công trình nghiên cứu rất công phu và sâu sắc về tín ngưỡng thờ mẫu, với phương pháp nghiên cứu liên ngành lịch sử, văn hóa, xã hội. Tác giả đã làm rõ đặc điểm, nguồn gốc, phương pháp, giá trị tinh thần của đạo mẫu, tín ngưỡng thờ mẫu, các nghi lễ, nghi thức hầu đồng, tính thiêng của tín ngưỡng thờ mẫu, nghiên cứu về đội ngũ hầu đồng, thanh đồng, cung văn, thầy pháp, đền miếu, phủ, chùa, ban thờ, tranh thờ, tượng thờ, trang phục lễ nghi và những người tham dự.

Từ những khảo sát, phân tích một cách thuyết phục, tác giả Phạm Việt Long đã khẳng định và làm sâu sắc thêm giá trị văn hóa xã hội của tín ngưỡng thờ mẫu, một di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Việc kế thừa và phát huy di sản văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của dân tộc cho đời sống hôm nay và mai sau là rất cần thiết.

Hôm nay, trong khán phòng, ngoài các chị em, nhiều anh em ở đây, như tôi, đêm qua xem bóng đá châu Âu không ngủ, và tôi cũng chuyển một buổi họp sang chiều để sáng nay vẫn đến đây tham dự buổi ra mắt sách này, bời vì tình nghĩa với anh Long, và cũng vì cuốn sách có đề tài rất hấp dẫn. Tôi nghĩ rằng đã có nhiều cuốn sách viết về đạo mẫu Việt Nam và đây cũng là một cuốn sách hấp dẫn, chắc chắn sẽ có nhiều cuốn sách khác về đề tài này.

Tôi nghĩ rằng, nếu Tổng Bí thư nói rằng văn hóa còn thì dân tộc còn, thì chắc chắn đạo Mẫu còn thì văn hóa còn, và dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục có một hành trang văn hóa quý báu.

Cảm ơn mọi người đã lắng nghe. Một lần nữa, chúc mừng Tiến sĩ, nhà văn Phạm Việt Long.

3. Họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên

Kính thưa anh Thế Kỷ, anh Đặng Văn Bài, anh Việt Long và toàn thể các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa.

Anh Long viết về tín ngưỡng, nhưng chỉ nhìn từ góc độ văn hóa. Tôi hẹp hơn một chút, chỉ nhìn từ góc độ nghệ thuật. Tôi chưa may mắn như anh Bài đã đọc và đọc từ đầu đến cuối, nhưng tôi xem qua và thấy rằng đây là một cuốn sách rất công phu. Để viết được cuốn sách này, trước hết phải tìm hiểu kỹ lưỡng. Đây đúng là một công trình nghiên cứu về một tín ngưỡng, mà lại quan sát ở góc độ văn hóa, phải tốn nhiều công sức để có được cuốn sách

Chính diễn xướng của đạo Mẫu đã khiến tôi yêu thích và tìm hiểu về đạo Mẫu. Khi cách đây gần 30 năm, tôi còn làm ở Nhà hát Múa rối Trung ương, năm 1998, tôi đã trích một đoạn với bài hát đầu tiên "Cô Đôi Thượng Ngàn" cùng với một vài tiết mục trích chầu văn khác. Tôi cùng các nghệ sĩ biểu diễn ngay tại tòa nhà UNESCO ở Paris. Chúng tôi diễn hai buổi nhưng khách rất đông. Tôi coi đó là một thể nghiệm để đưa thử ra quốc tế một nghệ thuật diễn xướng mang đậm yếu tố dân gian, nhưng nhịp điệu của nó rất hiện đại. Tôi còn quan sát khán giả, thấy họ nhảy nhót theo điệu nhạc của "Cô Đôi Thượng Ngàn". Khán giả châu Âu, dù chưa thấm nhuần văn hóa của chúng ta, nhưng nghe nhịp điệu đã hứng thú như vậy. Tôi càng cảm phục sự sáng tạo của cha ông chúng ta trong loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này.

Tôi nghĩ rằng, tín ngưỡng thờ mẫu là quan trọng nhất trong xã hội ta từ thời mẫu hệ. Tuy tôi không nghĩ đây là một tôn giáo, mà là tín ngưỡng, nhưng tín ngưỡng này rất thấm đậm và sâu rộng. Diễn xướng của hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu rất độc đáo, đúng như những lần trao đổi với các nghệ sĩ quốc tế. Họ không biết đó là gì, nhưng thấy rằng đó là một thực hành tín ngưỡng của Việt Nam. gồm có cả hát, có đàn, có múa, có thay đổi trang phục, rồi xem nghệ nhân diễn rất nhiều vai trong một cái không thiêng. Nếu mà đúng ra là phải là 36 giá, phải không? 36 giá tức là  nghệ nhân diễn 36 nhân vật khác nhau, 36 vai khác nhau, tính cách khác nhau, dáng điệu khác nhau, động tác khác nhau, đạo cụ khác nhau, trang phục khác nhau. Tôi cho đấy là một điều rất độc đáo mà cho đến bây giờ nó lan tỏa ra rất nhiều loại hình nghệ thuật khác - cũng học, cũng vận dụng. Bây giờ, ví dụ như thế giới người ta dùng world music nhiều thì đây chúng ta có cơ sở để lấy nghệ thuật của tín ngưỡng thờ Mẫu lan tỏa sang các nghệ thuật khác của đời sống hôm nay. Tôi rất phục, chúng ta đã có và phải nói là tự hào có được một cái rất là độc đáo, rất là Việt Nam. Về không gian diễn xướng, tôi nghĩ rằng nó cũng giống như là một số loại hình nghệ thuật khác, cần một không gian rất đặc trưng..

Khi diễn xướng đến cao trào, sự hưởng ứng của công chúng và sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả rất chặt chẽ. Tôi nghĩ rằng cần phải gìn giữ không gian này, vì khi diễn trong không gian truyền thống, cảm xúc sẽ thăng hoa cho cả nghệ sĩ và công chúng thưởng thức.

Cuốn sách này sẽ giúp cho những người nghiên cứu, tìm hiểu và thực hành tín ngưỡng đạo mẫu của chúng ta, thậm chí cho thế hệ trẻ sau này. Một trăm năm nữa, con cháu chúng ta sẽ có tài liệu và cơ sở để tiếp nối truyền thống của chúng ta.

Một lần nữa, xin chúc mừng tác giả và cảm ơn quý vị.

*****

Xen giữa các bải phát biểu, là những tiết mục diễn xướng chứng minh cho những luận điểm mà tác giả Phạm Việt Long đã nêu lên trong cuốn sách.

Nghệ sĩ Bách Hợp và nhà báo Tố Hoa hát bài hát văn “Cô Đôi thượng ngàn”, và Nghệ nhân Tuyết Tuyết với nhóm đàn ca toàn nữ trình bày những điệu hát văn trữ tình, chứng minh cho luận điểm của tác giả cuốn sách: “Có những bài chầu văn trong canh hầu có thể tách ra thành bài hát văn, biểu diễn như một tiết mục ca nhạc thông thường”.

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Quốc Thi trình diễn bài Chầu văn cổ, chứng minh luận điểm của tác giả cuốn sách rằng nghệ nhân hát chầu văn phải vừa đàn vừa hát, thuộc nhiều bài bản của hầu đồng.

Ca sĩ Hiền Anh Sao Mai hát “Lạy Mẫu anh linh”, chứng minh luận điểm của tác giả rằng nhiều văn nghệ sĩ đương đại lấy tín ngưỡng thờ Mẫu làm nguồn cảm hứng để sáng tạo nên các tác phẩm có âm hưởng của chầu văn, và đã rất thành công.

 Tiếng đàn, lời ca mang sắc thái độc đáo của dân tộc khiến cho buổi ra mắt sách được thăng hoa, vừa vui hoạt, vừa có ý nghĩa khoa học.

Thùy Linh

...