11/01/2025 lúc 07:09 (GMT+7)
Breaking News

Tác giả/dịch giả Khánh Phương vừa hoàn thành 4 sách biên dịch

Được biết gần đây, tác giả/dịch giả Khánh Phương vừa mới hoàn thành 4 sách biên dịch, bao gồm: Sức mạnh của niềm tin – tác giả: Gustave Geley; Đừng bao giờ trì hoãn – tác giả: Rose Wilder Lane; Diễn biến tâm lý đám đông – tác giả: Gustave Le Bon; Hãy nghĩ lớn – tác giả: Andrew Carnegie. Bốn cuốn sách trên xoay quanh các chủ đề: sức mạnh tiềm thức, giá trị của sự cống hiến và tư duy lớn lao, khả năng lãnh đạo đổi mới và tác động của đám đông trong xã hội.

Tác giả/Dịch giả Khánh Phương

Theo tác giả/dịch giả Khánh Phương, lợi ích cho độc giả khi đọc những cuốn sách này là: Tăng khả năng tự nhận thức, trong đó hiểu rõ hơn về cách ý thức và tiềm thức hoạt động, từ đó khai thác sức mạnh tiềm năng của bản thân; Truyền cảm hứng hành động, khám phá sự kiên định, quyết tâm và vai trò của những ý tưởng lớn trong việc đạt được thành công; Hiểu thêm về xã hội, nắm bắt được tâm lý con người trong các nhóm lớn, ứng dụng trong công việc lãnh đạo và giao tiếp; Học hỏi từ các nhân vật kiệt xuất, những câu chuyện từ Henry Ford và Andrew Carnegie là nguồn cảm hứng thực tiễn cho việc xây dựng sự nghiệp, quản lý và cống hiến cho cộng đồng.

Tác giả/dịch giả Khánh Phương vừa mới hoàn thành 4 sách biên dịch

Với cuốn sách “Sức mạnh của niềm tin”, tác giả Gustave Geley, nhà tâm lý học nổi tiếng người Pháp, từng viết: “Không có nghệ sĩ, nhà khoa học hay nhà văn nào xuất sắc mà không nhận thức được tầm quan trọng vô song của tiềm thức, từ Vô thức đến Ý thức.” Tâm trí có ý thức là cội nguồn của suy nghĩ, đồng thời mang lại cho chúng ta nhận thức về cuộc sống thường nhật. Nó giúp chúng ta hiểu rằng mình đang tồn tại, nhận thức được môi trường xung quanh, kiểm soát các năng lực tinh thần, cũng như cảm nhận và lý giải cảm xúc. Ý thức cho phép chúng ta tư duy logic, đánh giá các sự vật, con người, nhìn nhận thành công hoặc thất bại, và cảm nhận vẻ đẹp của nghệ thuật.

Trong khi đó, tiềm thức là nguồn sức mạnh tiềm tàng, bắt nguồn từ bản năng và những mong muốn sâu kín nhất, nhưng luôn hướng tới ý thức. Tiềm thức là kho lưu trữ những ấn tượng tự phát về con người và tự nhiên, đồng thời là nơi gìn giữ ký ức – những trải nghiệm và sự kiện mà ý thức chuyển giao để lưu trữ và sẵn sàng sử dụng khi cần thiết. Một ngày nào đó, nhờ sức mạnh tiềm thức, bạn sẽ tìm thấy mình ở nơi mình từng khao khát, thực hiện những công việc mà bạn đã mường tượng. Khi nhìn lại, bạn sẽ nhận ra rằng các sự kiện trong đời mình đã tạo thành một chuỗi logic, dẫn đến thành quả cuối cùng. Đó chính là phần thưởng cho những hi vọng và ước mơ chân thành nhất của bạn – thành công lớn lao thuộc về chính bạn!

Trong sách “Đừng bao giờ trì hoãn”, chúng ta ngưỡng mộ Henry Ford không chỉ vì những thành tựu kinh doanh vượt trội mà còn bởi tầm ảnh hưởng toàn cầu mà ông đã tạo ra. Suốt sự nghiệp của mình, Ford đã xây dựng được khối tài sản khổng lồ, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp ô tô. Ông là một doanh nhân tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc với tầm nhìn và sự đổi mới đã định hình lại thế giới.

Trong một xã hội nơi tiền bạc và quyền lực thường làm mờ đi giá trị con người, Henry Ford vẫn giữ vững bản sắc của mình – một người thợ cơ khí giản dị với cách nhìn thực tế về các mối quan hệ giữa con người. Ông xem mỗi cá nhân như một bộ phận trong cỗ máy lớn, nơi mà mọi chuyển động thừa thãi, mọi chi tiết hỏng hóc hoặc hoạt động kém hiệu quả đều là tổn thất cho tổng thể. Cách tiếp cận độc đáo và triết lý của ông làm nổi bật tài năng, khiến ông trở thành một biểu tượng đáng kính trong lòng đồng nghiệp và cộng đồng.

“Diễn biến tâm lý đám đông” là một hệ thống lý luận được Gustave Le Bon, một học giả hàng đầu của Pháp nghiên cứu. Ông đã mở ra một hướng tiếp cận mới trong lĩnh vực nhân học nói chung và tâm lý cộng đồng nói riêng. Lý thuyết này không chỉ giải thích cách thức hoạt động của đám đông mà còn phân tích sâu sắc về ảnh hưởng của nó đối với hành vi con người.

Cuộc tranh luận đầu tiên về tâm lý đám đông xuất phát từ hai nhà tội phạm học Scipio Sighele và Gabriel Tarde, xoay quanh việc xác định trách nhiệm hình sự trong một đám đông và đối tượng cần bị bắt giữ. Quan điểm của họ chủ yếu tập trung vào khía cạnh pháp lý và cách áp dụng tội phạm học trong các tình huống hỗn loạn. Tuy nhiên, Gustave Le Bon đã mở rộng vấn đề, chỉ ra rằng ảnh hưởng của đám đông không chỉ giới hạn trong những hiện tượng tiêu cực như bạo loạn hay tội ác. Ông nhấn mạnh rằng đám đông cũng có thể mang lại những tác động tích cực, chẳng hạn như khơi dậy cảm hứng, lan tỏa ý chí hoặc tạo động lực cho những thay đổi xã hội mang tính cách mạng.

Gustave Le Bon đã chỉ trích cách tiếp cận hẹp hòi của các nhà lý thuyết trước đó khi chỉ chú trọng vào khía cạnh tội phạm của đám đông mà không đánh giá đầy đủ tiềm năng tích cực của nó. Chính quan điểm toàn diện và cân bằng này đã làm cho lý thuyết của ông trở thành nền tảng cho nhiều nghiên cứu tâm lý và xã hội học đương đại.

Còn về sách “Hãy nghĩ lớn”, vua thép Andrew Carnegie là một huyền thoại của ngành công nghiệp thép, biểu tượng cho một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ. Người đời ngưỡng mộ ông vì sự vĩ đại trong kinh doanh, và tầm nhìn, nhân cách cao cả. Carnegie là hiện thân của nguồn cảm hứng lớn lao đối với hòa bình thế giới và tình yêu nhân loại.

Carnegie đã thiết lập một nguyên tắc sống và làm giàu mang tính cách mạng: sự giàu có phải được sử dụng để phục vụ nhân loại. Nguyên tắc này làm thay đổi cách nhìn nhận về sự giàu có, để lại dấu ấn sâu đậm trong triết lý kinh doanh và cống hiến xã hội. Trong sự nghiệp của mình, ông là một nhà tư bản thành công, là một nhà lãnh đạo tư tưởng, một diễn giả tài năng và một nhà văn xuất sắc. Carnegie xây dựng các mối quan hệ đa dạng, trở thành bạn bè với công nhân lao động, học sinh, và cả những người đứng đầu quốc gia. Ông luôn cống hiến hết mình cho sự phát triển quê hương, đề cao giá trị học vấn, công bằng xã hội và sự đoàn kết giữa mọi tầng lớp.

Những di sản của Carnegie không chỉ gói gọn trong ngành thép mà còn lan tỏa qua các quỹ từ thiện, thư viện công cộng và các hoạt động hỗ trợ giáo dục trên toàn thế giới, biến ông trở thành một hình mẫu cho khái niệm “trách nhiệm xã hội” mà thế hệ sau vẫn noi theo.

Nhìn chung, khi đọc những cuốn sách nêu trên, độc giả ít nhiều sẽ học được cách kết hợp sức mạnh cá nhân, tầm nhìn chiến lược và sự hiểu biết về xã hội để đạt được thành công bền vững và tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng.

Minh Tiên

...