23/01/2025 lúc 13:56 (GMT+7)
Breaking News

Cuộc chiến chống ma túy ngày càng gay gắt hơn

VNHN - Tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, có tổ chức, thậm chí núp bóng các doanh nghiệp để buôn bán, vận chuyển do “đằng nào buôn ma túy cũng chết” nên chúng làm số lượng lớn luôn... Do đó, cuộc đấu tranh của chúng ta trong lĩnh vực này sẽ ngày càng gay gắt và khó xử lý hơn.

VNHN - Tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, có tổ chức, thậm chí núp bóng các doanh nghiệp để buôn bán, vận chuyển do “đằng nào buôn ma túy cũng chết” nên chúng làm số lượng lớn luôn... Do đó, cuộc đấu tranh của chúng ta trong lĩnh vực này sẽ ngày càng gay gắt và khó xử lý hơn.

Mới đây, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây ma túy hơn 1,1 tấn ở TPHCM và trước đó, một đường dây với 700 kg ma túy cũng bị triệt phá ở tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An. Các đường dây ma túy vừa bị triệt phá đều được vận chuyển từ Lào về Việt Nam, sau đó chuyển sang nước khác để tiêu thụ và các đối tượng cầm đầu đều là người Đài Loan. Phóng viên đã trao đổi với ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, xung quanh vấn đề này.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Ông nhìn nhận thế nào về thực tế triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán ma túy vừa qua với con số lên đến hàng tấn?

Ông Đặng Thuần Phong: Việt Nam đã được cảnh báo là nơi trung chuyển ma túy từ lâu rồi. Từ Quốc hội khóa XI đã có nhiều ý kiến cảnh báo về vấn đề này, vì ở khu vực Tam Giác Vàng hiện nay ở Myanmar vẫn còn trên 61.000 ha thuốc phiện; Lào họ trồng cũng nhiều. Trong khi đó, đường biên giới của Việt Nam thì “mênh mông”, quản lý không xuể nên ma túy thẩm lậu qua biên giới bằng nhiều đường khác nhau. Việt Nam trở thành nơi trung chuyển ma túy để chuyển đi khắp nơi với thủ đoạn trá hình ở các doanh nghiệp, rồi đi sang các nước thứ ba. Điều này đang gây bức xúc lớn trong dân.

Về mặt chính sách phòng chống ma túy của Việt Nam, Bộ luật Hình sự của chúng ta khá nghiêm khắc, chỉ cần buôn bán 200g ma túy là lãnh án tử hình. Do vậy, 1kg hay 1 tấn cũng tử hình, vì thế, tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, có tổ chức, thậm chí núp bóng các doanh nghiệp để buôn bán, vận chuyển do “đằng nào buôn ma túy cũng chết” nên chúng làm số lượng lớn luôn, sẵn sàng có vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng. Do đó, cuộc đấu tranh của chúng ta trong lĩnh vực này sẽ ngày càng gay gắt và khó xử lý hơn. Đó là một thách thức thực sự đặt lên vai của ngành chức năng, đặc biệt là của lực lượng công an trong phòng, chống ma túy.

Như vậy, nỗi lo Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy lớn đã thành hiện thực, thưa ông?

Ông Đặng Thuần Phong: Đó là thực tế đã hiện hữu. Một thực trạng rất đau lòng nữa là từ trước đến nay, Việt Nam không có chế biến ma túy tổng hợp, nhưng bây giờ chúng sản xuất ngay tại Việt Nam- TPHCM đã phát hiện mấy vụ. Thời gian qua, các tiền chất về ma túy chúng ta quản lý cũng chưa chặt. Ngành y tế cho phép nhập những chất này để phục vụ cho hoạt động y tế, nhưng khi về nước thì quản lý lỏng lẻo, nên nhiều người lợi dụng để tinh chế ma túy. Cả thế giới hiện có trên 600 loại ma túy tổng hợp, Việt Nam nhận diện vấn đề này chưa hết, hiện có thêm 7 chất mới trộn vào cả thuốc lá điện tử, sử dụng trà trộn trong lớp trẻ mà ngành chức năng không phát hiện; gia đình, nhà trường cũng không nắm được, rất nguy hại.

Việt Nam là thị trường lớn, ngoài việc trung chuyển đi các nơi thì người nghiện ma túy ở Việt Nam hiện cũng đã trên 300.000 người, mỗi năm phát hiện mới trên 10.000 người nghiện. Xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp ngày một nhiều, như tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, thay vì heroin, người sử dụng ma túy tổng hợp hiện đã chiếm 70% - 80%.

Trước đây, ma túy truyền thống là heroin thì chúng ta có giải pháp thay thế là Methadone, nhưng đối với ma túy tổng hợp thì chúng ta chưa có phác đồ điều trị. Bộ Y tế mới ban hành phác đồ nhưng chưa được kiểm định trong thực tiễn và mức độ giảm hại chưa đánh giá được. Có thể nói, sử dụng ma túy tổng hợp hiện nay đang trở thành trào lưu và lo ngại là tội phạm ma túy đang nhắm vào chính lớp trẻ.

Phòng, chống ma túy đầy thách thức như vậy, nhưng rõ ràng không thể chỉ là trách nhiệm của riêng ngành công an? Vậy, sự vào cuộc của các bộ ngành, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo trong giáo dục, tuyên truyền để học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ hiểu rõ và tránh xa cạm bẫy ma túy cần được thể hiện ra sao trong bối cảnh hiện nay?

Ông Đặng Thuần Phong: Các biện pháp phòng, chống ma túy phải tiến hành cả trên phương diện giảm: cung, cầu; tác hại của ma túy. Về giảm cung, công an phải đánh án, triệt tiêu để ma túy không thâm nhập vào Việt Nam; không để sản xuất, trồng, chế biến ma túy ở Việt Nam, nhằm hạn chế nguồn ma túy cung cấp vào Việt Nam, kể cả trung chuyển đi nơi khác.

Còn với giảm cầu, muốn cho người ta biết tác hại của ma túy, truyền thông phải là quả đấm thép. Phải truyền thông vào những đối tượng có nguy cơ cao, đó là học sinh, sinh viên, thanh niên. Nhưng thực tế trong thời gian qua, truyền thông về phòng, chống ma túy trong học đường, các đối tượng có nguy cơ cao rất ít.

Nguyên do là vì nguồn lực đầu tư ít, trách nhiệm vào cuộc của các cơ quan chức năng, của cả hệ thống chính trị đối với công tác truyền thông này cũng chưa tốt. Lẽ ra truyền thông phải là việc phải được làm tốt nhất để giảm cầu thì chúng ta lại chưa đẩy mạnh, vì thế, chưa giải quyết được vấn đề thay đổi nhận thức và hành vi của lớp trẻ, của gia đình, cộng đồng đối với vấn đề ma túy.

Đối với giải pháp giảm tác hại thì hiện chúng ta mới chỉ có một giải pháp là sử dụng Methadone để người nghiện ma túy truyền thống (heroin) thay thế. Chỉ tiêu là đạt 80.000 người sử dụng thay thế thì hiện nay mới đạt hơn 53.000 người. Nhưng vấn đề là xu thế hiện nay là người nghiện đã chuyển sang dùng ma túy tổng hợp, nên Methadone không có tác dụng. Do đó, Chính phủ, ngành y tế phải sớm tính toán những hướng khác xử lý vấn đề ma túy tổng hợp. Hơn ai hết ngành y tế phải vào cuộc quyết liệt, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, kiểm nghiệm thực tiễn của Việt Nam để có phác đồ phù hợp.

Chúng ta phải thừa nhận một điều, cai nghiện không thành công, nhưng vẫn phải can thiệp giảm tác hại, được bước nào hay bước đó. Cái chính phải là chặn cung và cầu ma túy. Muốn thế thì phải đầu tư mạnh. Đầu tư từ lực lượng phòng, chống ma túy bởi hiện nay trang thiết bị, trình độ nghiệp vụ chuyên môn của lực lượng này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Phải có sự vào cuộc đồng bộ như vậy chúng ta mới mong kéo giảm được ma túy.

Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ có kiến nghị gì trong công tác phòng chống ma túy, thưa ông?

Ông Đặng Thuần Phong: Năm 2017, Ủy ban đã có giám sát toàn diện về phòng, chống ma túy và HIV. Những kiến nghị cũng đã được chuyển đến Chính phủ, các ngành chức năng. Tới đây chúng tôi sẽ giám sát lại việc thực thi các kiến nghị đó, nhưng nhìn chung chúng tôi đánh giá sự chuyển biến chưa như mong muốn. Vấn đề lớn hơn nữa là phải tập trung hoàn thiện thể chế, vì Luật Phòng, chống ma túy đã lạc hậu. Chúng tôi đã đề xuất đưa vào chương trình sửa luật nhưng Bộ Công an chưa chuẩn bị kịp. Nếu nhiệm kỳ này không kịp sửa, để sang nhiệm kỳ sau thì quá muộn so với yêu cầu hiện nay.

Trong khi đó, những giải pháp cho cai nghiện cũng chưa được tổng kết, ví dụ: hình thức cai nghiện tại cộng đồng, gia đình đều không hiệu quả, gần như các địa phương không làm được, vậy thì phải tính toán hình thức khác thích hợp. Vấn đề hoàn thiện thể chế phòng chống ma túy rất quan trọng, khi hoàn thiện rồi thì mới có nguồn lực cho các giải pháp. Nguồn kinh phí đó phải được luật hóa thì các bộ ngành, địa phương họ mới làm mạnh.

Xin cảm ơn ông!