Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 57/TB-VPCP ngày 28/2/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ Về Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025".
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước
Tại Thông báo trên, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính trong việc chuẩn bị, xây dựng và trình Đề án; các cơ quan cơ bản đồng tình với các nội dung của Đề án và có nhiều ý kiến tham gia xác đáng. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu dự họp tập trung vào phạm vi cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để hoàn thiện Đề án và Dự thảo Quyết định, trình Phó Thủ tướng Lê Minh Khái xem xét, quyết định trong tháng 02 năm 2022.
Tránh đồng nhất việc cơ cấu lại là thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp
Thủ tướng nhấn mạnh lưu ý tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, bảo đảm kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, DNNN làm nòng cốt, ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo các chủ trương của Đảng.
Cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; duy trì, củng cố và phát triển các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu tốt. Làm rõ, tránh đồng nhất việc cơ cấu lại là thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp.
Cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đơn giản hóa, tránh rườm rà, lãng phí để đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp.
Cổ phần hóa bảo đảm thực chất, hiệu quả
Thủ tướng yêu cầu cổ phần hóa phải bảo đảm thực chất, hiệu quả, không làm mất thương hiệu, bản sắc doanh nghiệp; đánh giá, xác định đầy đủ các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Chú trọng nâng cao chất lượng công tác quản trị doanh nghiệp, điều chỉnh phương thức quản trị doanh nghiệp, cạnh tranh theo cơ chế thị trường; có giải pháp cụ thể, rõ ràng để phân bổ hiệu quả nguồn lực của Nhà nước; tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu… tại doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ vốn, tài sản nhà nước, vốn, tài sản doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp, thường xuyên thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra.
Công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan trong công tác cán bộ, có quy định về khen thưởng, xử phạt nghiêm minh gắn với trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương; phân định rõ nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, có kết quả cụ thể trong tổ chức thực hiện các nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp. Hàng quý, sáu tháng, hàng năm thực hiện rà soát, báo cáo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh phù hợp với thực tế triển khai.
Thủ tướng yêu cầu Ban Cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tổ chức sơ kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, trình Ban chấp hành Trung ương.