30/03/2025 lúc 14:54 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số và văn hóa đọc: Động lực đổi mới giáo dục

Chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi lớn trong văn hóa đọc, mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức và đổi mới giáo dục. Sách điện tử, thư viện số và công nghệ AI không chỉ giúp nâng cao chất lượng học tập mà còn thúc đẩy thói quen đọc trong kỷ nguyên số.

Truyền thông chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa đọc

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích mô hình và không gian văn hóa đọc sáng tạo, phù hợp với từng cơ quan, tổ chức, địa phương. Theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, văn hóa đọc đóng vai trò quan trọng trong nâng cao tri thức, phát triển tư duy, giáo dục nhân cách và lan tỏa phong trào đọc sách trong đời sống.

Luật Thư viện số 46/2019/QH14 cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy văn hóa đọc thông qua các hoạt động thư viện, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm, khai thác thông tin cho trẻ em và cộng đồng, tạo điều kiện mở rộng tri thức và nâng cao khả năng tiếp cận thông tin.

Hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của văn hóa đọc, góp phần phát triển trí tuệ, bồi dưỡng nhân cách và xây dựng lối sống lành mạnh.

Thư viện phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền về văn hóa, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của văn hóa đọc. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo để xác định vai trò của từng lĩnh vực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hướng tới thu hút người dân tiếp cận dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí và thúc đẩy xã hội học tập.

Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số: Thách thức và cơ hội

Trước những biến đổi của thời đại số, mỗi người cần có nhận thức đúng đắn về sách và văn hóa đọc để thích nghi với xu hướng mới. Dù bị tác động bởi sự phát triển công nghệ, văn hóa đọc truyền thống không mất đi mà còn mở ra một giai đoạn phát triển mới.

Công nghệ đã tạo ra nhiều hình thức đọc đa dạng như audiobook, e-book, VRbook, sách tương tác… giúp độc giả tiếp cận kho tri thức khổng lồ, từ tác phẩm kinh điển đến sách mới xuất bản. Đặc biệt, khả năng tương tác của hình thức đọc hiện đại không chỉ kích thích tư duy mà còn kết nối người đọc với tác giả, bạn bè qua mạng xã hội, lan tỏa sách hay một cách rộng rãi và dễ dàng hơn.

Nhiều tổ chức, cá nhân đang tích cực ứng dụng công nghệ vào phát triển văn hóa đọc thông qua thư viện số, mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Chẳng hạn, ngày 15/4/2024, Mạng lưới Quản lý giáo dục Không biên giới (EdulightenUp) đã tổ chức Webinar “Kiến tạo Văn hóa đọc ở trường học trong kỷ nguyên số”, thu hút 6.000 người theo dõi trực tuyến.

Các kênh truyền thông cũng góp phần quan trọng khi tổ chức sự kiện ra mắt sách, giao lưu tác giả – độc giả, tạo môi trường kết nối và khơi dậy tình yêu sách trong cộng đồng.

Văn hóa đọc đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan quản lý và toàn xã hội. Để phát huy giá trị này, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào thư viện, tận dụng sức mạnh mạng xã hội và nuôi dưỡng thế hệ trẻ trở thành những đại diện tiêu biểu của văn hóa đọc, góp phần nâng cao chất lượng sống và nuôi dưỡng tâm hồn trong thời đại số./.

Đặng Nguyễn Anh Thư

...