05/11/2024 lúc 03:58 (GMT+7)
Breaking News

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại Hà Nam

Chương trình OCOP được xác định là bước đi quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới (NTM) tại Hà Nam, không chỉ giúp nâng cao giá trị, từng bước đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương “từ làng ra phố” mà còn phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân. Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, chuyển dần từ nông nghiệp an sinh sang sản xuất hàng hóa; góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hiệu quả, bền vững.

Hình thành nhiều sản phẩm đa giá trị

Hiện nay, tỉnh Hà Nam có 100% số xã (83/83 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được kết quả đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện 06 Chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình, đến nay tỉnh Hà Nam có 122 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 105 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao), cụ thể: Thị xã Duy Tiên: 42 sản phẩm; Thành phố Phủ Lý: 27 sản phẩm; Huyện Lý Nhân: 16 sản phẩm; Bình Lục: 15 sản phẩm; Thanh Liêm: 14 sản phẩm và Kim Bảng: 8 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP được phân hạng đã đảm bảo về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên sau khi được công nhận đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nên được nhiều người tiêu dùng biết đến như: Ruốc cá trắm cỏ, Chả cá rô phi của HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng; Sữa tươi thanh trùng, Sữa chua nếp cẩm của Công ty Cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc; Bánh đa nem làng Chều; Trà đông trùng hạ thảo của HTX Dược thảo Minh Đức, Trà ướp bông sen, rượu đông trùng hạ thảo, trà hoa súng, rượu sen của HTX Hoàng Trà….

 

Một số sản phẩm OCOP 3 sao

Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã có những tác động tích cực đến việc phát triển các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, nâng tầm các sản phẩm truyền thống theo hướng chuyên sâu giúp hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo của các chủ cơ sở, hộ sản xuất.

Bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng phụ trách, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Liêm cho biết: Từ khi thực hiện chương trình OCOP đến nay, huyện Thanh Liêm đã có 14 sản phẩm đạt chuẩn OCOP và được nhiều người biết đến các sản phẩm của địa phương hơn, đồng thời có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao hơn so với trước kia, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Phát huy vai trò “đòn bẩy”

Chương trình OCOP đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống, khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Đây chính là cơ hội để các chủ thể sản xuất nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu kinh tế theo hướng liên kết. Kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cũng góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn.

Sản phẩm Bánh đa nem làng Chều

Chương trình OCOP đã thúc đẩy các chủ thể không ngừng hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc... xây dựng thương hiệu, uy tín để nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị, sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên thị trường và có thể dễ dàng đưa vào hệ thống các siêu thị. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở có sản phẩm được chứng nhận OCOP phát triển cả về sản lượng và doanh thu, được người tiêu dùng tin tưởng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nam cho biết: Chương trình mỗi xã một sản phẩm là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, trung tâm là phát triển cộng đồng, từ đó xác định vai trò của công tác tuyên truyền rất quan trọng, quyết định đến sự thành công của chương trình. Các địa phương cần tiếp tục quan tâm, tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể trong việc hoàn thiện các sản phẩm để tham gia chương trình và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đối với các sản phẩm cần tiếp tục hoàn thiện bao bì, mẫu mã. Đối với các chủ thể sản xuất cần ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển từ sản xuất thủ công sang máy móc, thiết bị. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng cần được quan tâm hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm thông qua các kênh bán hàng, sàn thương mại điện tử để các sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng và thị trường biết đến.

Để sản phẩm OCOP phát triển hơn nữa, các cấp, các ngành, các chủ thể cần tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa của địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất, quản trị, đổi mới sáng tạo về sản phẩm, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ năng về thiết kế bao bì, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, marketing và phát triển thị trường. Tăng cường công tác rà soát, hỗ trợ phát triển ý tưởng sản phẩm mới có tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm OCOP đã được công nhận để duy trì và nâng hạng sản phẩm. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình OCOP ở các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để từ đó, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tiếp tục trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế nông thôn tại Hà Nam phát triển bền vững./.

Như Thiệp