VNHN - Trong bối cảnh thị trường xăng dầu phát triển, gian lận thương mại trong xăng dầu là không thể tránh khỏi. Để ngăn chặn tình trạng này cần đến sự nghiêm minh của chính sách và sự quyết liệt của các lực lượng chức năng. Hơn hết, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng cần chủ động phát hiện, tố giác vì chính lợi ích của mình.
Ảnh minh họa
Thực trạng buôn lậu và gian lận thương mại xăng dầu
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại với những mặt hàng xăng dầu vẫn diễn biến tương đối phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn và nó gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực xăng dầu.
Từ đầu năm 2018 trở lại đây, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã xử lý khoảng 5.000 vụ việc và và xử lý vi phạm hơn 1.000 vụ việc liên quan đến xăng dầu, trong đó tước quyền sử dụng 37 giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 cột bơm và 1 cây xăng.
Gần đây nhất, năm 2019, công an tỉnh Đắk Nông đã triệt phá đường dây pha chế xăng giả (đường dây Trịnh Sướng – PV), lấy xăng pha với chất dung môi, hòa chất tạo màu để tạo thành xăng A95 và E5 bán ra thị trường. Vụ việc này được nhận định là “rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao và gây thất thu cho Nhà nước”.
Về hành vi, lãnh đạo Tổng Cục QLTT cho biết, 2 hành vi vi phạm điển hình gồm: Bán xăng dầu ngoài hệ thống và kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực.
Địa bàn gian lận thương mại xăng dầu hiện nay tương đối phổ biến là: một số địa phương khu vực miền Tây Nam bộ, khu vực Trung bộ và một số tỉnh khu vực phía Bắc.
Công tác kiểm tra chất lượng xăng dầu cũng có những hạn chế nhất định về cơ sở vật chất, nguồn thông tin cũng như quy chế, cách thức phối hợp nên không kịp thời phát hiện các vi phạm về chất lượng xăng dầu.
“Đôi khi, trong lúc chờ đợi kết quả kiểm nghiệm, xăng dầu vẫn phải lưu thông liên tục. Đến khi phát hiện ra sai phạm về chất lượng thì lúc đó xăng trong bồn đã tiêu thụ hết gây khó khăn trong vấn đề xử lý tang vật. Thực tế này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về mặt chính sách cũng như phối hợp giữa các bên”, ông Trần Hữu Linh nhìn nhận.
Sẽ có Nghị định về xử phạt mới
Hiện nay về cơ sở pháp lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2017/NĐ-CP ngày 25/05/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Nghị định có hiệu lực từ năm 2017.
Tuy nhiên đứng trước tình hình gian lận thương mại xăng dầu khá phổ biến trong thời gian vừa qua, Tổng cục QLTT đã trình Bộ Công Thương, Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 67/2017/NĐ-CP. Nghị định thay thế này đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2019.
Được biết, Bộ Công Thương đang tiến hành quy trình để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Đây là Nghị định rất quan trọng của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Về giải pháp, Lực lượng QLTT thường xuyên cùng với Công an, Thanh tra, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thực hiện kiểm tra ngay ở địa phương, phân tích giám định mẫu xăng dầu để phát hiện ra xăng dầu giả, kém chất lượng qua nguồn tin báo của người dân. Cần làm tốt hơn công tác phối hợp giữa các lực lượng từ tuyến biên giới, ngoài biển vào trong đất liền, vào sâu trong thị trường tiêu thụ nội địa. Tăng cường thông tin về quản lý địa bàn, kiểm tra kiểm soát thường xuyên liên tục mới ngăn chặn có hiệu quả vi phạm về chất lượng xăng dầu.