VNHNO - Mới đây, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP.Hà Nội cho biết, qua kiểm tra, rà soát đã phát hiện và đình chỉ hoạt động 892 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố không bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, hiện nhiều quán karaoke trên địa bàn thực hiện chưa nghiêm việc này.
Nhiều quán Karaoke trong “danh sách đen” vi phạm PCCC vẫn hoạt động. Ảnh: T.V
Phớt lờ quy định
Ngày 24.8, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại một số quán karaoke bị liệt vào “danh sách đen” không bảo đảm các điều kiện về PCCC trên địa bàn quận Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm và quận Bắc Từ Liêm vẫn hoạt động bình thường. Một số quán mặc dù đã hạ biển nhưng bên trong vẫn còn hoạt động.
Tại quán Karaoke 112 tại số 134 Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), vào 10h sáng ngày 24.8, bên ngoài quán vẫn đề các biển hiệu liên quan đến dịch vụ. Khi thấy có sự xuất hiện của chúng tôi đã có một nhân viên ra “mời chào” khách vào hát. Tại đây, chủ quán cho đặt trước phòng hát cho 10 người với giá 400.000đ/giờ.
Tiếp tục khảo sát trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, tại quán Karaoke Flanmenco (có địa chỉ số 5, Văn Tiến Dũng, phường Phúc Diễn), bên ngoài, quán này gỡ hết tên biển giống như không hoạt động. Tuy nhiên, khi vào bên trong, cả nhân viên và chủ quán cho biết quán vẫn hoạt động bình thường.
Sau đó chủ quán còn nhiệt tình dẫn PV đi xem trước phòng hát và cho biết mức giá 200.000 đồng/giờ. Tại quán Karaoke Hoàng Anh (số 80 Cầu Diễn, phường Phúc Diễn), khi PV đề nghị được đặt trước phòng lúc 21h tối, chủ quán đồng ý đặt trước với giá 200.000đ/giờ. Quán vẫn có biển và ghi mức giá hát (cụ thể, hát ngày 80.000đ/giờ, hát đêm là 130.000 đ/giờ)...
Kiên quyết xử lý nghiêm
Liên quan tới vấn đề này, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS Trưởng thành phố - cho hay: Vừa qua xảy ra rất nhiều vụ cháy khiến nhiều người dân lo lắng. Do đó cần rà soát lại các yêu cầu PCCC.
“Về mặt phòng cháy, hiện đã có đầy đủ các cơ sở pháp lý để triển khai công tác này. Ngay trong thiết kế ban đầu của các công trình, dự án được duyệt đã có hệ thống PCCC. Đó là tính an toàn thiết yếu phải bảo đảm cho người dân. Luật PCCC cũng quy định rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý. Do vậy, cần có biện pháp mạnh để nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan” - TS Nghiêm nói.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến Quý II/2018, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP. Hà Nội nhận định, cháy nổ trên địa bàn tiềm ẩn nguy cơ hết sức nguy hiểm. Ông Khương đề nghị, trước hết ngay tại trụ sở các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu, chấp hành đúng các quy định về PCCC. Cùng đó, chế tài xử lý, xử phạt phải nghiêm khắc hơn, công tác kiểm tra xử lý sai phạm phải kiên quyết và dứt khoát hơn.
Chẳng hạn qua kiểm tra các công trình xây dựng nếu phát hiện không đảm bảo an toàn PCCC hay các giải pháp về PCCC chưa đảm bảo thì phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cắt điện, cắt nước. “Nếu chúng ta không có một giải pháp dứt khoát, một thái độ cứng rắn thì tôi nghĩ rằng, thảm họa về cháy nổ trên địa bàn thành phố là nhãn tiền” - ông Khương - nhấn mạnh.
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Hoài Nam từng phát biểu: “Khi xảy ra vụ cháy ở Cầu Giấy, chúng ta bắt đầu ngồi kiểm điểm với nhau. Sau đó, mới chỉ ra phải thế này, thế kia, nhưng sau một thời gian im ắng lại đâu vào đấy. Các cơ sở karaoke vẫn bật đèn sáng choang, các biển quảng cáo vẫn che hết.
Các chung cư, chúng ta yêu cầu các lồng phải cắt ra, làm ô cửa đề phòng khi xảy ra cháy còn cứu người được. Nhưng vừa rồi, xảy ra cháy lại phải dùng kìm cộng lực để cắt ra. Do vậy, công tác phòng cháy phải được thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, không để những thiệt hại đáng tiếc xảy ra”.