26/12/2024 lúc 20:15 (GMT+7)
Breaking News

Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam – Cơ hội và thách thức

Trong thời kỳ mở cửa của nền kinh tế, việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm… tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. FDI còn là một trong những nguồn quan trọng để bù đắp sự thiếu hụt về vốn, ngoại tệ của các nước nhận đầu tư, đặc biệt là những nước kém phát triển.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trên thực tế FDI mang lại những lợi ích lớn cho đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển, cụ thể là: Kích thích phát triển kinh tế; Tạo điều kiện dễ dàng cho thương mại quốc tế; Tạo thêm việc làm và thúc đẩy kinh tế phát triển; Có sự ưu đãi về thuế; Phát triển các nguồn lực; Chuyển giao nguồn lực và trao đổi kiến ​​thức, công nghệ và kỹ năng; Giảm chi phí, tăng năng suất lao động; Tăng thu nhập của nước nhận đầu tư.

Mặc dù vậy, FDI vẫn có hai nhược điểm chính, đó là: Sự gia nhập của các công ty lớn có thể thay thế các doanh nghiệp địa phương và đặt DN địa phương trước thách thức lớn hơn trong cạnh tranh. Mặt khác, khi lợi nhuận hồi hương, hầu như các công ty trong khối FDI sẽ không tái đầu tư lợi nhuận trở lại nước sở tại, dẫn đến dòng vốn chảy ra khỏi nước sở tại là rất lớn.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài thường có 3 loại hình, gồm:  FDI theo chiều ngang là việc đầu tư nước ngoài vào cùng một ngành; FDI theo chiều dọc là việc đầu tư được thực hiện trong chuỗi cung ứng, nhưng không trực tiếp trong cùng một ngành; FDI tập đoàn là việc một doanh nghiệp mua lại một doanh nghiệp không liên quan ở nước ngoài để tiếp tục đầu tư và tổ chức hoạt động.

Trong những năm qua, Việt Nam đã liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực FDI.  Trong đó có các ưu đãi về tài chính, tập trung vào 3 lĩnh vực: Ưu đãi về thuế TNDN; Ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu và Ưu đãi về tài chính đất đai. Những ưu đãi đó đã tạo ra môi trường minh bạch, thuận lợi thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khuyến khích các DN mới được thành lập hoặc đầu tư thêm vốn, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất; đồng thời góp phần nhất định vào việc động viên, thu hút các nguồn lực, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng, qua đó góp phần đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Cơ hội và thách thức

Trên thực tế, số vốn đăng ký FDI tăng thêm hàng năm đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Từ đó, các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư mở rộng nhiều dự án hiện hữu. Điều đó chứng tỏ, Việt Nam đang thực sự trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao…

Việc xuất hiện tình trạng “đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu” đã khiến các nước có xu hướng đa dạng hóa địa điểm đầu tư nhằm phân tán rủi ro. Trong số các nước được xem xét chuyển hướng đầu tư, Việt Nam có những lợi thế nhất định. Vị trí địa lý của Việt Nam không những thuận lợi cho Việt Nam trong các giao dịch kinh tế quốc tế, mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành trung tâm kết nối của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và kết nối khu vực này với các nền kinh tế ở khu vực phía Tây bán đảo Đông Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong giao thương toàn cầu, do có thể xây dựng và phát triển các cảng nước sâu khi sở hữu trên 3.000 km bờ biển. Theo kết quả của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản Jetro vào năm 2022 khảo sát 122 doanh nghiệp, Việt Nam nằm đầu danh sách thu hút đầu tư, với 54,3% doanh nghiệp lựa chọn đầu tư tại Việt Nam, xếp trên Thái Lan (26,7%), Philippines (19,5%) và Indonesia (17,9%)…

Việt Nam có lợi thế còn nhờ ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác. Việt Nam đã đàm phát để ký kết được 15 FTA. Trong đó, có 3 hiệp định quan trọng và mới ký gần đây là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

FDI tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa hóa. Cụ thể như: Trong lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng: Khu vực FDI chiếm khoảng 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, đã góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, khai thác dầu khí, điện tử, hóa chất, ô tô, xe máy, công nghệ thông tin, thép, xi măng, chế biến nông sản thực phẩm, da giày, dệt may… Trong lĩnh vực Nông - lâm - ngư nghiệp: Tốc độ tăng trưởng sản lượng của khu vực FDI luôn cao hơn khu vực kinh tế trong nước đã góp phần nhất định vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu và tiếp thu một số công nghệ tiên tiến…  Trong lĩnh vực Dịch vụ: FDI tác động quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng và kiểm toán với các phương thức hiện đại trong thanh toán, tín dụng, thẻ. Trong lĩnh vực Giáo dục, đào tạo, y tế tuy chưa thu hút được nhiều vốn FDI nhưng bước đầu đã hình thành được một số cơ sở giáo dục có chất lượng cao, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh hiện đại, phục vụ nhu cầu của một bộ phận tầng lớp dân cư Việt Nam có thu nhập cao và người nước ngoài tại Việt Nam. Trong lĩnh vực Thương mại – Bán lẻ: Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dịch vụ thương mại bán buôn và bán lẻ phát triển nhanh chóng, tạo ra phương thức mới trong phân phối hàng hóa, tiêu dùng và góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa...

Bên cạnh những đóng góp tích cực như đã khái quát trên, việc khai thác các lợi ích do dòng vốn FDI mang lại đang đối mặt nhiều thách thức, mà trong thời gian tới cần được khắc phục; cụ thể như sau: (1) Liên kết giữa khu vực FDI với các doanh nghiệp nội địa còn rất ít, chưa hình thành được các ngành công nghiệp phụ trợ, liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng hàng hoá… Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp FDI tập trung khai thác lợi thế lao động rẻ, nguồn tài nguyên sẵn có, thị trường tiêu thụ “dễ tính” để lắp ráp, gia công sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. (2) Một số ngành sản xuất và chế tạo trong một thời gian dài đã nhận được các chính sách ưu đãi, nhưng kết quả mà các doanh nghiệp FDI tạo ra là không tương xứng với kỳ vọng. (3) Làm sao để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khai báo lợi nhuận và nộp thuế nhiều hơn ở Việt Nam, đây là một khó khăn hiện nay. (4) Một số dự án FDI đã gây ra những sự cố về môi trường cũng như tạo ra các rủi ro liên quan đến an ninh quốc phòng. Đây là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong việc giảm thiểu các tác động không mong đợi của vốn FDI. (5) Tuy môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn được yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế. Nhiều doanh nghiệp FDI vẫn than phiền về những bất cập trong môi trường đầu tư như thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng và công nghiệp phụ trợ yếu kém, lạm phát gia tăng...

Giải pháp tăng cường thu hút vốn FDI vào Việt Nam

Để tạo lực hấp dẫn cho vốn FDI vào Việt Nam, cần chú trọng một số giải pháp sau:

- Tiếp tục chính sách định hướng thu hút đầu tư FDI có chọn lọc và phải đặt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Đặc biệt, phải quy định rõ những ngành nào, lĩnh vực nào cần ưu tiên thu hút FDI trên nguyên tắc những ngành và lĩnh vực doanh nghiệp trong nước có khả năng làm được thì không kêu gọi đầu tư nước ngoài.

- Rà soát và bổ sung các quy định, điều kiện để thu hút, duy trì và sàng lọc các khoản đầu tư hiệu quả. Chính phủ cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các dự án FDI đầu tư và sản xuất tại Việt Nam theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận trực tiếp công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại và tri thức kinh doanh tin cậy.

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài; Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, quy định rõ ràng trách nhiệm của từng bộ phận, từng khâu, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép lao động, quản lý thị thực, thủ tục hải quan, thuế,…

- Tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng; coi đây cũng là một trong những cơ hội để thu hút đầu tư. Ðồng thời, cần tập trung chuẩn bị mặt bằng, nhất là tại các khu công nghiệp để sẵn sàng đón dự án FDI bên cạnh sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, khả năng cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc…

- Cần tích cực xây dựng hệ tiêu chuẩn quốc gia về thu hút FDI như: quy mô vốn; lĩnh vực đầu tư có thuộc nhóm ưu tiên thu hút hay không; mức độ sử dụng lao động, công nghệ, môi trường, giá trị gia tăng nội địa, khả năng liên kết lan toả và tham gia các chuỗi giá trị; mức độ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

- Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế, chính sách, trong đó tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, minh bạch, hạn chế thay đổi, sửa đổi luật và phù hợp với luật pháp quốc tế.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp nhận FDI thế hệ mới. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, để đáp ứng được thời kỳ “chuyển đổi số” cũng như đáp ứng những yêu cầu thu hút FDI chất lượng cao, nguồn nhân lực cần phải được cải thiện, không thể mãi phụ thuộc vào gia công giá rẻ. Theo đó, các nhà quản lý cần sớm triển khai các giải pháp để một mặt thu hút lao động có kỹ năng vào khu vực FDI, mặt khác nhanh chóng đào tạo lại cho đội ngũ công nhân tay nghề thấp để thích ứng với các thay đổi của công nghệ, phù hợp với xu thế của thời kỳ công nghiệp 4.0./.

ThS Đỗ Minh Lương

...