25/12/2024 lúc 21:19 (GMT+7)
Breaking News

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Hàng Việt sang Trung Quốc giảm mạnh

VNHN - Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam.  Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 do ảnh hưởng từ xung đột thương mại Mỹ - Trung  khiến xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh.

VNHN - Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam.  Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 do ảnh hưởng từ xung đột thương mại Mỹ - Trung xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh.

Nguyên nhân xuất khẩu giảm

 Xuất phát từ trong cuộc chiến tranh thương mại, Trung Quốc giảm lượng xuất khẩu sang Mỹ do Mỹ áp thuế 300 tỷ USD lên hàng hóa của nước này. Với bối cảnh hiện tại đang dư thừa sản phẩm nông nghiệp, Trung Quốc không có nhu cầu nhập khẩu nông sản Việt Nam nhiều như trước đây.

Đồng Nhân dân tệ đang giảm giá trị so với đồng Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc đắt đỏ hơn.Từ đó, dẫn đến giảm lượng xuất khẩu nông sản của nước ta sang thị trường này.

Hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chờ xuất khẩu sang Trung Quốc

Từ tháng 6/2019, Trung Quốc đã chính thức thay đổi chính sách nhập khẩu đối với nông sản Việt Nam, đó là chuyển từ nhập khẩu tiểu ngạch sang nhập khẩu chính ngạch. Kèm theo đó, siết chặt biện pháp quản lý chất lượng, truy xuất ngồn gốc đối với nông sản Việt.

Chính sách của Trung Quốc siết chặt nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam và những biện pháp họ đưa ra mang tính kỹ thuật  về vệ sinh ATTP, chất lượng… buộc hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng với những tiêu chí này. Trung Quốc đang dùng rào cản về kỹ thuật để giảm lượng nhập khẩu nông sản từ Việt Nam; đồng thời, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch để họ dễ kiểm soát hơn. Việc làm này thể hiện rõ ràng mục đích Trung Quốc muốn giảm lượng nhập khẩu.

Mục đích khi giảm nhập khẩu nông sản từ Việt Nam là muốn hàng nội địa của họ được sử dụng nhiều hơn trong bối cảnh đang gặp vấn đề về xuất khẩu. Trung Quốc đang dư cung đối với nhiều mặt hàng nên bắt buộc phải dùng mức tiêu thụ nội địa để tiêu thụ sản lượng hàng hóa dư. Vì vậy, họ giới hạn đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam để thực hiện mục đích nêu trên là điều dễ hiểu.

Việc Trung Quốc nâng yêu cầu về chất lượng, vệ sinh ATTP, truy xuất nguồn gốc… giúp cho họ nhập khẩu các mặt hàng chất lượng tốt hơn và đúng với thông lệ quốc tế. Với việc kiểm soát chặt chẽ đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam mặc dù là biện pháp mang tính đối phó tình thế nhưng cũng mang lại lợi ích lâu dài cho Trung Quốc.

Giải pháp để tăng cường xuất khẩu

Giảm giá đồng Việt Nam so với Nhân dân tệ và Đô la Mỹ cũng là giải pháp tình thế của Việt Nam nhưng để duy trì xuất khẩu sang Trung Quốc lâu dài thì hàng nông sản của chúng ta phải đáp ứng yêu cầu về vệ sinh y tế, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ… Bên cạnh đó, chúng ta phải tìm kiếm, khai thác các thị trường khác như: Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ nhằm phân bổ rủi ro cũng như bù trừ việc mất thị phần tại Trung Quốc.

Đối với nông dân, doanh nghiệp Việt cần phải hiểu đối tác nước ngoài họ cần những gì để đáp ứng cho chuẩn. Về phía Chính phủ, nên nghiên cứu, xem xét để cho Đồng Việt Nam (VND) giảm giá trong biên độ phù hợp, nếu VND cứ giữ đúng giá như hiện tại thì gây bất lợi cho xuất khẩu vì hàng hóa Việt Nam bán sang Trung Quốc sẽ đắt đỏ hơn.

Để thay đổi thích ứng với thị trường, cơ quan liên quan đến xuất khẩu phải nắm rõ tình hình hiện tại và yêu cầu của các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc với những rào cản họ đang giăng ra. Để vượt qua được những rào cản này, cả người nông dân và các doanh nghiệp cần phải nắm bắt để đáp ứng yêu cầu thị trường, đồng thời nỗ lực nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Hàng Việt Nam đã thâm nhập đươc một số thị trường trên thế giới, song còn rất nhiều thị trường đang ngăn chặn hàng nông sản của Việt Nam vì lý do chất lượng, vệ sinh ATTP… chưa đạt tiêu chuẩn nên bắt buộc nông dân, doanh nghiệp phải hiểu và đáp ứng các tiêu chuẩn này một cách toàn vẹn hơn để nông sản xuất khẩu đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu, chè rất lớn trên thế giới, song thương hiệu “Made in Vietnam” trên thị trường nông sản thế giới vẫn chưa phổ biến. Xuất khẩu của Việt Nam tốt về số lượng nhưng chưa đạt yêu cầu về chất lượng. Do đó, chúng ra cần phải nâng cao chất lượng đối với hàng nông sản xuất khẩu, không những đáp ứng thị trường Trung Quốc mà còn đáp ứng các thị trường khác, đặc biệt là các thị trường mà nước ta ký hiệp định thương mại tự do là CPTPP và EVFTA.

Từ bối cảnh thách thức siết chặt chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc cũng là cơ hội để Việt Nam thay đổi tư duy và hành động trong xuất khẩu hàng hóa ra thế giới./.