VNHN - Theo Từ điển Kinh tế học Việt Nam (2012), định nghĩa Chiến tranh thương mại (CTTM) là hiện tượng trong đó hai hay nhiều quốc gia tăng hoặc tạo ra thuế hoặc các loại rào cản thương mại (gồm giấy phép xuất nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, viện trợ đối với các ngành sản xuất trong nước/nội địa, hạn chế xuất khẩu tự nguyện, yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập vào nội địa, lệnh cấm vận, hạn chế thương mại, và sự làm mất giá tiền tệ) với nhau nhằm đáp trả những rào cản thương mại của nước đối lập. Định nghĩa này được giới khoa học trong nước thừa nhận và sử dụng.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức bắt đầu từ tháng 3/2018 khi Tổng thống Mỹ tuyên bố áp mức thuế mới với 60 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Từ đó đến nay, chính quyền Trump đã ba lần tung đòn thuế vào 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc gồm các mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng, từ thiết bị tàu hỏa cho đến túi xách. Đáp trả, Trung Quốc áp thuế với 110 tỷ USD hàng Mỹ gồm hóa chất, than, thiết bị y tế và các loại nông sản như đậu nành. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong suốt năm qua và gây bất an cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chịu tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại sẽ là Mỹ và Trung Quốc, nhưng hệ lụy của nó sẽ xảy ra với nhiều bên, với tác động dây chuyền lan tỏa. Bài viết này sẽ cung cấp một cách tiếp cận phân tích các yếu tố tác động dẫn đến sự kiện chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trong tình hình hiện nay.
YẾU TỐ TÁC ĐỘNG CỐT YẾU
Trong CTTM Mỹ - Trung các chuyên gia nghiên cứu về chính trị - kinh tế quốc tế nhận diện yếu tố tác động có tính chất nòng cốt, hạt nhân dẫn tới thúc đẩy xung đột về cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sự trỗi dậy này làm đem đến nguy cơ và đe dọa vị trí siêu cường số 1 của Mỹ trên bàn cờ địa chính trị thế giới.
Nhìn nhận trong cục diện chính trị phức tạp trong những thập kỷ qua, một nhận định cho rằng: “Thế giới đang trong quá trình định hình một trật tự mới lớn nhất kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Trong cục diện này, Trung Quốc nổi lên như một chủ thể lớn có thể chiếm lĩnh vị trí độc tôn chi phối quan hệ quốc tế của Mỹ”.1 “Sau 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã có bước phát triển nhảy vọt: Năm 2010, Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới; năm 2012, Trung Quốc trở thành nước thương mại hàng hóa và nước có ngành sản xuất lớn nhất thế giới; đồng RMB trở thành đồng thanh toán lớn thứ hai của thương mại thế giới được đưa vào Giỏ quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF); Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia có khoa học và công nghệ tiến bộ nhanh nhất trên toàn thế giới; sự lớn mạnh của sức mạnh tổng hợp quốc gia là cho Trung Quốc ngày càng trở thành nước tham gia quan trọng trong tiến trình cải cách hoặc hoạch định quy tắc kinh tế, thương mại và tài chính toàn cầu”.2
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã thực sự khiến các nhà cầm quyền Mỹ cảm nhận được mối đe dọa. Mỹ đã đặt ra một loạt vấn đề có thể làm Trung Quốc đuổi kịp và vượt qua Mỹ, trong đó nhấn mạnh kế hoạch “MC25” cùng với vấn đề mang tính kết cấu là sự mất cân bằng thương mại Mỹ - Trung như những vấn đề bức thiết nhất trong cán cân quyền lực mà hiện tại Mỹ đang phải đối mặt. Trước bối cảnh đó, Mỹ không thể không có biện pháp đối phó và “CTTM” với Trung Quốc là một trong số những câu trả lời mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra nhằm mục đích tiêu hao sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng chính trị và kìm hãm đà phát triển của Trung Quốc hiện nay.
Nhận định trên được kết luận trên cơ sở thực tiễn bởi vào ngày 21/08/2018, trong bài phát biểu ở bang Tây Virginia, Donald Trump đã giải thích ý đồ thực sự của việc Mỹ phát động cuộc chiến thương mại là “Khi tôi vừa lên nhậm chức, có một xu thế lớn là Trung Quốc muốn vượt qua Mỹ trong ngắn hạn. Còn hiện nay, xu thế này sẽ không xảy ra”.3
“Nước Mỹ trên hết” là khẩu hiệu Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng như là yếu tố cốt yếu để đạt được mục tiêu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Có thể hiểu, dưới thời củaTổng thống Donald Trump, lợi ích của nước Mỹ, dù ở trong hay ngoài biên giới đều phải được ưu tiên đảm bảo nhằm giúp nước Mỹ khôi phục nội lực sau thời gian khủng hoảng kinh tế, lấy đó làm bàn đạp để duy trì và củng cố vị thế và tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với thế giới. Tuy nhiên, đối với Tổng thống Donald Trump, với nội lực hiện tại của nước Mỹ dường như chưa đủ để đảm bảo vị thế siêu cường, khi các nền kinh tế khác cũng đang chạy đua, không ngừng tìm cách thu hẹp khoảng cách với mình, trong đó sự vươn lên, trỗi dậy của Trung Quốc đang không ngừng thách thức ngôi vị số 1 thế giới của Mỹ. Nếu phát động một cuộc chạy đua vũ trang, một cuộc chiến tranh quân sự để ngăn chặn Trung Quốc thì thách thức ấy lại càng tăng thêm khi mà hậu quả của cả bên thắng và bên thua là điều không thể tưởng tượng, dẫn tới là điều gần như không thể xảy ra. Do vậy, lựa chọn và phát động CTTM với Trung Quốc là giải pháp triệt để nhất để Mỹ đạt được mục tiêu ngăn ngừa mối đe dọa đến từ Trung Quốc.
CÁC YẾU TỐ CỤ THỂ
CTTM Mỹ - Trung là cuộc chiến đánh vào lĩnh vực thương mại do Mỹ phát động đối với Trung Quốc. Vì vậy, phân tích các yếu tố tác động đến cuộc CTTM này tất yếu phải phân tích những nhân tố đã thúc đẩy Mỹ tiến hành CTTM với Trung Quốc.
Thứ nhất, yếu tố về công nghệ và tham vọng của Trung Quốc trở thành quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới. Tham vọng này được biểu hiện thông qua kế hoạch “MC25”.Với nước Mỹ, kế hoạch“MC25”của Chính phủ Trung Quốc công bố là một kế hoạch phản diện, là mối đe dọa thực sự đối với vị thế dẫn đầu về công nghệ của nước Mỹ.
Với kế hoạch này, “mục tiêu tối thượng của Bắc Kinh là giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài và thúc đẩy các nhà sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu… Kế hoạch “MC25” đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như sau: đến năm 2025, Trung Quốc đạt 70% mức “tự cung tự cấp” trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, và đến năm 2049 – kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa – họ tìm kiếm một vị thế thống trị trên thị trường toàn cầu”.4
Kế hoạch “MC25” đã cụ thể hóa một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Trung Quốc chính là ngành công nghệ cao, bởi chính ngành này đã giúp Trung Quốc trở thành quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới và cùng với đó cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ mang tới cơ hội rất lớn để Trung Quốc thực sự vượt lên trở thành quốc gia phát triển nhất thế giới. Hệ quả rất có thể xảy ra trong tương lai đó thúc đẩy Mỹ mặc nhiên quy định kế hoạch “MC25” của Chính Phủ Trung Quốc trở thành một biểu tượng cho những tham vọng bá quyền của nước này và ngày càng gây ra sư quan ngại sâu sắc của Mỹ về việc Trung Quốc nổi lên như một đầu tàu công nghệ kình địch với sự lãnh đạo của Mỹ.
Thật vậy, bản chất sâu xa của cuộc chiến thương mại lần này là một cuộc xung đột về công nghệ. Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, nước nào nắm được công nghệ thì nước đó phát triển. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia sẽ phụ thuộc lớn vào năng lực và sáng tạo công nghệ. Nếu Mỹ muốn duy trì vị thế siêu cường thì không để lọt công nghệ vào tay đối thủ. Rõ ràng, sự phát triển với tốc độ chóng mặt của công nghệ, các loại vũ khí thông minh có được từ ứng dụng công nghệ thông tin đã, đang và sẽ xuất hiện. Những hình thức quân sự truyền thống như quân đông, vũ khí cơ học sẽ dần bị thay thế. Thực tế cuộc cách mạng trong ngành công nghệ quân sự bắt nguồn từ những lĩnh vực phi quân sự và những nước nào có cơ sở kinh tế cùng công nghệ tiên tiến sẽ đủ sức thực hiện cuộc cách mạng thông tin trong quân sự. Do đó, Mỹ áp đặt thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc không hẳn vì thâm hụt thương mại mà còn vì những vi phạm từ phía Trung Quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ cao.
Thứ hai, phát động CTTM là cách để Mỹ phản ứng lại sự phát triển mô hình kinh tế của Trung Quốc – mô hình mà Chính phủ Mỹ coi như một sự đe dọa đối với hệ thống thị trường tự do.
Nền kinh tế của Trung Quốc được định hướng thị trường theo một số cách thức, nhưng nhiều thành phần quan trọng thuộc di sản của nền kinh tế kế hoạch vẫn được duy trì. Hai yếu tố quan trọng của mô hình kinh tế Trung Quốc đó là sự hiện diện của các thị trường dành cho nguồn vật liệu, các sản phẩm và nguồn nhân công và vai trò của nhà nước đối với hoạt động kế hoạch hoá sản xuất công nghiệp và quyền sử hữu của các doanh nghiệp. Với mô hình kinh tế này, Chính phủ Trung Quốc phát triển nhiều ngành, bao gồm ngành công nghệ cao với sự trợ giá và những hình thức trợ giúp khác. Điều này theo Mỹ được coi là làm méo mó thị trường và khiến những nhà đầu tư nước ngoài luôn ở trạng thái bất lợi.
Cụ thể, mô hình kinh tế của Trung Quốc đe dọa tới những lợi ích sinh lợi của giới tinh hoa kinh tế Mỹ và các nhóm kinh doanh Mỹ theo cách như sau: Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đóng cửa với các nhà đầu tư Mỹ và cạnh tranh với họ; các ngành được bảo hộ ngăn chặn các nhà đầu tư Mỹ kiếm lợi nhuận; những yêu cầu của Trung Quốc trong hợp tác liên doanh hạn chế các hoạt động đầu tư của Mỹ và nhằm mục đích tiếp cận công nghệ cho phép phát triển các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh với các công ty Mỹ; việc nhà nước Trung Quốc phát triển các doanh nghiệp tiên phong nhà nước đã làm gia tăng các đối thủ cạnh tranh trong hoạt động đầu tư của Mỹ; kế hoạch “MC25” loại các hoạt động đầu tư của Mỹ ra khỏi các thị trường công nghệ cao của Trung Quốc, cạnh tranh với các hoạt động đầu tư công nghệ cao của Mỹ trên toàn cầu, cho phép Trung Quốc thách thức ưu thế quân sự của Mỹ và làm suy yếu năng lực của Mỹ sử dụng vũ lực để có được những cơ hội thương mại và đầu tư với những điều kiện thuận lợi.5
Trước thực tế đó, Chính quyền Mỹ không thể cho phép một mô hình như vậy được thiết lập và lan rộng, bởi nếu không cơ hội lợi nhuận của các nhà đầu tư Mỹ sẽ giảm. Những nước kém phát triển đã nhiều lần thực hiện các mô hình kinh tế, trong đó các doanh nghiệp nhà nước và việc kế hoạch hóa công nghiệp ở vị trí trung tâm. Trong hầu hết mọi trường hợp, phía Mỹ đã sử dụng các biện pháp trừng phạt, CIA hoặc Lầu Năm Góc hoặc cả ba vũ khí này, để ngăn chặn mối đe dọa Trung Quốc làm tổn hại tới những lợi ích sinh lợi của những công nhân quan trọng của Mỹ. Do đó, CTTM được diễn giải như một cuộc tấn công vào mô hình phát triển kinh tế của nhà nước Trung Quốc.
Thứ ba, CTTM Mỹ - Trung xảy ra mang một ý nghĩa phòng ngừa chiến lược trước mối đe dọa đến từ Trung Quốc từ Mỹ. Hơn hết để hiểu đầy đủ ý nghĩa chiến lược này cần đặt CTTM Mỹ - Trung trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung hiện nay. Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy, cuộc tranh luận về mối đe dọa đến từ Trung Quốc cũng theo đó mà phát triển theo, với chiến lược “can dự” hay “bao vây” được coi là hai sự lựa chọn chiến lược mà nước Mỹ dành cho Trung Quốc trong những năm 1990. Với cách tiếp cận “can dự” đã được Chính quyền Mỹ lựa chọn dưới sự lãnh đạo của Tổng thống B.Clinton. Sở dĩ lựa chọn như vậy bởi chính cựu Tổng thống B.Clinton đã từng giải thích, can dự vào Trung Quốc có thể thúc đẩy nước này cải cách từ bên trong và khích lệ họ chấp nhận pháp quyền. Nghĩa là Chính phủ Mỹ có thể đặt niềm tin vào Trung Quốc dưới sự tác động của người Mỹ, Trung Quốc sẽ thay đổi và có một hướng đi theo quỹ đạo pháp lý trong kinh tế mà Mỹ đã gây dựng trên phạm vi toàn cầu suốt mấy mươi năm qua. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2000, cựu Tổng thống B.Clinton tiếp tục nhấn mạnh và khẳng định, Trung Quốc đang đồng ý tiếp nhận một trong những giá trị dân chủ, đó là tự do kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều thập kỷ đã qua, sự can dự của Mỹ đã không làm cho Trung Quốc đạt được mức độ tự do hóa kinh tế và chính trị mà cả Mỹ và các nước phương Tây kỳ vọng. Trong khi đó, họ lại phải chấp nhận một thực tế rằng Trung Quốc đã phát triển và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, điều này đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức về mối đe dọa đến từ Trung Quốc càng tăng lên. Trong bối cảnh như vậy, CTTM có thể được coi như một sự thay đổi chiến lược mà Mỹ đưa ra với Trung Quốc.
Khi nhận thấy CTTM không chỉ đơn thuần là thương mại, mà ở đó phần toan tính về chính trị nhiều hơn, nổi trội hơn thì có thể thấy rằng, nguy cơ về một cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể xảy ra. Khi mà nước cờ mà Mỹ sử dụng dưới các biện pháp được áp dụng đối với Trung Quốc ngày càng có mức độ gay gắt hơn. Dấu hiệu này chỉ có thể xuất phát từ một điểm duy nhất: Tổng thống D.Trump rất muốn “giải quyết” nguy cơ của mối đe dọa từ Trung Quốc với nước Mỹ trong trong nhiệm kỳ này.
CÁC YẾU TỐ KHÁC
Một là, Chính quyền Tổng thống Donald Trump từ khi lên cầm quyền thực hiện chính sách bảo hộ.
Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức tháng 1/2017 đã tuyên bố: “Từ nay về sau sẽ chỉ có nước Mỹ trước tiên, lợi ích của nước Mỹ được đặt lên hàng đầu. Mọi quyết định về thương mại, thuế, xuất nhập cảnh và đối ngoại sẽ đều nhằm mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ và gia đình Mỹ. Chúng ta phải bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá từ những nước sản xuất sản phẩm của chúng ta, ăn cắp công nghệ của chúng ta và hủy hoại công việc của chúng ta. Việc bảo hộ hàng nội địa sẽ đẫn đến thịnh thịch vượng và sức mạnh”.6
Tuyên bố này thể hiện rõ chính sách bảo hộ của Chính quyền Tổng thống D.Trump sẽ được thực thi như là một chiến lược để khôi phục và củng cố vị thế số một Mỹ dưới sự lãnh đạo của Donald Trump. Để cụ thể hóa chính sách này, Mỹ đã phát động cuộc chiến thương mại toàn diện công kích lên tất cả các đối tác thương mại, trong đó xác định Trung Quốc là mục tiêu cạnh tranh số một. Cùng với đó, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đề xuất đàm phán lại các điều khoản của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và xem xét lại các hiệp định khác… Tất cả những động thái đó được coi là đồng nghĩa với việc chống lại xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.
Hai là, thâm hụt thương mại lớn của Mỹ đối với Trung Quốc
Ngay từ khi chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 xảy ra, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã đề cập rất mạnh mẽ đến thâm hụt thương mại của Mỹ trước Trung Quốc. Ông cho rằng thặng dư của Trung Quốc gây bất lợi cho các công ty Mỹ, khiến người Mỹ mất việc làm và nhìn chung gây thiệt hại cho Mỹ. Sau khi thắng cử, Tổng thống Mỹ đã giải quyết thâm hụt thương mại bằng cách tăng xuất khẩu sang Trung Quốc thay vì hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đó, Donald Trump buộc phải theo đuổi các cuộc đàm phán chân thành để đạt được mục tiêu. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida hồi tháng 4/2017. Chủ tịch Tập Cận Bình với những động thái nhượng bộ tích cực khi đưa ra đề nghị nhập khẩu thịt bò từ Mỹ và nới lỏng các quy định đối với các công ty tài chính Mỹ hoạt động tại thị trường Trung Quốc giúp thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc có chiều hướng giảm. Sau đó, bản kế hoạch 100 ngày đàm phán thương mại Mỹ - Trung, thảo luận chi tiết nhiều vấn đề hơn để tạo lập cán cân thương mại bình đẳng hơn. Tuy nhiên, sự nhượng bộ của người đứng đầu Chính Phủ Trung Quốc và các cuộc đàm phán không tạo ra những thay đổi lớn. Thực trạng là xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng, thế nhưng nhập khẩu cũng tăng theo. Đến năm 2018, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương của Mỹ với Trung Quốc đạt kỷ lục 419,2 tỷ USD. Thâm hụt thương mại lớn của Mỹ được cho là nhân tố tác động trực tiếp đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Ba là, tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc về sở hữu trí tuệ
Theo chính quyền Mỹ , những sai phạm của Trung Quốc bao gồm việc đánh cắp công nghệ trong lĩnh vực không gian mạng, các công ty nước ngoài bị ép phải chuyển giao công nghệ và Chính phủ Tủng Quốc đã hỗ trợ rất nhiều cho các công ty công nghệ trong nước. Mỹ lo ngại sẽ mất đi ưu thế vượt trội trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và những công nghệ số khác vào tay Trung Quốc, theo đó ưu thế vượt trội về công nghệ và quân sự cũng mất đi. Tháng 6 năm 2017, công nghệ quân sự Mỹ dường như đã có một bước lùi khi Trung Quốc thực hiện bay thí nghiệm 119 máy bay không người lái, tạo ra bước đột phá về công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đã có những lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ triển khai những máy bay không người lái được tích hợp trí tuệ nhân tạo và tàu ngầm không người lái với số lượng lớn, từ đó cản trở hoặc gây khó khăn cho hoạt động tàu chiến Mỹ ở các vùng biển châu Á, tác động tiêu cực tới thế cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, việc chính quyền Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc và bảo vệ ngành công nghệ cao của nước này là điều tất yếu. Mỹ sẽ đối phó với sự cạnh tranh từ Trung Quốc bằng cách thúc đẩy các ngành sáng tạo và ngăn chặn hoạt động đánh cắp công nghệ từ phía đối thủ. Để phòng xa, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tiến hành những bước đi nhằm ngăn chặn các công ty công nghệ của Trung Quốc tiếp cận hoặc có liên hệ chặt chẽ với các nhà cung câp từ Mỹ. Sau khi Thượng viện Mỹ thông qua sự luật cấm sử dụng các sản phẩm của các công ty công nghệ số Trung Quốc như Huawei hay ZTE, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành ngay lập tức dự luật này. Lệnh trừng phạt này được hiểu như một động thái để chặt đứt chuỗi cung ứng công nghệ cao cho các công ty Trung Quốc, do tình trạng nước này chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi về sản xuất vi xử lý.
Trần Văn Dũng