04/12/2024 lúc 03:24 (GMT+7)
Breaking News

Mỹ - Trung đàm phán thương mại: Sức ép từ hai ‘chiến tuyến’, triển vọng mịt mù

VNHN - Hôm nay (30/7), Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và các quan chức hàng đầu Trung Quốc bắt đầu đàm phán 2 ngày tại Thượng Hải.

VNHN - Hôm nay (30/7), Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và các quan chức hàng đầu Trung Quốc bắt đầu đàm phán 2 ngày tại Thượng Hải. Chắc sẽ khó có một thỏa thuận nhanh chóng, khi những “con bài” mặc cả của hai bên, như đậu nành hay Huawei vẫn còn chưa được lật.

Trước mắt, không mong đợi bất kỳ thỏa thuận lớn nào trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung. (Nguồn: AP)

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc qua các thời kỳ đang chuẩn bị cho cuộc họp mặt thường niên tại thị trấn biển Bắc Đới Hà vào tháng tới. “Ngày hẹn” càng tới gần, Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình càng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để có những bước tiến cụ thể trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ bị chất vấn nhiều hơn trong năm nay, khi nhiều vấn đề trong nước đang nổi lên và cần một thành quả nào đó để có thể xoa dịu những chỉ trích của các “bậc tiền bối”.

Ngày hôm nay (30/7), Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và các quan chức hàng đầu Trung Quốc, trong đó có Phó Thủ tướng Lưu Hạc bắt đầu cuộc đàm phán 2 ngày tại Thượng Hải. Đây là cuộc đàm phán cấp nội các đầu tiên của hai “kỳ phùng địch thủ” về thương mại trong khoảng ba tháng qua.

Giới quan sát cho rằng, nếu cuộc đàm phán lần này diễn ra ở Bắc Kinh, ông Tập sẽ phải cân nhắc xem có nên gặp các quan chức đàm phán Mỹ hay không, nếu không gặp, hoặc sẽ làm các quan chức Mỹ mất lòng, hoặc đánh mất một cơ hội tạo tiến triển trong cuộc đàm phán. Một cuộc gặp ở Thượng Hải có thể tránh được tình trạng khó xử này.

Trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại, Bắc Kinh đã phát tín hiệu thực hiện một số cam kết nhỏ trong các thỏa thuận vốn được đưa ra trong cuộc gặp cuối cùng giữa ông Tập với Tổng thống Mỹ Trump.

THX hôm Chủ nhật (28/7) đưa tin rằng, Trung Quốc đã mua hàng triệu tấn đậu nành của Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump và ông Tập Cận Bình gặp nhau vào cuối tháng 6 và các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục yêu cầu mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Hãng tin này cho biết, vài triệu tấn đậu nành đã được đưa lên tàu tới Trung Quốc.

Ngành nông nghiệp Mỹ bị thiệt hại nặng nề kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của nông dân Mỹ. Không còn khách hàng Trung Quốc, lại vướng thêm dịch tả lợn châu Phi, nhiều nông dân Mỹ vẫn còn tồn đọng hàng tồn kho từ năm ngoái. Do đó, họ đang đồng loạt thúc ép Tổng thống Trump tiến tới một thỏa thuận với Bắc Kinh.

Trung Quốc đã đồng ý mua thêm đậu nành Mỹ dưới dạng mua hàng thiện chí, nhưng có vẻ như số tiền này ít hơn nhiều so với dự kiến của Tổng thống Trump. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, đối tác Trung Quốc mới chỉ chấp nhận mua khoảng 1 triệu tấn đậu nành từ Mỹ kể từ ngày 28/6. Thay vào đó, có vẻ như Bắc Kinh đã tiếp tục xúc tiến các hợp đồng mua đậu nành từ nhiều nơi khác.

Tuần trước, Brazil đã bán ít nhất 8 tàu đậu nành cho Trung Quốc, theo cơ sở dữ liệu nông nghiệp Trung Quốc Cofeed. Như vậy có nghĩa là, khoảng 5,2 triệu tấn đậu nành Brazil đã được bán cho Trung Quốc vào tháng 7.

Trong khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn có nguy cơ kéo dài, Tổng cục Hải quan Trung Quốc hôm thứ Sáu (26/7) đã phê duyệt nhập khẩu thêm đậu nành từ Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mới đây đã tránh bình luận về sự khác biệt trong các hợp đồng đậu nành này, chỉ nói rằng, các phái đoàn Mỹ - Trung sẽ sớm tiến hành vòng đàm phán thương mại lần thứ 12 và Bắc Kinh hy vọng sẽ sớm đạt được thỏa thuận với Washington.

Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Huawei. Tổng thống Trump đã bóng gió về khả năng này, tuy nhiên, các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ ý tưởng này.

Washington có thể sẽ xem xét cho phép xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thấp cho Huawei trong từng trường hợp cụ thể và vẫn giữ cái tên này trong Danh sách các thực thể cần phải theo dõi. Nhưng hiện chưa có chi tiết cụ thể nào được công bố chính thức.

Washington hiện đang cho phép một số ngoại lệ được xuất khẩu cho Huawei, trong trường hợp cần thiết để duy trì mạng di động. Tuy nhiên, hạn của giấy phép này chỉ được cấp đến hết ngày 19/8.

Trước đó, phía Mỹ muốn công bố một khuôn khổ mới cho Huawei, một quan chức của Bộ Thương mại cho biết. Còn phía Trung Quốc thì đang cân nhắc về việc tạm dừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, trừ khi có các tiến bộ trong cách đối xử của Nhà Trắng đối với Huawei.

Cho đến nay, Bắc Kinh đã từ chối thỏa hiệp về vấn đề trợ cấp công nghiệp và các chính sách khác, mà họ coi đó là các yếu tố chính trong chính sách kinh tế của họ.

Được biết, tại cuộc đàm phán lần này, hai bên sẽ bắt đầu bằng quyết định nên khởi động từ đâu hay tiếp tục từ một thời điểm nào đó vốn đã khiến các cuộc đàm phán sụp đổ.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ không kỳ vọng nhiều về một thỏa thuận nhanh chóng. Dự đoán về cuộc tại Thượng Hải lần này, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow cho rằng, ông không mong đợi bất kỳ thỏa thuận lớn nào.

Còn ở phía bên kia, Trung Quốc đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Quốc khánh vào ngày 1/10, chắc chắn vào thời điểm này, ông Tập Cận Bình sẽ không thực hiện các động thái hay quyết định gây tranh cãi. "Chúng tôi thực sự không thể thực hiện bất kỳ thỏa hiệp nào cho đến tháng 10 và có thể sẽ không đạt được nhiều tiến bộ trong các cuộc đàm phán", một nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết.

Hoặc có thể Bắc Kinh muốn kéo dài đàm phán để chờ xem liệu Tổng thống Trump có tái đắc cử vào năm 2020 hay không, như một quan chức Mỹ từng phán đoán.