18/01/2025 lúc 20:04 (GMT+7)
Breaking News

Thế giới sẽ phải thích ứng với một nước Mỹ rất khác

Kết thúc ngày bầu cử 5/11, cựu Tổng thống Donald Trump giành được đủ phiếu đại cử tri để có thể trở thành vị Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.

Đặc biệt, ứng viên Donald Trump đã chiến thắng tại tất cả các bang chiến trường ông từng để thua trong kỳ bầu cử năm 2020 và lội ngược dòng tại bang Nevada, nơi ông đã thất bại trong cả hai lần tranh cử. Tại bang Pennsylvania - bang quyết định trong bầu cử Mỹ, ông Donald Trump dẫn trước bà Kamala Harris với tỷ lệ cách biệt 2,2%.

Đây có thể coi là chiến thắng khá toàn diện bởi đảng Cộng hòa đồng thời giành được đa số ghế tại Thượng viện. Cùng với việc đang chiếm đa số tại Hạ viện, khả năng cao đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát lưỡng viện Quốc hội sau bầu cử 2024.

Với chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11, cựu Tổng thống Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng lần thứ hai. (Nguồn: vanityfair)

Dấu ấn lịch sử

Với thắng lợi này, ông Trump sẽ trở thành Tổng thống đầu tiên trong hơn 130 năm qua đảm nhiệm hai nhiệm kỳ không liên tiếp sau một lần thất cử. Ông đắc cử lần đầu năm 2016 rồi để thua Tổng thống Joe Biden trong năm 2020 và quay trở lại giành chiến thắng trong năm 2024, trở thành Tổng thống thứ 45 và 47 của nước Mỹ. Người đầu tiên làm được việc này là Tổng thống Grover Cleveland, tổng thống thứ 22 và 24, thắng cử năm 1885 và 1893.

Trong chính trường Mỹ, sẽ rất khó để một chính trị gia có thể duy trì ảnh hưởng vượt trội trong một đảng thêm bốn năm sau khi hết nhiệm kỳ. Nhiều tổng thống từng tìm cách trở lại Nhà Trắng nhưng không thành công, bao gồm Jimmy Carter và George H.W. Bush.

Ông Trump làm được điều này ngay cả khi đối mặt với rất nhiều thách thức từ hàng loạt vụ kiện tụng đời tư, tuổi tác, những vụ ám sát hụt và thay đổi chiến thuật đột ngột trước đối thủ mới chỉ ba tháng trước thềm bầu cử. Thậm chí, ông Trump còn là Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ trở lại Nhà Trắng khi từng bị luận tội.

Make America Great Again - chìa khóa chiến lược

Ông Trump từng gọi Make America Great Again (MAGA) là “phong trào vĩ đại nhất trong lịch sử của bất kỳ quốc gia nào”. Từ khẩu hiệu tranh cử năm 2016, theo thời gian, phong trào MAGA phát triển mạnh mẽ thành một cộng đồng cử tri trung thành, sẵn sàng tham gia tích cực vào các chiến dịch vận động và bỏ phiếu.

Sự cuồng nhiệt của MAGA kết hợp với phong cách của ông giúp tăng cường tỷ lệ cử tri đi bầu, bao gồm những người Mỹ thuộc tầng lớp lao động da trắng, không có bằng đại học, và các cư dân tại các khu vực nông thôn. Đây là nhóm cử tri chiếm thành phần cao nhất, tới 39.5% số phiếu phổ thông toàn quốc. Quan trọng hơn, người lao động da trắng không có bằng đại học là nhóm cử tri đông đảo nhất cả bảy bang chiến trường, thậm chí tại bang Pennsylvania, tỷ lệ này chiếm hơn một nửa cử tri. Vì vậy không ngạc nhiên khi ông Trump và phong trào MAGA tiếp tục khơi dậy sự ủng hộ của nhóm cử tri này trong năm nay.

Có thể thấy rất rõ trong 78 triệu cử tri bỏ phiếu sớm, số bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa tăng 5% so với năm 2020, giúp đảng này dẫn trước đảng Dân chủ tại các bang chiến trường như Nevada, North Carolina, và Georgia.

Nhập cư - vấn đề cốt lõi

Mặc dù bầu cử năm 2024 xoay quanh nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại, từ vấn đề giới, chủng tộc, đến quyền phá thai hay sự ảnh hưởng của xung đột tại Trung Đông, cử tri Mỹ vẫn đặt niềm tin vào người có thể giải quyết các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế, việc làm, đời sống của họ. Theo các cuộc thăm dò, trung bình 77% người Mỹ khẳng định khủng hoảng nhập cư là vấn đề quan trọng cần giải quyết ngay lập tức.

Ông Trump hiểu được điều đó và đẩy vấn đề nhập cư thành ưu tiên tranh cử. Mọi vấn đề về an sinh xã hội, thậm chí đối ngoại, ông Trump đều quy về hệ quả của nhập cư như khiến người Mỹ bị mất việc làm, mất an toàn, an ninh, đánh thẳng vào tâm lý cử tri Mỹ, hơn là những vấn đề xã hội khác.

Những bước đi khó đoán

Đây không phải điều ngạc nhiên khi thế giới đã chứng kiến những quyết định đột ngột của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, Trump 2.0 sẽ khác với Trump 1.0 vì ba lý do: Thứ nhất, môi trường quốc tế thay đổi, biến động, cạnh tranh, xung đột gia tăng. Thứ hai, đội ngũ cố vấn của ông Trump sẽ được điều chỉnh. Thứ ba, với tâm lý nhiệm kỳ cuối cùng sẽ không loại trừ khả năng ông Trump có những quyết định còn táo bạo hơn trước.

Về đối nội, nhiệm kỳ Trump 1.0 và tuyên bố chính sách của ông trong quá trình tranh cử là cơ sở để các nhà quan sát cho rằng chiến thắng của ông có thể tạo nên nhiều thay đổi trong kinh tế xã hội Mỹ. Ngoài vấn đề nhập cư mà chắc chắn ông Trump sẽ thực hiện cam kết với cử tri, những vấn đề an sinh xã hội khác (sức khỏe, giáo dục, quyền phá thai…) có khả năng nằm ngoài chương trình nghị sự của chính quyền Trump 2.0.

Về đối ngoại, cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” có thể vẫn được duy trì, ông Trump nhiều khả năng đưa ra quyết sách chưa có tiền lệ hay phá tiền lệ, bất chấp sự phản đối của cả nội bộ và đồng minh, đối tác. Nguyên nhân là do bên cạnh tư duy và quan điểm truyền thống của đảng Cộng hòa, quan điểm của ông Trump chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ xuất thân doanh nhân và vị trí “người ngoài cuộc” trong hệ thống chính trị Mỹ. Ông Trump theo đuổi “Chủ nghĩa hiện thực có nguyên tắc”, ưu tiên củng cố sức mạnh bên trong, giảm can dự trực tiếp bên ngoài, coi trọng kết quả thực chất trong quan hệ với đồng minh và đối tác. Trong suốt quá trình tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố rút khỏi các hiệp định đa phương, yêu cầu các nước NATO gia tăng đóng góp, thậm chí tuyên bố rút khỏi các hợp tác quân sự. Những bước đi khó đoán của ông Trump đặt các quốc gia vào trạng thái luôn phải chủ động thích ứng và ứng phó.

Thời Trump 2.0

Nước Mỹ dưới thời Trump 2.0 sẽ là một nước Mỹ rất khác và đảng Cộng hòa dưới thời Trump 2.0 sẽ không còn những giá trị truyền thống của nó.

Song hành với chiến thắng của ông Trump, đảng Cộng hòa có khả năng cao kiểm soát toàn bộ ba nhánh hành pháp, lập pháp, tư pháp của Mỹ. Vì vậy, những thay đổi dưới chính quyền Trump 2.0 sẽ là thay đổi mang tính toàn diện, tác động đến mọi mặt của đời sống.

Đối với thế giới, sự trở lại của ông Trump có thể dẫn đến thay đổi cục diện xung đột Nga-Ukraine, quan hệ với Nga, từ đó tác động tới cán cân quyền lực Mỹ - Trung - Nga, định hình lại cục diện địa chính trị thế giới. Tình hình tại Trung Đông, quan hệ với Triều Tiên, vấn đề Đài Loan nhiều khả năng sẽ có những bước chuyển mới khi ông Trump lên nắm quyền. Với Trung Quốc, ông Trump có khả năng thúc đẩy cạnh tranh một cách cứng rắn, quyết liệt hơn.

Tựu trung, thắng lợi của cựu Tổng thống Donald Trump không chỉ là thắng lợi của một cá nhân mà là cả một hệ tư tưởng. Dưới chính quyền Trump 2.0, tình hình sẽ phức tạp nhưng cũng xuất hiện những cơ hội. Điều này đòi hỏi tất cả cần bình tĩnh để chủ động thích ứng với một nước Mỹ rất khác.

Vũ Lê Thái Hoàng - Vũ Thị Hoài

Học viện Ngoại giao