29/11/2024 lúc 01:51 (GMT+7)
Breaking News

Chấn chỉnh tình trạng cầm cố, mua bán giấy tờ tùy thân

VNHN - Việc người dân không coi trọng giấy tờ tùy thân, dễ dàng đem đi cầm cố tại các cửa hàng cầm đồ, chính là cơ sở để một số kẻ lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Lực lượng chức năng, công an các địa phương đang vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng này.

VNHN - Việc người dân không coi trọng giấy tờ tùy thân, dễ dàng đem đi cầm cố tại các cửa hàng cầm đồ, chính là cơ sở để một số kẻ lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Lực lượng chức năng, công an các địa phương đang vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng này.

"Chợ ngầm" mua bán giấy tờ tùy thân

Trong cuộc sống, giấy chứng minh nhân dân (CMND) là một loại giấy tờ tùy thân quan trọng của mỗi người để chứng minh nhân thân và là điều kiện gần như bắt buộc để thực hiện được các thủ tục hành chính hoặc các giao dịch về ngân hàng, nhà đất, vay nợ.

Mặc dù có vai trò như vậy nhưng CMND lại đang bị chính những người dân xem nhẹ, nhiều người dễ dàng đem cầm cố, bán lấy tiền, thậm chí là vứt bỏ. Vì thế, đã dẫn đến việc các chủ tiệm cầm đồ thực hiện việc thu mua CMND rồi đem bán lại cho người khác để kiếm lời và ngầm tồn tại một hoạt động mua bán giấy tờ tùy thân gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ đã được Công an TP Hà Nội yêu cầu ký cam kết không mua bán giấy tờ tùy thân. Trong ảnh: Các hiệu cầm đồ trên Ðường Láng (Hà Nội). Ảnh: Lê Tú.

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại các khu vực được coi như "thánh địa cầm đồ" trên địa bàn TP Hà Nội như: đường Láng, thuộc địa bàn các phường Láng Hạ, Láng Thượng (quận Ðống Ða); đường Ðặng Dung (phường Quán Thánh, quận Ba Ðình); phố Vọng, Bạch Mai, Trương Ðịnh (quận Hai Bà Trưng)... cho thấy có rất nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Ðường Láng là nơi tập trung đông đúc hơn cả, chỉ trên một đoạn vài trăm mét đã có tới hàng chục biển hiệu "cầm đồ" lớn nhỏ. Tại mỗi cửa hàng đều lưu trữ hàng tá CMND và sẵn sàng bán khi có người hỏi mua. Một chủ hiệu cầm đồ có thâm niên ở đường Láng tiết lộ rằng, việc cầm cố, mua bán CMND đã có hàng chục năm. Những khách hàng cầm cố giấy tờ tùy thân để thế chấp vay nợ rồi sau đó không quay lại lấy chính là nguồn cung cấp CMND cho các chủ tiệm.

Thời điểm những năm 2008 - 2009, giá bán của mỗi chiếc CMND cực kỳ "bèo bọt", chỉ khoảng 20 nghìn đến 50 nghìn đồng. Ðến hiện tại, vật giá thay đổi và nguồn hàng cũng khan hiếm hơn, để mua được CMND, người mua phải bỏ ra từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng. Ðặc biệt, giá cả cũng đã được phân chia rõ ràng chứ không "một giá" như trước. Với các loại CMND của nam giới độ tuổi khoảng 28 đến 35 sẽ "được giá" hơn các loại CMND của người ở độ tuổi khác.

Phần lớn các chủ tiệm cầm đồ thực hiện việc mua bán CMND đều tỏ ra khá bất an, nhưng vì các giấy tờ này đã quá hạn không ai lấy, nếu để không cũng chẳng làm được gì, cho nên khi có người mua thì họ cũng sẵn sàng bán kiếm tiền.

Khách hàng chỉ cần cho biết giới tính, năm sinh thì người bán sẽ báo có hàng hay không và ra giá cụ thể. Việc mua bán dễ dàng, người bán không quan tâm đến việc người mua dùng làm gì. Bên cạnh CMND, các chủ tiệm cầm đồ còn không ngần ngại bán các loại giấy tờ tùy thân khác như giấy phép lái xe, đăng ký xe máy, thẻ sinh viên, văn bằng, chứng chỉ... nếu có người tìm mua.

Tạo cơ hội cho tội phạm lừa đảo

Nhiều người tự hỏi: Các loại giấy tờ tùy thân được người khác mua về để làm gì, khi thông tin cá nhân của mỗi người không thể giống nhau? Theo cơ quan công an, đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp và dễ nảy sinh các hoạt động tội phạm lừa đảo.

Theo cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội, nhiều người dân chưa quý trọng giấy tờ tùy thân của mình, dễ dàng mang đi cầm cố cùng với một số tài sản đi kèm để đổi lấy một khoản tiền phục vụ nhu cầu tiêu xài. Do việc cấp đổi CMND khá dễ dàng, nhiều người chỉ cần báo mất với cơ quan có thẩm quyền là có thể làm thủ tục xin cấp mới hoặc cấp lại, cho nên dẫn đến nhiều trường hợp người dân "ỷ lại" không cần chuộc lại giấy tờ tùy thân đang "cắm" ở tiệm cầm đồ. Ðây là một thực tế đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ, cần có cơ chế kiểm tra chặt chẽ.

Nguy hiểm hơn, việc dễ dàng mua bán giấy tờ tùy thân đã tạo kẽ hở cho tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Ðiển hình là thời gian qua, tình trạng các đối tượng xấu sử dụng CMND của người khác để làm giả thẻ ATM; làm giả hồ sơ vay tín chấp để lừa đảo diễn ra khá phổ biến. Không những thế, các đối tượng còn sử dụng CMND để lập công ty hoạt động phạm pháp như mua, bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng hay nhằm thay tên, đổi họ, che giấu thân phận thật.

Quá trình điều tra cho thấy, các đối tượng phạm tội đa số đều đi mua CMND tại các cửa hiệu cầm đồ để dựng hồ sơ thông tin cá nhân giả mạo. Như tại phiên tòa ngày 15-9-2015, Vũ Văn Ðại (sinh năm 1991, trú ở tỉnh Bắc Giang) bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử về tội "Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Tiến hành xét xử, TAND TP Hà Nội đã làm rõ, năm 2014, Vũ Văn Ðại làm phiên dịch cho Liu Chang Ming và Tsou Jui Cheng (người Ðài Loan, Trung Quốc) và được hai đối tượng này thuê mở các thẻ thanh toán quốc tế tại một số ngân hàng trên địa bàn TP Hà Nội với giá 3,4 triệu đồng/thẻ. Tiếp tay cho các đối tượng người Ðài Loan, Ðại đã lôi kéo một số đối tượng cùng tham gia. Ðại và đồng bọn đã đến các cửa hàng cầm đồ mua CMND bị "bỏ rơi", rồi mang về dán ảnh khác vào, sau đó đến ngân hàng đăng ký mở thẻ thanh toán quốc tế, kết nối với các số điện thoại của mạng MobiFone. Sau cùng, Ðại chuyển toàn bộ số thẻ thanh toán quốc tế cùng mật khẩu cho hai đối tượng người Ðài Loan. Có được các thẻ thanh toán quốc tế, các đối tượng người nước ngoài lập tức gọi điện đến hàng loạt gia đình trên địa bàn Hà Nội giả danh Công an đe dọa hoặc lừa đảo, bắt họ phải chuyển tiền vào các tài khoản tại ngân hàng.

Trong quá trình đe dọa, lừa đảo, bọn tội phạm công nghệ cao này luôn cắt cử đồng bọn ứng trực sẵn tại các cây ATM để sẵn sàng rút tiền ra ngay. Ðã có ít nhất 9 trường hợp bị các đối tượng tội phạm người nước ngoài đe dọa hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 5,5 tỷ đồng.

Một vụ việc khác xảy ra tại tỉnh Hải Dương, đối tượng Nguyễn Khắc Ðoàn và Ðỗ Thị Thư, cùng sinh năm 1998, đã rủ nhau đi mua CMND của người khác đem về dùng máy sấy, khò nóng để dán ảnh mình vào làm giả thông tin, rồi đi đăng ký mua hàng trả góp. Với thủ đoạn như vậy, Ðoàn và Thư chiếm đoạt hàng chục triệu đồng của các bị hại.

Trước những diễn biến phức tạp của việc mua bán giấy tờ tùy thân, đặc biệt là CMND, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã có chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ hoạt động này. Mới đây, Công an quận Ðống Ða, địa bàn có nhiều cơ sở kinh doanh cầm đồ hoạt động, đã quán triệt tinh thần đến các đơn vị đặc biệt chú ý, kiểm soát các cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, không để xảy ra tình trạng mua bán giấy tờ tùy thân.

Ðại úy Nguyễn Hữu Khánh, Phó Trưởng Công an phường Thịnh Quang (Ðống Ða) cho biết, trên địa bàn hiện có 15 cửa hàng hoạt động dịch vụ cầm đồ. Công an phường đã thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, tuyên truyền tới các chủ cửa hiệu về việc bảo đảm an ninh trật tự, ký cam kết về việc không thực hiện hành vi mua bán giấy tờ tùy thân. Ðặc biệt, khi có đối tượng đến hỏi mua giấy tờ tùy thân cần báo ngay cho cơ quan Công an để có biện pháp xử lý kịp thời.

Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần quản lý chặt chẽ giấy tờ tùy thân của mình, không nên đem đi cầm cố hoặc vứt bỏ, vì đây là những giấy tờ quan trọng để thực hiện nhiều thủ tục hành chính, cũng như các giao dịch. Nhiều đối tượng xấu có thể lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý giấy tờ tùy thân của người dân để thực hiện hành vi phạm tội, gây ảnh hưởng xấu tới trật tự, trị an xã hội./.

Theo Nhandan.com.vn