24/01/2025 lúc 08:38 (GMT+7)
Breaking News

Cầu Bạch Đằng: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh, Hải Phòng và duyên hải Bắc Bộ

VNHN - Bắc qua sông Bạch Đằng, cây cầu mang tên Bạch Đằng khi hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) - Hà Nội từ 180km xuống còn 130km; từ Hạ Long đi Hải Phòng xuống còn 25km thay vì 75km như hiện tại, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

VNHN - Bắc qua sông Bạch Đằng, cây cầu mang tên Bạch Đằng khi hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) - Hà Nội từ 180km xuống còn 130km; từ Hạ Long đi Hải Phòng xuống còn 25km thay vì 75km như hiện tại, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

 

Phối cảnh cầu Bạch Đằng bắc qua sông Bạch Đằng nối Quảng Ninh với Hải Phòng

Dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 7277.567 tỷ đồng, trong đó 6789.468 tỷ đồng là vốn Công ty Cổ phần  BOT cầu Bạch Đằng gồm liên doanh 8 nhà đầu tư: Liên doanh nhà đầu tư Phúc Lộc - Cái Mép - Cường Thịnh Thi - CIENCO1 - Trung Nam Group - Công Thành - Phương Thành - Tập đoàn SE Nhật Bản. Số kinh phí còn lại là từ ngân sách nhà nước. Cầu có tổng chiều dài 5,4km (tổng chiều dài toàn cầu tính đến hai đuôi mố là 3,054km), rộng 25m, được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h; cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, có thể chịu được động đất cấp VIII. Cầu có 3 trụ tháp (Cao độ trụ tháp giữa T29: +97,5m, cao độ đỉnh trụ tháp hai bên T28, T30:+94,993m) với 4 nhịp cầu dây văng, 2 nhịp chính dài 240m, 2 nhịp hai bên dài 110m) và 64 nhịp cầu dẫn. Đường dẫn hai bên cầu dài 2,357km, quy mô đường cao tốc, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100Km/h theo tiêu chuẩn Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu thiết kế TCVN 5729-2012; Tổng bề rộng đường 25,5m; Diện tích sử dụng đất khoảng 51,8ha. Điểm đầu cầu kết nối với đường nối thành phố Hạ Long và điểm cuối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tại khu công nghiệp Đình Vũ. 

Dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng trọng điểm Bắc Bộ ( Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh )

Được khởi công từ tháng 01/2015, đến nay (tháng 10/2017) - Theo báo cáo của Đơn vị chịu trách nhiệm thi công: “Sau 2 năm triển khai thi công, hiện dự án thực hiện đạt hơn 80% giá trị sản lượng so với kế hoạch đề ra. Trong quá trình thi công, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng đã yêu cầu nhà thầu lập và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng cao cho từng gói thầu, tuân thủ theo quy định được Hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá cao. Công tác quản lý vật liệu được kiểm soát chặt chẽ, toàn bộ các vật liệu vào công trường đều được kiểm tra thí nghiệm trước khi đưa vào thi công. Với chất lượng thi công yêu cầu kỹ thuật cao nên công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn được đặt lên hàng đầu. Công ty thường xuyên chỉ đạo TVGS, các Nhà thầu thực hiện và kiểm soát chặt chẽ từng khâu thiết kế, triển khai thi công và kiểm tra chất lượng sau khi hoàn thành.  Cùng với đó, công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong những năm qua và đang thực hiện tốt. Công ty đã ban hành quy định xử phạt an toàn vệ sinh lao động dự án cầu Bạch Đằng kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ mất an toàn hạn chế tối thiểu các rủi ro trên công trường. Từ khi dự án được triển khai đến nay không xảy ra sự cố mất an toàn lao động, không có tai nạn lao động”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát dự án BOT cầu Bạch Đằng ( 25/8/2017 )

Dự án xây dựng cầu Bạch Đằng được xem là công trình giao thông cấp đặc biệt, có yêu cầu kỹ thuật cao, trong khi điều kiện triển khai thi công gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của điều kiện địa hình, địa chất trên địa bàn thuộc phạm vi dự án. Tuy nhiên, với quyết tâm và nỗ lực của các Nhà đầu tư, Lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên Công ty, các đơn vị Tư vấn và Nhà thầu thi công, đặc biệt cùng với sự ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi của các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính quyền địa phương, Công ty BOT cầu Bạch Đằng đã từng bước tháo gỡ và vượt qua những khó khăn trên.

Dự  án Cầu Bạch Đằng là một trong hai dự án thành phần của tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, có ý nghĩa quan trọng với cả khu vực. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), tăng sức hấp dẫn đầu tư cho Quảng Ninh. Việc xây dựng cầu giúp hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ và có ý nghĩa quan trọng đối với hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng nói riêng và cả vùng kinh tế Bắc Bộ nói chung trong kết nối, phát triển kinh tế - xã hội./.