08/11/2024 lúc 23:07 (GMT+7)
Breaking News

Cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo thiếu 1 triệu m3 đất đắp, nguy cơ chậm tiến độ

Từ 10/12/2022, do giấy phép khai thác các mỏ đất phục vụ cao tốc Bắc – Nam đoạn Phan Thiết – Vĩnh Hảo đã hết hiệu lực. Vì thế, dự án này đang thiếu khoảng 1 triệu m3 đất đắp, nếu không được Chính phủ cấp phép kịp thời, dự án có nguy cơ tiếp tục “vỡ” tiến độ.
Các mỏ đất hết hạn khai thác nên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang thiếu khoảng 1 triệu m3, nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ

 

Thi công cầm chừng chờ… vật liệu

Trong bối cảnh cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo đang thi công 3 ca, 4 kíp để kịp về đích vào 30/4/2023, đây là thời điểm đường găng dự án, nhưng rất quan ngại khi dự án trọng điểm này lại đang thiếu vật liệu xây dựng nên không thể tăng tốc. Nhà thầu đã tập trung đủ máy móc, nhân lực nhưng lại chỉ hoạt động cầm chừng để… chờ vật liệu.

Kiến nghị về vấn đề này với Chính phủ, Bộ Tài nguyên môi trường, UBND tỉnh Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho hay: Trước đó, để phục vụ thi công cao tốc, Bình Thuận đã cấp 06 Giấy phép khai thác khoáng sản cho các Nhà thầu thi công, trữ lượng 2,27 triệu m3 . Thời hạn khai thác đến ngày 10/12/2022 để cung cấp vật liệu san lấp cho các gói thầu thuộc Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020).

“Đến ngày 30/11/2022, các Nhà thầu đã khai thác để thi công tuyến chính là 1,24 triệu m3 . Cần thiết khai thác để tiếp tục san lấp các hạng mục đắp nền đường gom, cầu vượt ngang. Tuy nhiên, do các giấy phép đã hết hạn nên việc khai thác đang bị tạm dừng. Hiện dự án đang thiếu khoảng 1 triệu m3 đất đắp”, ông Huy nói.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng cho biết: Chúng tôi đã có văn bản gửi Chính phủ xem xét đồng ý cho tỉnh Bình Thuận giải quyết hồ sơ gia hạn 6 giấy phép khai thác mỏ đất đắp cấp cho các gói thầu thuộc Dự án cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo, thời gian gia hạn đến ngày 30/4/2023. Trình tự thủ tục giải quyết hồ sơ gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định tại Nghị định số 158/2016/ NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

Dù tập trung đủ máy móc, nhân lực nhưng do thiếu vật liệu xây dựng nên các hoạt động thi công rất cầm chừng

 

Trao đổi với Việt Nam Hội nhập, ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban quản lý Dự án 7, Bộ GTVT cho biết: Do tình hình khan hiếm đất đắp, việc thi công một số hạng mục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đường gom cho cao tốc, phần đường chính, Ban QLDA đang chỉ đạo nhà thầu phấn đấu về đích kịp thời điểm 30/4/2023.

Để dự án về đích kịp tiến độ, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận kiến nghị xem xét cho phép gia hạn 6 giấy phép khai thác khoáng sản mỏ đất đang khai thác để cung cấp vật liệu cho Dự án, đáp ứng tiến độ hoàn thành vào ngày 30/4/2023. Đồng thời, kiến nghị cho phép nhà thầu vừa thực hiện khai thác, vừa thực hiện thủ tục gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản.

Mắc kẹt vì thủ tục

Liên quan đến đề xuất của Bộ GTVT và UBND tỉnh Bình Định, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Quý Kiên cho biết: Hiện các Nhà thầu có nộp hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, tại thời điểm nộp hồ sơ không đủ điều kiện về thời gian theo quy định (Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực ít hơn 45 ngày).

Mặt khác, do thủ tục gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản được quy định tại Điều 60 Luật Khoáng sản, điều kiện gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản được quy 2 định tại Điều 39 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 39 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP có quy định: Đã nộp đủ hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ khi Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực ít nhất là 45 ngày. Việc cấp, gia hạn giấy phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản.

Vì thế, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng: “Các nội dung kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận nêu trên thuộc thẩm quyền của Chính phủ”.

Dự án cần sớm sự tháo gỡ từ Chính phủ do Bộ TN&MT không đủ thẩm quyền đồng ý cấp phép khai thác mỏ

 

Cho đến thời điểm này, nút thắt về thủ tục cấp phép các mỏ đất đắp đang là vấn đề mấu chốt quyết định tiến độ dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết. Lo lắng trước tiến độ dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy tiếp tục có văn bản số 1570 /BGTVT-CQLXD ngày 20/2/2023 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm tháo gỡ các vướng mắc trong việc gia hạn thời gian khai thác mỏ đất đắp cấp cho các gói thầu thuộc Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào phiên họp Chính phủ thường kỳ vào tháng 2/2023. Hy vọng, điểm nghẽn vật liệu sớm được tháo gỡ để dự án về đích đúng tiến độ.

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km đi qua tỉnh Bình Thuận với 4 gói thầu, tổng mức đầu tư: 10.853,9 tỉ đồng.

Điểm đầu tại km134 thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, điểm cuối là km235 qua xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam và trùng với điểm đầu đoạn Phan Thiết – Dầu Giây.

Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết được thiết kế đầu tư giai đoạn 1 gồm có 4 làn xe, chiều rộng mặt đường 17 m, tốc độ tối đa 80 km/h. Dự án có 31 cầu trên tuyến chính; 20 cầu vượt trực thông, một cầu trên tuyến kết nối đường cao tốc với QL1 và 5 cầu vượt nút giao liên thông.

Dự án khởi công ngày 30/9/2020, kế hoạch hoàn thành 30/12/2022 và sau đó được gia hạn đến ngày 30/4/2023.

Đinh Tịnh - Thanh Bút