VNHN - Thời gian gần đây, lợi dụng quyền tố cáo đã được luật định, một số người cố tình vu khống, tố cáo làm hại người khác. Mặc dù, không có chứng cứ chứng minh cho nội dung tố cáo, nhưng họ vẫn vô tư xuyên tạc, vu khống, nói xấu cán bộ, công chức, các cơ quan, đơn vị và cả chính quyền địa phương.
Nhưng những hành vi tố cáo sai sự thật lại không được xử lý, hoặc xử lý chưa đủ sức răn đe. Đây, cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đơn thư tố cáo sai sự thật, tố cáo vượt cấp ngày càng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp hơn.
1. Tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật thừa nhận: Tố cáo của công dân được Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo quy định: “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật tố cáo quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”. Đồng thời Khoản 3 Điều 30 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Nghiêm cấm việc… lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”; Luật Tố cáo 2011 nghiêm cấm hành vi “Cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo”. Bộ luật Hình sự năm 1999 (Điều 122) quy định: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
2. Nguyên nhân làm cho đơn thư tố cáo sai sự thật ngày càng gia tăng: Các cơ quan có thẩm quyền giải quyết xử lý nội dung tố cáo của công dân thường không chú trọng đến việc xử lý người tố cáo có hành vi tố cáo sai sự thật. Thông thường, kết luận những nội dung tố cáo sai sự thật đều quy cho là thiếu căn cứ giải quyết; còn đối với hành vi tố cáo sai sự thật thì lại bỏ qua trách nhiệm pháp lý cho người tố cáo. Do vậy, vô hình chung không có sức răn đe đối với người tố cáo sai sự thật. Một nguyên nhân nữa là người tố cáo sai sự thật rất ít bị xử lý, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo ngại xử lý, sợ va chạm, liên lụy, né tránh… Đồng thời, cũng chưa có quy định trong việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Chính vì vậy, hầu như rất ít khi xử lý người khiếu nại, tố cáo sai sự thật. Do đó, người khiếu nại, tố cáo chưa nhận thức được đầy đủ hành vi vi phạm của mình. Đây là những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua cần phải được bổ sung hoàn thiện.
3. Một số biện pháp xử nghiêm những hành vi tố cáo sai sự thật: Để hạn chế hành vi tố cáo sai sự thật trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số vấn biện pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Luật khiếu nại, Luật tố cáo đến cá nhân, tổ chức và toàn thể nhân dân, đặc biệt là các hành vi nghiêm cấm và quy định xử lý các hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật. Khẩn trương ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tố cáo sai sự thật và triển khai thực hiện nghiêm túc. Khi thụ lý đơn thư tố cáo cần phải phân loại cụ thể nội dung nào đúng sự thật thì phải nghiêm túc giải quyết một cách kịp thời. Đối với trường hợp cố ý tố cáo sai sự thật có dấu hiệu tội phạm thì đề nghị chuyển cơ quan chức năng để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với công chức, viên chức có hành vi tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý về tổ chức cán bộ theo phân cấp tiến hành xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 48 Luật Tố cáo. Đối với công dân có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật thì yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo các địa phương thuộc quyền quản lý tổ kiểm điểm trước nhân dân nơi cư trú để chấn chỉnh, răn đe. Có như vậy, sẽ hạn chế được các đơn thư khiếu nại, tố cáo sai sự thật, cũng như tình trạng các đơn thư kéo dài, vượt cấp, phức tạp như thực tiễn thi hành pháp luật khiếu nại, tố cáo thời gian qua.