27/04/2024 lúc 14:17 (GMT+7)
Breaking News

Cần xem lại tính pháp lý trong hoạt động của taxi Grab

VNHN - Tại buổi tọa đàm kinh tế chia sẻ mô hình gọi xe công nghệ và những vướng mắc cần tháo gỡ vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia pháp lý kinh tế và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đưa ra quan điểm thẳng thắn và khách quan xoay quanh các vấn đề pháp lý của phiên tòa Vinasun kiện Grab, bản chất của dịch vụ Grab là gì, những vướng mắc cần tháo gỡ cho loại hình xe công nghệ. 

VNHN - Tại buổi tọa đàm kinh tế chia sẻ mô hình gọi xe công nghệ và những vướng mắc cần tháo gỡ vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia pháp lý kinh tế và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đưa ra quan điểm thẳng thắn và khách quan xoay quanh các vấn đề pháp lý của phiên tòa Vinasun kiện Grab, bản chất của dịch vụ Grab là gì, những vướng mắc cần tháo gỡ cho loại hình xe công nghệ. 

Grab hoạt động vận tải

Tại buổi tọa đàm, ông Bùi Thanh Tùng - Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng khẳng định: "Thực tế, chúng tôi thấy rằng Grab không chỉ kết nối, không chỉ dùng công nghệ để kết nối các nhà cung cấp dịch vụ mà còn làm rất nhiều việc khác mà về mặt phạm vi cũng là công việc của các nhà kinh doanh vận tải. Ví dụ như việc Grab lưu trữ, quản lý thông tin của lái xe, tiếp nhận nhu cầu của khách, tiếp nhận cung cấp thông tin hai chiều giữa lái xe và khách hàng, điều động xe, quyết định hành trình của xe, quyết định giá cước…”. 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế cho rằng: Bản thân Grab không có xe, không có người lao động, tất cả những người chạy xe Grab không phải là nhân viên của Grab. Thực tế, Uber trước đây và Grab hiện nay mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, mở điện thoại ra là có lịch trình họ đến, giá cả rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ nghĩ đến việc có lợi cho người tiêu dùng mà còn cần phải nghĩ đến người lao động là anh em lái xe. 

"Ở Mỹ, đến hiện tại có ít nhất 4 người lái xe taxi Uber, Grab đã tự sát vì họ không cạnh tranh nổi với giá của taxi truyền thống. Bởi vì giá của họ quá rẻ nên họ không cạnh tranh nổi và không thể nuôi sống gia đình. Từ việc giá rẻ đó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của những người lái xe, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Chúng ta bảo vệ người tiêu dùng nhưng cũng phải bảo vệ tất cả anh em lái xe, người lao động để đảm bảo công bằng cho tất cả các thành phần tham gia", Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu dẫn chứng từ thực tế. 

Ứng dụng gọi xe của Grab

Ông Thạch Phước Bình - ĐBQH tỉnh Trà Vinh dẫn chứng thêm, ở Liên minh Châu Âu, định danh loại hình Grab là dịch vụ vận tải, hay ở Newzealand cũng coi Grab là lĩnh vực vận tải. Ở Đông Nam Á thì có Indonesia, Malaysia, Philippin cũng công nhận là dịch vụ vận tải.

Ông Nguyễn Như Phát - nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật so sánh ví von: "Trước kia tôi đi Uber còn thích hơn Grab, bây giờ Grab kém hơn Uber nhiều. Uber ngày xưa văn minh hơn, còn bây giờ GrabBike nguy hiểm lắm, ra đường là phóng khủng khiếp".

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Trưởng phòng Luật kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết, gốc của quyền định đoạt của đương sự, nếu đương sự không kiện thì tòa không xử. Vậy tại sao lại đưa ra tòa? Tại sao Vinasun chỉ kiện Grab? Ở điểm này ông Bạch Dương khẳng định: "Vinasun có quyền kiện như vậy. Trong 10 ông gây thiệt hại cho tôi, tôi có quyền kiện 1 ông, 9 ông khác tha - đó là quyền tự định đoạt của tôi”.

Cần rút lại đề án 24 càng nhanh càng tốt

Theo GS.TS Từ Sĩ Sùa, vận tải hành khách bằng bất cứ loại hình nào thì tính mạng con người là trên hết, cho nên cần phải có điều kiện kinh doanh. Trong đó, phương tiện của anh phải có niên hạn sử dụng, phải có kiểm định chất lượng, phải có quy định tối thiểu để đảm bảo an toàn cho hành khách. Thứ hai, người lái phải có đủ điều kiện, còn Uber hay Grab có đảm bảo rằng anh lái xe này không nghiện hút hay không ? Còn nữa, lý lịch tư pháp thì anh có nhưng anh không kiểm tra sức khỏe thì làm sao biết được. 

Bên cạnh đó, vấn đề nhận diện thương hiệu vô cùng quan trọng. Bất kỳ thương hiệu nào cung cấp dịch vụ cho thị trường đều phải có nguồn gốc xuất xứ mới kiểm soát được. Ví dụ: Đường này cấm taxi thì phải có mào taxi mới biết được, còn không gắn mào thì sao quản lý. Mặt khác, có thể gắn logo để người ta có thể nhận diện được. Thứ hai, cần phải kiểm soát người lái. Hiện taxi truyền thống đang bị quản lý quá chặt chẽ, quá khắt khe. "Tôi cho rằng phải xem lại để cởi trói cho taxi truyền thống. Thứ ba là vấn đề đồng hồ, không nên khắt khe với taxi truyền thống. Theo tôi thì taxi truyền thống nếu được định giá như taxi công nghệ thì sẽ quá tuyệt vời", GS.TS Từ Sĩ Sùa thẳng thắn chia sẻ.

Ông Dương Minh Tuấn - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay: Còn nhớ năm 2015, Grab mới xin Bộ Giao thông - Vận tải chạy taxi công nghệ thì Bộ này không cho do thẩm định không đủ điều kiện. Tiếp đó, Nhà nước lại cho Grab chạy xe hợp đồng điện tử thí điểm 2 năm. Khi đó lại không khống chế bao nhiêu loại xe, mà cho ra rất nhiều, đến bây giờ Grab đã có số lượng hơn taxi truyền thống, đó là điểm mà Bộ Giao thông - Vận tải cần phải nhìn lại. Thứ hai, tại sao lúc đó, không cho Grab hoạt động giống như taxi truyền thống mà lại chạy xe hợp đồng điện tử, đơn giản vì xe hợp đồng không có quy hoạch số lượng đầu xe. Hệ quả là đầu xe chạy công nghệ ra ồ ạt tại 5 tỉnh, thành cho thí điểm. Điểm này Bộ Giao thông - Vận tải cũng cần xem lại. 

"Theo đề án 24, thì 6 tháng 1 lần phải có báo cáo, nhưng tôi không biết có báo cáo hay không. Tôi cho rằng đề 24 này phải rút sớm và nhanh nhất, còn xe muốn chạy hợp đồng thì cứ đăng ký hợp đồng. Mà hợp đồng làm sao chạy được, không có tờ giấy trên tay thì cơ quan nào cho chạy, còn muốn chạy taxi thì phải theo quy hoạch”, ông Dương Minh Tuấn đề nghị./.