23/11/2024 lúc 06:44 (GMT+7)
Breaking News

Cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế

VNHN - Chiều 22/10, Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.

VNHN - Chiều 22/10, Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật thỏa thuận quốc tế (TTQT), trong đó có 39 ý kiến phát biểu tại các Tổ và 10 ý kiến phát biểu tại Hội trường.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và và ý kiến tham gia của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ảnh: quochoi.vn

Dự án Luật hiện được xây dựng với bố cục gồm 7 chương với 52 điều, quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Luật này không điều chỉnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo pháp luật về quản lý nợ công; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài theo pháp luật về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo pháp luật dân sự; hợp đồng, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, các ý kiến ĐBQH đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật TTQT và thống nhất cho rằng việc ban hành Luật sẽ góp phần tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, bảo đảm thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng nhu cầu ký kết TTQT, góp phần giữ vững ổn định chính trị và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, nhất trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), một số ý kiến ĐBQH đề nghị xác định phạm vi điều chỉnh của Luật không bao gồm các TTQT về cho vay, viện trợ của Việt Nam ra nước ngoài, về việc viện trợ phi Chính phủ của nước ngoài, về vốn hỗ trợ chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; về hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng theo pháp luật dân sự .

UBTVQH đã tiếp thu ý kiến ĐBQH và chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng các nội dung trên sẽ được điều chỉnh theo pháp luật chuyên ngành.

Về nguyên tắc ký kết thỏa thuận quốc tế, các lĩnh vực không ký kết thỏa thuận quốc tế và các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 3), một số ý kiến cho rằng các hành vi bị nghiêm cấm đã được quy định tại nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị gộp nội dung không ký kết TTQT và các hành vi nghiêm cấm thành một điều để bảo đảm tính logic, chặt chẽ, tránh trùng lặp.

UBTVQH đã tiếp thu ý kiến ĐBQH, gộp nội dung về các lĩnh vực không ký kết TTQT và các hành vi bị nghiêm cấm và thể hiện tại Điều 3 về Nguyên tắc ký kết và thực hiện TTQT.

Về ký kết thỏa thuận quốc tế (Chương II), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho hay, một số ý kiến ĐBQH đề nghị rà soát quy định về trình tự, thủ tục ký kết TTQT tại dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định về việc quyết định ký kết TTQT nhân danh cơ quan, tổ chức để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với thẩm quyền của các chủ thể ký kết.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát, bảo đảm sự thống nhất về quy trình, thủ tục ký kết TTQT; rà soát quy định về thẩm quyền quyết định việc ký kết TTQT phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, các luật có liên quan khác và đã chỉnh lý Chương II dự thảo Luật.

Về chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế (Điều 34 dự thảo Luật), có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung các trường hợp chấm dứt hiệu lực và tạm đình chỉ thực hiện TTQT theo quy định tại TTQT hoặc trong quá trình thực hiện TTQT có sự vi phạm một trong các nguyên tắc quy định tại dự thảo Luật hoặc khi ký kết với nước ngoài vi phạm nghiêm trọng TTQT.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật bổ sung quy định TTQT có thể bị chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ theo quy định tại TTQT đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

Ngoài những nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý một số nội dung cụ thể và kỹ thuật lập pháp tại toàn bộ dự thảo Luật.