VNHN -Thảo luận tại hội trường sáng nay, 19.11, nhiều ĐBQH nêu vấn đề, dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)quy định, Kiểm toán nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán đối với phần vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và phần vốn xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, tái định cư. Còn lại toàn bộ giá trị xây lắp và phương án tài chính, thu phí thì Kiểm toán nhà nước không được kiểm toán. Vậy cơ quan nào sẽ giúp Quốc hội (QH )kiểm soát vấn đề này? Trả lời câu hỏi này,Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Kiểm toán Nhà nước phải được kiểm toán đối với toàn bộ các dự án PPP, có như vậy mới bảo đảm tính hiệu quả, công khai và minh bạch.
Bảo đảm quyền khởi kiện của người dân
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhiều đại biểu khẳng định dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, song cũng đề nghị một số nội dung cần được xem xét kỹ hơn.
ĐBQH Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng, cần xem xét lại cách tiến cận về hợp đồng PPP. Theo thông lệ quốc tế, hợp đồng PPP là hợp đồng hành chính, trong đó, Nhà nước là một bên dùng quyền lực công, tài sản công hợp tác với các đối tác tư nhân để cung cấp dịch vụ công, do đó cần có sự giám sát của nhân dân về nội dung của hợp đồng sau khi chính thức có hiệu lực, chứ không chỉ giám sát chung chung theo Điều 84 và 85 của dự thảo Luật. “Chúng ta cần bảo đảm quyền khởi kiện của người dân với tư cách là người sử dụng dịch vụ công khi dịch vụ công đó được cung cấp không đúng với nội dung hợp đồng PPP đã được ký kết”, ĐB Lê Anh Tuấn nói.
Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) phát biểu tại Hội trường
Theo ĐB Lê Anh Tuấn, hiện cách tiếp cận của dự thảo Luật về hợp đồng PPP chỉ thuần túy về thương mại, chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các bên trong hợp đồng PPP là Nhà nước và nhà đầu tư, chưa đề cập đến tranh chấp và giải quyết tranh chấp giữa người sử dụng dịch vụ công và bên cung cấp dịch vụ công theo PPP, đặc biệt là trách nhiệm công khai, minh bạch nội dung hợp đồng của nhà đầu tư trong giai đoạn thực hiện dự án.
Về mối quan hệ của dự án Luật với các luật chuyên ngành, ĐB Lê Anh Tuấn nêu rõ, do tính chất phức tạp và dài hạn của mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nên bên cạnh Luật PPP còn có nhiều luật khác cùng điều chỉnh như: dân sự, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, đấu thầu...Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc -quốc gia được đánh giá là thành công trong triển khai PPP, tại khoản 2 Điều 3, dự thảo Luật đã quy định về mối quan hệ giữa dự luật này với các luật khác và một số ưu tiên trong áp dụng. ĐB Lê Anh Tuấn đề nghị, vẫn cần cân nhắc lại một số khía cạnh của quy định này, vì về bản chất, hợp đồng PPP là hợp đồng giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Những quy định trực tiếp trong hợp đồng PPP sẽ ràng buộc trực tiếp nghĩa vụ của tất cả cơ quan nhà nước và nhà đầu tư. Bởi thế, trong điều khoản này của Luật chỉ nên quy định những vấn đề đặc thù của PPP được ưu tiên áp dụng như: trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP, cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP. Các vấn đề như luật áp dụng (đã được quy định tại Điều 50 dự thảo) và bảo đảm đầu tư cần phải tuân thủ chung theo Luật Đầu tư. Những biện pháp bảo đảm đầu tư cụ thể thì quy định trực tiếp trong hợp đồng PPP.
Chỉ thực hiện kiểm toán đối với phần vốn nhà nước hỗ trợ?
Về hoạt động Kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, Điều 80, dự thảo Luật quy định: “Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại Điều 65 và Điều 67 của Luật này”. ĐBQH Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) cho rằng, quy định như vậy, thì Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán đối với phần vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và phần vốn xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, tái định cư; còn lại toàn bộ giá trị xây lắp và phương án tài chính, thu phí thì Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán. Vậy cơ quan nào sẽ giúp QH kiểm soát vấn đề này?
Phân tích thêm, ĐB Hoàng Quốc Thưởng cho biết, Nhà nước thực hiện đầu tư thông qua hoạt động PPP với nhà đầu tư, và Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư thay vào đó cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp, dự án được thu phí từ cá nhân, tổ chức sử dụng kết cấu hạ tầng với mức thu và thời hạn thu do nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất. Chi phí đầu tư là cơ sở xác định thời gian, mức thu phí đối với dự án, vì vậy nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì làm sao xác định được thời gian thu phí, mức thu phí đối với công trình là phù hợp?
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) phát biểu tại Hội trường
Thực tế thời gian vừa qua, thông qua hoạt động kiểm toán các dự án đầu từ theo hình thức BOT, BT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí đối với nhiều dự án giao thông đối với nhiều dự án BOT, giảm thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng trong các dự án BT. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được dư luận rất đồng tình, ủng hộ. ĐB Hoàng Quốc Thưởng đề nghị ban soạn thảo giải thích rõ và lý giải cụ thể trong báo cáo đánh giá tác động nếu quy định cho Kiểm toán Nhà nước kiểm toán cả phần vốn không phải do ngân sách nhà nước hỗ trợ như hiện nay thì sao? Đã có trường hợp nào dự án PPP không thu hút được nhà đầu tư mà nguyên nhân là do sợ bị kiểm toán hay không, hay vì lý do Kiểm toán Nhà nước quá tải, không đủ nguồn lực để thực hiện?Cho rằng Kiểm toán nhà Nước phải kiểm toán đối với toàn bộ dự án PPP và công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước hiện hành.
ĐBQH Hà Thị Lan (Bắc Giang) thẳng thắn, kiểm toán chỉ giúp hiệu quả đầu tư cao hơn, không làm ảnh hưởng đến sự thu hút đầu tư tư nhân. Và công tác quản lý đầu tư cũng được thực hiện minh bạch, đúng pháp luật hơn.