VNHN- Đó là ý kiến chung của các chuyên gia và nhiều bạn đọc khi được hỏi về gia tăng những vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến tình trạng người điều khiển xe ô tô gây tai nạn sau khi sử dụng rượu, bia.
Những vụ việc đau lòng…
Liên tiếp trong thời gian gần đây, dư luận xã hội bức xúc trước hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến lái xe ô tô uống rượu bia. Những vụ tai nạn này đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây ra bi kịch cho nhiều gia đình…
Mới đây nhất là vụ tai nạn giao thông vào khoảng 0 giờ 15 phút ngày 1/5 vừa qua tại khu vực hầm chui Kim Liên (Hà Nội). Cụ thể, lái xe Lê Trung Hiếu điều khiển xe ô tô Mercedes màu trắng BKS 30F-154.78, khi lưu thông đến hầm Kim Liên thì đâm vào chiếc xe Honda Vision đi cùng chiều phía trước. Vụ tai nạn đã khiến chị Đinh Thị Hải Y (ở Bạch Mai, Hà Nội) và chị Trần Thị Q (ở Láng Thượng, Hà Nội) tử vong tại chỗ. Chị Đinh Hải Y là nhân viên phục trang của Nhà hát Kịch, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chồng ốm yếu, con bị tự kỷ… Chị là trụ cột của cả gia đình. Còn chị Trần Thị Q là giáo viên Trường Tiểu học Thái Thịnh; một giáo viên dạy giỏi, yêu nghề, thương học sinh. Theo kết quả điều tra bước đầu, lái xe Lê Trung Hiếu khai nhận tối 30/4, anh ta đi dự họp lớp ở một quán bia trên phố Thợ Nhuộm và có uống bia rượu. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy, Lê Trung Hiếu vi phạm 0,751 mg/lít khí thở. Đây là mức vi phạm rất nặng, bởi chỉ cần vi phạm 0,4 miligam/lít khí thở, tài xế đã bị xử phạt ở mức cao nhất là 17 triệu đồng, tước bằng lái 5 tháng. Hiện lái xe gây tai nạn đã bị tạm giữ hình sự.
Trước đó, cũng tại Hà Nội, vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đường Láng vào ngày 22/4 cũng có nguyên nhân bắt nguồn từ việc lái xe uống rượu bia. Anh Đỗ Xuân Tuyên (SN 1970, trú tại 93A - Ngõ 409 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình, TP. Hà Nội) điều khiển ô tô 29A-784.09 lưu thông trên đường Vĩnh Hồ đã va quệt nhẹ với 5 xe máy. Sau đó, tài xế này tiếp tục điều khiển ô tô bỏ chạy ra đường Tây Sơn, rẽ vào đường Láng đến trước cửa số nhà 220 đường Láng thì bất ngờ mất lái rồi đâm hàng loạt phương tiện, sau đó lao vào chị Lê Thị Thu H (42 tuổi), công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đang quét rác, khiến chị H tử vong tại chỗ. Chị H đang nuôi hai con, sống với mẹ già, gia cảnh hết sức neo đơn. Sự ra đi của chị khiến mẹ già, con nhỏ bơ vơ... Tại hiện trường, chiếc xe ô tô sau khi gây tai nạn biến dạng hoàn toàn, lốp vỡ, vành méo, túi khí ở vô lăng đã nổ bung.
Điều đáng nói cả hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nêu trên đều có chung nguyên nhân là người lái xe ô tô đã sử dụng bia rượu khi lái xe. Được biết, cơ quan công an đã khởi tố vụ án với cả 2 vụ việc trên. Trao đổi về vấn đề này, bạn đọc Trần Thanh Minh ở Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết: “Nếu người lái xe không sử dụng rượu bia thì họ sẽ tỉnh táo hơn khi xử lý tình huống và sẽ không xảy ra những vụ tại nạn nghiêm trọng. Ai cũng có gia đình, người thân… Mỗi vụ tai nạn đều ảnh hưởng đến rất nhiều con người. Do vậy cần lên án mạnh mẽ những người vì ham vui, ham bia rượu mà gây tai họa cho những người vô tội”.
Cần những chế tài đủ mạnh và nghiêm khắc
Theo Trung tá Đinh Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Hòa Bình, việc CSGT xử phạt các trường hợp vi phạm nồng độ cồn xét cho cùng chỉ là phần ngọn. Vấn đề quan trọng nhất là cần một môi trường pháp lý chặt chẽ để ngăn chặn người sử dụng rượu bia tham gia giao thông; đi liền với đó là những chế tài xử lý mạnh hơn và có tính cưỡng chế. Đồng thời, phải ràng buộc và ngăn chặn khả năng tiếp cận rượu bia một cách dễ dãi như hiện nay. Cần nhìn nhận một người đã uống rượu bia, sử dụng chất kích thích tham gia giao thông là vô cùng nguy hiểm; do vậy nên nghiên cứu đưa vào Luật Hình sự để có thể ngăn chặn hiệu quả.
Ở góc nhìn khác, nhiều ý kiến cho rằng chế tài xử lý đối với lái xe ô tô sử dụng rượu bia hiện nay còn chưa đủ mạnh, thiếu tính răn đe, phòng ngừa. Anh Nguyễn Mạnh Cường ở Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: Tại nhiều nước, lái xe tuân thủ nghiêm việc đã uống rượu, bia không lái xe do họ xử lý rất nặng hành vi vi phạm quy định này; có nước nếu vi phạm nồng độ cồn thì lái xe có thể bị xử phạt 20 năm tù. Hay như ở Nhật Bản, pháp luật quy định rõ việc xử lý hình sự người uống rượu bia tham gia giao thông, ngay cả khi chưa gây hậu quả. Những người liên đới cũng phải xử lý trách nhiệm hình sự như người ngồi trên xe biết tài xế uống rượu bia điều khiển xe nhưng không ngăn chặn; người bán rượu, người cho tài xế này uống rượu cũng bị liên đới trách nhiệm hình sự… Vì vậy, theo tôi chúng ta cần điều chỉnh một số quy định pháp luật hiện hành để mọi người chấp hành tốt hơn việc không uống rượu bia khi lái xe.
Đồng tình với quan điểm nói trên, Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện nay hành vi sử dụng rượu bia rồi lái xe gây tai nạn được quy định trong nhóm tội về giao thông, là lỗi vô ý nên khung hình phạt còn nhẹ. Cụ thể, căn cứ vào Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, người gây tai nạn chết người có phạm tội thuộc khoản 1, mức phạt tù từ 1 đến 5 năm, người gây tai nạn mà có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá mức quy định cho phép thì sẽ phạm tội thuộc
khoản 2 Điều 260 BLHS với mức phạt tù được áp dụng là từ 3 - 10 năm tù. “Như vậy, mức phạt cao nhất đối với tài xế say rượu lái xe làm chết người cũng chỉ có 15 năm tù trong khi việc sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông là biểu hiện của sự coi thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng người khác. Để tăng tính răn đe, nên chăng cần nghiên cứu đưa tội danh này vào tội "Cố ý giết người" và tăng khung hình phạt đối với người vi phạm”, Luật sư Bình nhấn mạnh.
Được biết, ngày 2/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Nguyễn Văn Thể đã ra chỉ thị yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với Vụ An toàn giao thông nghiên cứu sửa đổi nghị định 46/2016 theo hướng tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi uống rượu bia khi lái xe. Trước đó, thông tin từ Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết đơn vị này sẽ xin ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 6 về Nghị định sửa đổi Nghị định 46. Theo đó, sẽ tăng mức xử phạt lên 20 - 30 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng với nhóm hành vi liên quan đến nồng độ cồn.
Có thể thấy, quan điểm chung của dư luận hiện nay là đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp xử lý mạnh tay để răn đe, không chỉ sau khi vụ việc diễn ra mà còn phải mang tính dự phòng, ngăn chặn hành vi uống rượu bia khi lái xe; đồng thời cần tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật của người tham gia giao thông; cần có cuộc vận động toàn xã hội để đẩy lùi hành vi vi phạm này. Đặc biệt, mỗi người dân, mỗi lái xe hãy tự giác làm gương trong gia đình, cơ quan, khu phố với phương châm “Đã uống rượu bia là không lái xe”. Đó là cách để chúng ta hạn chế những vụ tai nạn nghiêm trọng, những bi kịch gia đình liên quan đến việc sử dụng rượu bia khi lái xe./.