VNHN - Con đường đi tại vòng đấu bảng môn bóng đá nam SEA Games 30 của đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam không hẳn bằng phẳng. Song, chúng ta có cơ sở để đặt niềm tin vào đội bóng đang được huấn luyện viên Park Hang-seo dẫn dắt trong hành trình thực hiện mục tiêu giành Huy chương vàng tại SEA Games 30-2019 này.
Chuẩn bị tốt để đạt kết quả cao
Khi lịch thi đấu vòng bảng SEA Games 30-2019 được công bố, nhiều ý kiến cho rằng lịch thi đấu ủng hộ U22 Việt Nam. Theo đó, đội gặp các đối thủ yếu là U22 Brunei, U22 Lào trong hai lượt đấu đầu tiên, trước khi lần lượt gặp các đối thủ có trình độ cao hơn ở các lượt đấu tiếp theo, trong đó có trận gặp U22 Thái Lan ở lượt cuối.
Nhưng cuối cùng, những người dõi theo bước chân của các cầu thủ đội tuyển Việt Nam vẫn phải nín thở cho đến những phút cuối của trận U22 Việt Nam gặp U22 Thái Lan. Chỉ đến khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, U22 Việt Nam mới chắc suất vào bán kết, dù trước trận này đã toàn thắng cả 4 trận. Trước đó là không ít giây phút giật mình, lo lắng chỉ đến khi có 2 bàn thắng của Nguyễn Tiến Linh.
Cảm giác lo lắng ấy đã đến cả khi U22 Việt Nam gặp U22 Singapore và U22 Indonesia. Điều đó cho thấy lịch thi đấu cũng không ưu ái cho U22 Việt Nam, quan trọng là ông Park Hang-seo và các học trò phải tự quyết định đường đi nước bước của mình sao cho hiệu quả. Và đến hết vòng đấu bảng, thầy trò ông Park Hang-seo đã đưa ra câu trả lời đầy tích cực. Theo chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú, để có thể vượt qua vòng đấu bảng với 5 trận đấu, trong đó 3 lượt đấu cuối phải thi đấu với mật độ 2 ngày một trận, thì phải có quá trình chuẩn bị tốt, chu đáo về mọi mặt.
Loại U22 Thái Lan, đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam giành vé vào bán kết SEA Games 30.
Thực tế cho thấy U22 Việt Nam đã được chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng từ nhân sự đến khâu tập luyện, rèn lối chơi. Đội bóng của chúng ta được dẫn dắt bởi các nòng cốt của đội tuyển quốc gia, nên lối chơi thể hiện triết lý rõ ràng và được thực hiện nhuần nhuyễn dựa trên nền tảng là khả năng luân chuyển bóng tốt và hàng phòng ngự chắc chắn. Ngoài ra, đội bóng của chúng ta còn có nhiều nhân tố sắc sảo, có thể tạo nên bàn thắng. Thế nên trong mọi trận đấu, U22 Việt Nam kiên trì vận hành nhuần nhuyễn lối chơi và thành công đã đến.
Như ông Phan Anh Tú lý giải, thì ngay cả việc Nguyễn Quang Hải bị chấn thương, không thể thi đấu cũng không ảnh hưởng đến sự vận hành lối chơi của đội tuyển. Điều đó cho thấy U22 Việt Nam đã được chuẩn bị đầy đủ về chiến thuật. Không kể, ông Park Hang-seo cũng có sự chuẩn bị kỹ về lối chơi với nhiều giải pháp, tại nhiều thời điểm của trận đấu. Trong đó, có nhiều thời điểm ông sử dụng cả hai tiền đạo trên sân và đều mang lại kết quả tốt. Chân luôn chạm đất Tất nhiên, cũng có những vấn đề trong cách chơi bóng của U22 Việt Nam.
Ở hai trong ba cuộc họp báo sau trận đấu, ông Park Hang-seo đều cho biết: “U22 Việt Nam đã có khởi đầu khó khăn, bắt nhịp chưa tốt. Đây là trận đấu khó khăn với đội bóng của chúng tôi”. Riêng trận đấu U22 Việt Nam chật vật hòa 2-2 trước U22 Thái Lan đã được chính ông Park Hang-seo thừa nhận, U22 Việt Nam có trận đấu khó khăn nhất từ đầu giải đấu. Còn nhiều chuyên gia bóng đá lại cho rằng, hiệp đấu khó khăn nhất với U22 Việt Nam tại vòng bảng SEA Games 30 lại đến từ trận đấu với U22 Singapore.
Đó là hiệp đấu mà U22 Việt Nam không kiểm soát được trận đấu trong suốt hiệp 1, tuyến tiền vệ lép vế trước đối thủ vì không có cầu thủ để điều tiết, trong khi tuyến trên không có người gây áp lực. Cũng theo chuyên gia bóng đá Phạm Như Thuần, sân cỏ nhân tạo đã khiến vận hành chiến thuật hoặc đơn giản là thực hiện các động tác kỹ thuật của U22 Việt Nam ở nhiều thời điểm không được như ý.
Ngoài ra, mật độ thi đấu quá dày, khiến cầu thủ không tránh khỏi chấn thương. U22 Việt Nam đã chuẩn bị khá kỹ, nhưng vẫn không thể tránh khỏi những vấn đề khi thi đấu trên sân cỏ nhân tạo. Đây sẽ là kỳ SEA Games đặc biệt, khi những ứng cử viên vô địch như U22 Thái Lan, U22 Malaysia đều bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Song, qua các trận đấu ở vòng bảng cho thấy, hai đội bóng này không có động cơ rõ ràng và lớn như U22 Việt Nam. Họ muốn rèn luyện lực lượng hiện tại theo một lối chơi nhất quán để phục vụ cho các giải đấu có cấp độ cao hơn.
Vì vậy, trong thế bị dồn vào chân tường, họ không vội lao lên để sớm giải quyết trận đấu và phá vỡ cách chơi bóng đã được dày công xây dựng. Đấy là cách tính đường dài, như cách mà ông Park Hang-seo dày công xây dựng cho các cấp đội tuyển quốc gia Việt Nam, để phục vụ cho các mục tiêu lớn hơn SEA Games. “Cho nên, chúng ta phải tỉnh táo ngay cả khi đã đạt những kết quả thuận lợi tại vòng đấu bảng và đối thủ tại bán kết vào ngày 7-12 là U22 Campuchia bị đánh giá thấp hơn.
Đúng là U22 Việt Nam đang sở hữu những cầu thủ cùng lối chơi đã được định hình, được mọi cầu thủ thấu hiểu. Nhưng rõ ràng, phải có những giải pháp tâm lý cũng như hồi phục để các cầu thủ có thể trạng tốt nhất” - chuyên gia Phạm Như Thuần chia sẻ. Câu chuyện của U22 Việt Nam chỉ là câu chuyện của một đội tuyển tại sân chơi thể thao Đông Nam Á nhưng phía sau đó lại là nhiều bài học không chỉ riêng cho thể thao. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, sự vững tin vào bản thân mới có thể mang đến thành quả, hứa hẹn những kết quả tích cực hơn.