22/01/2025 lúc 15:09 (GMT+7)
Breaking News

Bộ GTVT đề nghị cấp giấy phép bay cho hãng hàng không của ông Hạnh Nguyễn

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty Cổ phần IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, qua hơn 30 năm phát triển, thị trường vận tải hàng hoá Việt Nam đã có bước tăng trưởng nhảy vọt với sản lượng năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn và dự kiến đạt hơn 1,52 triệu tấn vào năm 2022, tăng gần 83 lần so với năm 1991 và 21,2% so với năm 2019; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trung bình cả thời kỳ 1991-2022 là 15,3%/năm.

Hiện có 5 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - bao gồm VASCO, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways và Vietravel Airlines) khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách và chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.

Trong khi đó, tại thời điểm hiện tại, thị trường hàng hoá quốc tế của hàng không Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.

Bộ GTVT đề nghị đồng ý cấp giấy phép bay cho hãng hàng không của ông Hạnh Nguyễn

Bên cạnh đó, thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hoá giảm mạnh, trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt từ 3-4 lần, thậm chí từng thời điểm, từng thị trường, giá cước tăng 5-6 lần so với trước dịch Covid-19.

Bộ GTVT đánh giá việc cấp phép thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo trong thời điểm hiện tại là phù hợp. Bởi 30 năm qua, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam mới tập trung vận chuyển hành khách mà bỏ ngỏ thị trường hàng hoá cho phía nước ngoài khai thác.

"Trong xu thế chung của thế giới là phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, việc phát triển hoạt động vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không tại thời điểm hiện tại là rất cần thiết. Đặc biệt, trong xu thế đón bắt cơ hội từ giai đoạn hậu Covid-19, việc xem xét đồng ý cấp giấy phép cho doanh nghiệp Việt Nam thành lập hãng hàng không mới chuyên chở hàng hoá tại thời điểm hiện tại (năm 2022) là phù hợp với định hướng chiến lược của Thủ tướng Chính phủ, cũng như thực tế thị trường hàng không Việt Nam", văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Bộ GTVT cho rằng việc bổ sung IPP Air Cargo sẽ tăng sức cạnh tranh, tăng thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế cho hãng hàng không Việt Nam tại thị trường hàng không Việt Nam nói riêng và thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế nói chung.

"Dự kiến sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo sẽ tăng dần trong các năm, với tỉ lệ tăng trưởng bình quân năm dự kiến là 18-20%", văn bản của Bộ GTVT nêu.

Công ty Cổ phần IPP Air Cargo có vốn tối thiểu 300 tỷ đồng, trong đó, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) góp 210 tỷ đồng (70%), còn Công ty TNHH Thương mại Duy Anh, bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu - vợ và con ông Johnathan Hạnh Nguyễn - mỗi bên góp 10%.

Hãng này muốn khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm đầu tiên, mỗi máy bay sẽ đỗ qua đêm tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ. Sau đó, hãng sẽ tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 5 với các loại máy bay B737, B777 hoặc tương đương.

Bộ GTVT đánh giá đội tàu bay chở hàng hóa 8 - 10 chiếc trên là phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên các cơ sở này, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét, cho phép Bộ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hoá cho IPP Air Cargo.

Theo quy trình, sau khi được Thủ tướng đồng ý về chủ trương, Bộ GTVT sẽ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng bằng hàng không cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể cất cánh, các hãng bay vẫn cần có thêm giấy chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC - Aircraft Operator Certificate) và một số thủ tục liên quan.

Nguyễn Lâm