Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%
Nhờ tiến độ tiêm chủng nhanh chóng, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và một số động lực chính như: Việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, do vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 4 tiếp tục được khởi sắc, cụ thể:
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 3 có sự tăng trưởng mạnh (IIP tháng 3 tăng 22,9% so với tháng 2 và tăng 8,5% so với cùng kỳ) nên trong tháng 4, chỉ số IIP mặc dù tiếp tục duy trì xu hướng tăng nhưng chỉ tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành chế biến, chế tạo giữ vai trò là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 8,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,1%; ngành khai khoáng tăng 2,6%.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Thép thanh, thép góc tăng 15,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 13,5%; quần áo mặc thường tăng 12,3%; ô tô tăng 12%; phân đạm ure tăng 11,1%; phân lân tăng 16,9%; quần áo mặc thường tăng 12,3%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 13,5%; alumin tăng 12,4%; than sạch tăng 9,3%.
Bộ Công Thương nhìn nhận, sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2022 được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt.
Tuy vậy, Bộ cũng cho biết, quá trình phục hồi sản xuất cũng gặp một số trở ngại do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao kìm hãm sự gia tăng sản lượng sản xuất. Cùng với đó, lao động ở một số ngành chưa hoàn toàn trở lại làm việc đã tác động đến khôi phục sản xuất, kinh doanh của một số ngành như phân DAP giảm 35,3%; quặng apatit giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước; tivi giảm 18,9%; điện thoại di động giảm 9,9%; xăng dầu các loại giảm 9,7%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc nhân tạo giảm 9,1%; sắt thép thô giảm 5,8%...
Thúc đẩy sản xuất ngành công nghiệp
Về triển vọng hoạt động sản xuất công nghiệp thời gian tới, Bộ Công Thương nhận định sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào một số yếu tố. Trước hết là sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản. B
Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp; lực đẩy từ gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ thuế, phí, giải ngân vốn đầu tư công.
Trước những triển vọng nêu trên, Bộ Công Thương chỉ rõ cần triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và có hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và kế hoạch phục hồi kinh tế, đẩy mạnh các dự án trọng điểm để đưa vào sản xuất càng sớm càng tốt, đạt tiến độ và tạo ra các giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; Theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các Hiệp hội, doanh nghiệp.
Rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.
Bảo Lan