10/01/2025 lúc 05:44 (GMT+7)
Breaking News

Giữ vững và phục hồi sản xuất công nghiệp

Bảy tháng đầu năm 2021, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, giá trị sản xuất công nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm công nghiệp tăng so cùng kỳ năm 2020.

Bảy tháng đầu năm 2021, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, giá trị sản xuất công nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm công nghiệp tăng so cùng kỳ năm 2020.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao bảo đảm thu nhập, việc làm cho người lao động, hoạt động chuỗi cung ứng hàng hóa và tốc độ tăng trưởng kinh tế các địa phương và của cả nước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp, cần được chính quyền và các ngành chức năng sớm tháo gỡ để tạo điều kiện phát triển kinh tế mạnh hơn trong những tháng cuối năm.

Ảnh minh họa

Duy trì sản xuất

Đến thời điểm này không có doanh nghiệp (DN) nào trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phải tạm dừng sản xuất do dịch Covid-19. Đồng chí Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện “mục tiêu kép” thì ưu tiên số 1 là chống dịch, và trong chống dịch thì ưu tiên số 1 là các khu công nghiệp (KCN) và DN với 250 nghìn lao động. Tất cả các DN phải thành lập Tổ giám sát phòng, chống dịch Covid-19.

Để bảo đảm nguồn lao động, duy trì sản xuất, tỉnh trưng dụng các khu ký túc xá làm chỗ ở miễn phí cho những công nhân ở lại, bố trí xe buýt đưa đón miễn phí từ nơi ở đến nơi làm việc; bố trí 12 khách sạn cao cấp cho chuyên gia ở lại với giá cao nhất là 500 nghìn đồng/người/ngày. Đối với những người buộc phải đi - về, tỉnh yêu cầu 3 ngày xét nghiệm một lần.

Ngoài ra, tỉnh thành lập các tổ y tế cơ động, tổ hỗ trợ online cho các DN để DN yên tâm tập trung cho sản xuất. Phương pháp chống dịch hiệu quả của Vĩnh Phúc đã tạo lòng tin cho DN, từ đó DN hợp tác chặt chẽ hơn với chính quyền. Trong tháng 7 và tháng 8/2021, rất nhiều hiệp hội DN và DN nước ngoài đã ủng hộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiều thiết bị, vật tư y tế, kinh phí chống dịch. Ông Han Jung Ho, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc khẳng định: Lãnh đạo, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã làm rất tốt trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, tạo ra vùng an toàn đối với các DN.

Với 13 KCN, khoảng 150 nghìn lao động, trong đó 30% người lao động là đến từ các địa phương khác, khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương, TP Hải Phòng yêu cầu các DN chủ động xây dựng kịch bản, các biện pháp phòng, chống dịch cụ thể, phù hợp với mức độ và tính chất phức tạp của dịch bệnh trong từng thời điểm.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp các cơ quan chức năng liên tục đi thị sát, kiểm tra trực tiếp việc thực hiện các biện pháp chống dịch, phương án đối phó với các tình huống có các ca F0 phát sinh tại các đơn vị, DN. Đến nay, hầu hết công nhân, lao động trong các KCN ở Hải Phòng đã cơ bản được xét nghiệm Covid-19 diện rộng. Nhờ đó, các DN hoạt động ổn định, đơn cử như Công ty CP DAP Vinachem Hải Phòng trong KCN Đình Vũ vẫn duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm lượng phân bón cung ứng và góp phần ổn định giá phân bón.

Đây cũng là một trong hai DN đã nỗ lực thoát khỏi danh sách 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công thương trước đây. Đến nay, DN đã hoàn trả xong nợ và bước đầu có lãi. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DAP Vinachem Hải Phòng Vũ Ngọc Sơn cho biết, bảy tháng đầu năm, sản lượng phân bón của đơn vị đạt hơn 163 nghìn tấn, tăng gấp hơn hai lần so cùng kỳ năm ngoái.

Tỉnh Hà Nam hiện có bảy KCN đã đi vào hoạt động, với gần 7.000 DN, hơn 150 nghìn lao động. Đến nay, đã có 60 DN kích hoạt “3 tại chỗ” với số lượng công nhân là 1.820 người, số DN còn lại vẫn cho công nhân đi - về trong ngày. Để giữ vững sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam cho biết: Tỉnh giao Ban Quản lý các KCN phối hợp lực lượng chức năng thực hiện xét nghiệm tầm soát khoảng 15% công nhân tại các nhà trọ, các công nhân trong DN tại KCN, hướng dẫn các DN thực hiện giãn cách sản xuất, giảm số lượng công nhân lao động tại các nhà máy; đề nghị các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo DN không đi về trong ngày mà ở lại tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn.

Tại Quảng Ninh, mặc dù nằm trong vùng tâm dịch Covid-19 vào thời điểm đầu năm 2021, nhưng hoạt động sản xuất nhiều cơ sở công nghiệp vẫn được duy trì. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm Đất Việt Nguyễn Quang Mâu chia sẻ, nắm bắt được thị trường nguồn cung cấp vật liệu xây dựng bị đứt gãy ở một số tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Công ty đã chủ động tăng cường xúc tiến thương mại, áp dụng các chính sách hỗ trợ bán hàng hấp dẫn, từ đó mở rộng được thị trường phân phối. Đến nay, sản phẩm của công ty đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước và xuất khẩu đi một số nước trên thế giới với những đơn hàng lớn, ổn định. Công ty vẫn duy trì được hiệu quả sản xuất, kinh doanh, với doanh thu sáu tháng đạt hơn 141 tỷ đồng.

Từ các quyết sách đúng đắn và các biện pháp phòng, chống dịch khắt khe đó, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Quảng Ninh trở thành “vùng xanh” an toàn đối với DN và thu hút được đầu tư do nhiều DN dịch chuyển từ các quốc gia có dịch bệnh nghiêm trọng đến vùng an toàn. Bảy tháng qua, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của Hải Phòng tăng 20,86% so cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,65%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của Vĩnh Phúc tăng 17,01% so cùng kỳ năm 2020, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 22 dự án FDI mới và 14 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 304 triệu USD, gấp 2,2 lần về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị sản xuất công nghiệp trong sáu tháng đầu năm của tỉnh Hà Nam ước đạt 68.332,5 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ năm 2020 và đạt 45,3% kế hoạch năm. Các DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh tăng trưởng 34,7%, là động lực chính đưa GRDP của tỉnh tăng hơn 8% bảy tháng qua.

An toàn để sản xuất

Hiện, nhiều DN trong các KCN vẫn liên tục tuyển lao động để cố gắng bù đắp lại nguồn thiếu hụt này. Các DN phải tốn thêm một khoản chi phí lớn cho công tác phòng, chống dịch bệnh, xét nghiệm sàng lọc; mua sắm, lắp đặt lại các dây chuyền sản xuất, nhà ăn ca, nơi nghỉ của công nhân bảo đảm giãn cách an toàn. Chi phí vận chuyển, kho bãi gia tăng do các DN vận tải phải thực hiện thêm nhiều biện pháp phòng, chống dịch (hạn chế đi lại, xét nghiệm lái xe liên tục, giá xăng dầu tăng…) đã đẩy giá thành sản phẩm, nguyên liệu đầu vào lên cao hơn.

Trong khi đó, khâu thông thương, tiêu thụ sản phẩm phát sinh nhiều bất cập. Sức mua của nền kinh tế nhìn chung đều giảm, nhiều hợp đồng bị hủy bỏ hoặc giãn, hủy, hoãn các đơn đặt hàng, gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, để bảo đảm an toàn một cách bền vững các “vùng xanh” thì phải cần đến vắc-xin tiêm cho công nhân, lao động tại các KCN. Nhưng cũng vẫn đang loay hoay vì không có nguồn cung ứng vắc-xin…

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, để duy trì hoạt động sản xuất, không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, cấp ủy, chính quyền các địa phương đang đồng hành cùng các DN bảo đảm, tạo điều kiện cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19, chỉ những cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định mới được phép hoạt động, trên tinh thần an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Đầu tháng 8, TP Hải Phòng yêu cầu các DN triển khai “Đăng ký điểm kiểm dịch” tại DN; hướng dẫn người lao động khai báo y tế bằng QR CODE để thuận tiện trong việc quản lý, thống kê những thông tin liên quan phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động về chỗ ở, sinh hoạt để họ yên tâm ở lại DN làm việc…

Cùng thời điểm này, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thí điểm tổ chức cho Công ty TNHH LG Display Việt Nam (KCN Tràng Duệ) thực hiện phương án “Một cung đường, hai điểm đến”, Công ty CP thép Việt Nhật (KCN Nam Cầu Kiền) tổ chức thí điểm “ba tại chỗ” với các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt y như khi có F0 tại DN. Sau thời gian diễn tập, sẽ đánh giá cụ thể, để có phương án tối ưu nhằm duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cùng với đó, Hải Phòng cũng nỗ lực tìm kiếm các nguồn vắc-xin để ưu tiên tiêm cho công nhân lao động trong các KCN.

Tỉnh Hà Nam tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về thuế, hải quan, đất đai, tín dụng, nguồn lao động giúp cho các DN giữ vững sản xuất. Hiện, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã vào cuộc, tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; triển khai chương trình kết nối ngân hàng và DN.

Từ nay cho đến hết năm 2021, tỉnh Quảng Ninh tập trung phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của ngành chế biến, chế tạo, đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành các nhà máy đưa vào sản xuất và gia tăng sản xuất thêm sản lượng sản phẩm. Phấn đấu trong quý III năm 2021 khởi công một số dự án trọng điểm trong khu kinh tế, KCN. Đồng thời tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng thủ tục về đầu tư, giải phóng mặt bằng, cấp phép để các DN, nhà đầu tư triển khai các dự án, công trình, thúc đẩy phát triển ngành xây dựng.

Hy vọng rằng, những giải pháp nêu trên của các địa phương cùng sự chủ động của các DN, KCN trong công tác phòng, chống dịch, sẽ giúp giá trị sản xuất công nghiệp nói riêng, GRDP của các địa phương nói chung đạt mức tăng trưởng cao, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, góp phần thực hiện mục tiêu kép của năm 2021.