19/12/2024 lúc 17:53 (GMT+7)
Breaking News

Biện pháp mạnh để trị nạn xâm hại tình dục

VNHN-Tiếp sau vụ cô sinh viên ở Điện Biên bị 7 tên tội phạm bắt cóc, hiếp dâm và sát hại, lại có thêm những vụ quấy rối tình dục. Mới đây nhất, ngày 24-3, một nữ sinh lớp 10 ở huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã bị ít nhất 6 học sinh cấp THPT trên địa bàn hiếp dâm. Dư luận rất lo lắng, bức xúc trước hiểm họa này. Bạn đọc Báo SGGP đã lên tiếng về việc cần có biện pháp mạnh để trị nạn xâm hại tình dục.

VNHN-Tiếp sau vụ cô sinh viên ở Điện Biên bị 7 tên tội phạm bắt cóc, hiếp dâm và sát hại, lại có thêm những vụ quấy rối tình dục. Mới đây nhất, ngày 24-3, một nữ sinh lớp 10 ở huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã bị ít nhất 6 học sinh cấp THPT trên địa bàn hiếp dâm. Dư luận rất lo lắng, bức xúc trước hiểm họa này. Bạn đọc Báo SGGP đã lên tiếng về việc cần có biện pháp mạnh để trị nạn xâm hại tình dục.

Pa nô cảnh báo nạn quấy rối tình dục

Chế tài phải có tác dụng răn đe

Vụ nữ sinh lớp 10 ở huyện Triệu Phong nói trên như là một lời cảnh tỉnh vì biện pháp chế tài không đủ răn đe. Trước đó chưa lâu, hồi giữa năm 2018, một nữ nhân viên Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Triệu Phong đã làm đơn tố cáo một nam chuyên viên cùng cơ quan tấn công chị nhằm mục đích hiếp dâm.

Nhân chứng trong cơ quan khai báo thấy nạn nhân ra khỏi phòng trong tình trạng quần áo xộc xệch, môi và tay bị cắn. Vậy mà kết quả cuộc đấu tranh của nạn nhân chỉ là người tấn công tình dục bị xử phạt 200.000 đồng.

Gần đây, người đàn ông tấn công tình dục cô gái trẻ trong thang máy một chung cư tại Hà Nội cũng chỉ bị xử lý hành chính, phạt 200.000 đồng. Mặc dù camera đã ghi lại hết sức rõ ràng hành vi sàm sỡ của kẻ quấy rối tình dục, thế nhưng sự việc lại bị chậm xử lý một cách khó hiểu thì huống hồ chi những vụ quấy rối, tấn công tình dục khác với những bằng chứng không rõ ràng.

Không ít ý kiến cho rằng thà đừng phạt cho xong, bởi với mức phạt như thế chẳng khác nào sự trêu ngươi, mỉa mai, xem thường phẩm giá phụ nữ, cho dù là đúng luật, đúng quy định. Pháp luật được lập ra nhằm mục đích trừng phạt, răn đe tội phạm và những kẻ xấu. Mức phạt 200.000 đồng cho hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục rõ ràng là không đủ trừng phạt, răn đe. Nếu không có bản án thích đáng với những kẻ quấy rối tình dục thì càng ngày sẽ có nhiều kẻ xấu hành xử thú tính.

Thực tế đang đòi hỏi phải có những điều chỉnh về luật pháp, nhận thức và hành động để đưa ra những chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với những hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục. Không thể tiếp tục nương nhẹ với các hành vi này vì những quy định, điều luật đã không còn phù hợp.

TƯƠNG QUAN (quận 7, TPHCM)

Không thể nhẹ tay với nạn quấy rối tình dục

Hành vi quấy rối tình dục gây tổn thương tinh thần, danh dự của người khác mà quy định pháp luật hiện hành chỉ xử phạt hành chính với mức 200.000 đồng là quá nhẹ nhàng cho kẻ phạm tội và không đủ răn đe. Nếu đem mức phạt này so sánh với một số quy định khác thì chỉ ngang bằng với mức phạt của việc thả rông vật nuôi ở nơi công cộng, và còn thấp hơn khoảng 30 lần so với mức phạt vứt rác trên vỉa hè. Qua đó, cho thấy quy định pháp luật để chế tài xử lý nạn quấy rối tình dục ở nước ta còn quá nhiều bất cập.

Nếu thử để lên bàn cân, một bên là nhân phẩm, thân thể con người bị xúc phạm, xem thường; một bên là 200.000 đồng tiền phạt thì khó hiểu quá, không lẽ nhân phẩm con người rẻ đến vậy? Mức phạt như vậy chẳng khác nào “truyền cảm hứng” cho những kẻ bệnh hoạn thực hiện những hành vi tương tự, thậm chí là tệ hại hơn.

Để ngăn chặn nạn xâm hại tình dục, pháp luật cần cụ thể hóa các hành vi quấy rối tình dục, tránh đánh đồng làm giảm mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Đồng thời cần tăng mức xử lý hành chính đối với hành vi quấy rối tình dục. Pháp luật cần phải ngăn chặn trước những nguy cơ có thể xâm hại phụ nữ và trẻ em  chứ không phải đợi xảy ra trọng án hiếp dâm rồi sát hại, mới xử lý pháp luật.

MAI THÚY (Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội)

Đừng để nạn xâm hại tình dục thành điều bình thường

Nhiều luật sư cho rằng mức xử phạt hành chính 200.000 đồng với hành vi quấy rối tình dục là quá nhẹ so với quy định pháp luật thế giới. Tại Mỹ, quấy rối tình dục bị coi là một tội danh hình sự trong Bộ luật Quyền công dân công bố năm 1964. Tội danh này bị coi là vô cùng nghiêm trọng, không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe, thể chất của người bị hại mà còn để lại dư chấn tâm lý nặng nề cho họ.

Quan tòa sẽ căn cứ vào mức độ thương tổn, xâm hại của nạn nhân để đề ra hình phạt thích đáng dành cho những kẻ dám có hành vi quấy rối tình dục (từ 2 năm tù và phạt tiền 10.000 USD). Tòa cũng sẽ xét đến lý lịch hình sự của bị cáo, trường hợp bị cáo là người đã có tiền sử vi phạm pháp luật, hình phạt sẽ nặng hơn rất nhiều. Ngoài ra, tội phạm tình dục gần như không bao giờ được xóa án tích.

Đặc biệt, xâm phạm tình dục trẻ em ở Mỹ bị xem là tội ác thiên kỷ. Ở Singapore, người có ý đồ cưỡng hiếp, có các hành vi thể hiện ý đồ cưỡng hiếp sẽ bị phạt từ 8 - 20 năm tù và phạt roi có thể lên đến 12 roi. Với hành vi xâm hại tình dục mà không giao cấu, Singapore phạt tù 5 năm khi nạn nhân trên 18 tuổi. Nếu nạn nhân dưới 16 tuổi, kẻ gây án bị phạt tù đến 10 năm. Trường hợp nạn nhân dưới 14 tuổi sẽ bị phạt 20 năm tù kèm theo hình phạt roi và tiền. 

Ở nước ta, nếu tư duy của người thực thi pháp luật và quy định pháp luật về hình phạt cho các tội xâm hại tình dục không được thay đổi thì sẽ khó mà giảm được vấn nạn này.