18/01/2025 lúc 08:49 (GMT+7)
Breaking News

Bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam - Nguyên nhân và hướng phòng chống

Bạo lực gia đình với phụ nữ là hiện tượng tồn tại từ lâu trong mọi quốc gia. Tuy nhiên, bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam đang diễn ra dưới nhiều hình thức và đã đến mức báo động. Bài viết này sẽ góp phần tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân và một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam.

1. Bạo lực gia đình với phụ nữ

Vấn đề Bạo lực gia đình nói chung và bạo lực gia đình với phụ nữ nói riêng ở Việt Nam được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).  Sự quan tâm này được thể hiện rõ trong văn bản pháp quy cao nhất như: hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 tại điều 63 có ghi: "Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ". Đặc biệt gần đây sự ra đời luật bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2006 và có hiệu lực 1-7-2006, luật phòng chống bạo lực gia đình được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 21-11-2007, có hiệu lực từ 1-7-2008. Có thể nói đây là cơ sở pháp lý quan trọng trực tiếp nhất đề cập đến vấn đề phòng chống bạo lực gia đình nói chung và phụ nữ nói riêng.

Theo Liên Hợp Quốc về Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1993 được định nghĩa: Bất kỳ một hành động bạo lực nào dựa trên cơ sở giới dẫn đến, hoặc có khả năng dẫn đến, những tổn thất về thân thể, tình dục, tâm lý hay những đau khổ của phụ nữ, bao gồm cả sự đe dọa có những hành động như vậy, sự cưỡng bức hay tước đoạt một cách tùy tiện sự tự do, dù nó xảy ra ở nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư” đều gọi là bạo lực trên cơ sở giới.

Luật Phòng chống Bạo lực gia đình Việt Nam ra ngày 21/11/2007 định nghĩa: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Như vậy, có thể hiểu bạo lực gia đình với phụ nữ là bất cứ những hành vi nào của thành viên trong gia đình gây tổn thương cho người phụ nữ từ bạo lực thể chất, đến bạo lực tinh thần, tình dục, kinh tế.

- Hành vi bạo lực về tinh thần: bao gồm các hành vi lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng hoặc ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu, giữa cha, mẹ và con, giữa vợ và chồng, giữa anh, chị, em với nhau, hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

- Hành vi bạo lực về thể chất hay thể xác: bao gồm hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng.

- Hành vi bạo lực về kinh tế: bao gồm chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình hay cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ hoặc là kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.

-  Hành vi bạo lực về tình dục: gồm có hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục.

2. Thực trạng BLGĐ với phụ nữ

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (62,9%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra năm 2019 thấp hơn so với năm 2010. Ví dụ, phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác trong đời năm 2019 (26,1%) ít hơn so với năm 2010 (31,5%). Xu hướng này cho thấy luật pháp, chính sách đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 - 24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010). Mặc dù điều này phản ánh sự gia tăng của tình trạng bạo lực nhưng cũng có thể là kết quả của sự thay đổi xã hội mà ở đó phụ nữ cởi mở hơn khi nói về chủ đề tình dục và bạo lực tình dục. Trong tương lai cần có nghiên cứu và phân tích sâu hơn để xác định được đúng xu hướng này.

Báo cáo điều tra cho thấy phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có 01 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%). Một điểm đáng chú ý là một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Ở Việt Nam, bạo lực gia đình với phụ nữ vẫn là vấn đề báo động và trái ngược với truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Bạo lực gia đình với phụ nữ không còn đơn thuần chỉ là hành vi đánh đập ngược đãi về thể xác, về tinh thần, bạo hành trong tình dục, bạo lực kinh tế… mà còn là hành vi phạm tội nghiêm trọng. Bạo lực không chỉ phát sinh ở các gia đình học vấn thấp mà còn có ở các gia đình học vấn cao, không chỉ có ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn mà còn nảy sinh ở những gia đình điều kiện kinh tế tốt và không chỉ ở những đôi vợ chồng mới kết hôn mà còn có cả những đôi vợ chồng sống cùng nhau hàng chục năm.

3. Nguyên nhân của bạo lực gia đình với phụ nữ

- Nguyên nhân về tâm lý và nhận thức :

 + Theo Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình là do tư tưởng bất bình đẳng giới, trọng nam khinh nữ. Những quan niệm gia trưởng vẫn tồn tại dai dẳng gắn cho người đàn ông trong gia đình địa vị trung tâm và có quyền kiểm soát người phụ nữ. Trong khi đó người phụ nữ có vai trò phụ thuộc, phục tùng người đàn ông. Dựa vào quyền ấy, bạo lực đã được nhiều người đàn ông sử dụng như một biện pháp nhằm khẳng định địa vị và quyền lực kiểm soát của mình trong gia đình, nhiều ông chồng tự cho mình quyền được đánh vợ, coi đánh vợ như là một cách giáo dục và thể hiện quyền lực của bề "trên" đối với kẻ "dưới".

  + Do tâm lý giấu diếm, cam chịu của phụ nữ, chính sự cam chịu của phụ nữ đã tiếp tay cho sự tái phạm hành vi bạo lực của chồng.

  + Trình độ học vấn thấp, thiếu kỹ năng ứng xử, không hiểu biết pháp luật, không biết mình có những quyền gì, do vậy, người bị bạo hành không tự bảo vệ được chính bản thân mình, không đấu tranh vì lẽ phải và có thể họ còn bị phụ thuộc vào phong tục tập quán.

- Nguyên nhân đời sống vợ chồng không được thoả mãn về tình dục:Tuy đây là một vấn đề tế nhị, song chúng vẫn là nguồn gốc tạo nên tình trạng bạo lực gia đình. Vợ, chồng không được thoả mãn tình dục, thường dẫn đến sự phản bội trong tình yêu và hôn nhân, chồng hoặc vợ ngoại tình, tình cảm vợ chồng sứt mẻ.       

- Nguyên nhân tình cảm, ngoại tình:

 Trong các nghiên cứu về bạo lực gia đình, nguyên nhân ngoại tình được ít người thừa nhận nhưng qua nghiên cứu lại thấy khá nhiều trường hợp bạo lực gia đình xảy ra do có quan hệ tình cảm khác giới ngoài hôn nhân. Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều của làn sóng cải cách kinh tế thị trường. Đã có những biến đổi về giá trị tinh thần và những chuẩn mực đạo đức xã hội. Không it người bắt đầu xem quan hệ ngoài hôn nhân là chuyện riêng của mỗi gia đình, chuyện thường ngày nên xung đột trong gia đình dẫn đến bạo lực là điều không tránh khỏi.

- Nguyên nhân tệ nạn xã hội:

 Kết quả nghiên cứu bình đẳng giới ở Việt Nam trên 13 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ những phụ nữ có chồng uống rượu say bị chửi, đánh cao hơn nhiều so với nhóm phụ nữ có chồng không uống rượu say. Cụ thể, tỷ lệ những phụ nữ có chồng uống rượu say bị chửi là 33,5% và bị đánh là 8% trong khi ở nhóm có chồng không uống rượu say tỷ lệ tương ứng là 14% và 2,8%. Như vậy, tỷ lệ phụ nữ có chồng uống rượu say bị chửi cao gấp 2,3% lần, bị đánh cao gấp 3,1 lần so với phụ nữ có chồng không uống rượu[1].

  Đối với bạo lực gia đình, cờ bạc không phải là nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhưng đây là cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên nỗi bức xúc vì nó không chỉ gây nên những tổn thất về mặt kinh tế mà còn gây nên hành vi bạo lực đối với vợ, con.

- Nguyên nhân kinh tế:

Các nghiên cứu đã thực hiện ghi nhận rằng đói nghèo có liên quan chặt chẽ với tình trạng bạo lực trong gia đình, hay nói cách khác bạo lực gia đình thường xảy ra nhiều hơn trong những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Trong một nghiên cứu do trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển phối hợp với Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tiến hành nghiên cứu bạo lực gia đình tại 6 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy có 59,8% số người được hỏi cho rằng khó khăn kinh tế là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Có thể dẫn một câu ngạn ngữ phương Tây đã khái quát hoàn cảnh này: "Khi cái nghèo đi vào cửa chính thì tình yêu nhảy qua cửa sổ chạy trốn".

- Nguyên nhân từ môi trường quản lý xã hội:

Theo kết quả điều tra BLGĐQG 2019 có một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền, hoặc nếu họ có tìm đến thì cũng là khi bạo lực đã nghiêm trọng và người họ tìm kiếm là lãnh đạo địa phương. Trong khi đó chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội ở các cụm dân cư vẫn chưa quan tâm đúng mức, chưa xử lý triệt để những vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình. Các vụ bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng hiện nay hình phạt còn quá nhẹ, không tương xứng với hậu quả mà nó gây ra, vì thế tính phòng ngừa răn đe còn hết sức hạn chế. Nhiều chỗ, nhiều nơi vẫn còn tồn tại khá phổ biến quan niệm: "đèn nhà ai, nhà ấy rạng"; "vợ chồng đóng cửa bảo nhau"...Chính vì vậy hành vi bạo lực gia đình càng có điều kiện diễn ra đằng sau những cánh cửa khép kín.

4. Một số giải pháp về phòng, chống bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam

* Giải pháp về pháp lý

  - Cần cải thiện thủ tục hành chính, pháp lý sao cho nhanh, gọn, kịp thời trong công tác khai báo và trợ giúp. Như vậy mới đảm bảo yêu cầu về tính kịp thời trong can thiệp như đã ghi rõ trong luật PCBLGĐ. Cần đổi mới sự can thiệp và phòng, chống từ khâu khai báo tới khâu truy tố trước toà.

- Tăng cường thực thi pháp luật nghiêm minh hơn. Không lấy hoà giải thay cho xử phạt với trường hợp gây thương tích. Những can thiệp mạnh của chính quyền, của pháp luật phải tăng cường hơn đối với các trường hợp bạo lực.

- Có cơ chế rõ ràng trong xử lý bằng biện pháp tách người bạo lực ra khỏi người bị bạo lực để bảo vệ phụ nữ. Hình thức này cần được xem như công việc đầu tiên phải thực hiện để bảo vệ phụ nữ vì họ thường bị khủng hoảng rất lớn sau những ca bạo lực và sự gần gũi người bạo lực sẽ làm cho trẻ càng trở nên khủng hoảng.

- Cần tạo một mạng lưới bao gồm các cán bộ chính quyền, công an, giáo viên, phụ nữ, Đoàn thanh niên, cán bộ xã hội, cán bộ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp tại cộng đồng trong phát hiện, điều tra và xử lý các vụ bạo lực.

* Giải pháp về tăng cường công tác giáo dục

Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường, Xã hội trong việc phổ biến kiến thức, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ, quyền con người cũng như huy động để ngăn chặn bạo lực với phụ nữ cần được đặt thành ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.

- Đối tượng hướng tới để tác động nâng cao nhận thức là phụ nữ, nam giới, đặc biệt những người làm công tác quản lý, thực thi công quyền và pháp lý cần được xem như đối tượng ưu tiên hàng đầu để hướng tới. Tiếp theo nhóm đối tượng khác cần chú trọng đó là những ông bố, bà mẹ, nhân viên y tế.

- Nội dung truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức: Trước hết tất cả mọi đối tượng cần được hiểu biết đó là các luật, trước hết là luật PCBLGĐ, luật BĐG, các luật khác có liên quan như Luật dân sự, luât hôn nhân và gia đình, luật pháp liên quan đến bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ đồng thời kết hợp đưa những thông tin về các ca bạo lực, hướng tới tăng cường kỹ năng bảo vệ và tự bảo vệ của người bị bạo lực. Nội dung quan trọng khác đó là truyền thông thay đổi tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ” ở những người nam giới, đồng thời cần lên án, phê phán tư tưởng giáo dục bằng roi vọt, tư tưởng “dạy vợ” hiện nay.

- Kênh thông tin truyền thông nâng cao nhận thức: Nghiên cứu cho thấy tác dụng nhiều nhất với mọi nhóm đối tượng người dân là kênh thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo tiếng, báo hình. Ngoài ra, hình thức tờ rơi, Tranh ảnh, panô, áp phích, sinh hoạt tổ, hội, câu lạc bộ trong giáo dục tuyên truyền thông tin liên quan tới phòng, chống bạo lực được tính đến như một kênh thông tin khá hiệu quả

* Giải pháp về phát triển các dịch vụ trợ giúp tại cộng đồng

Một trong những giải pháp để thực hiện các dịch vụ này đó là hình thành các mô hình trung tâm trợ giúp xã hội tại cộng đồng, các trung tâm an sinh gia đình, trung tâm cung cấp dịch vụ gia đình, trung tâm tư vấn tâm lý công lập cũng như tư nhân. Sự có mặt của các trung tâm này trong trợ giúp những nạn nhân bị bạo lực, người bạo lực là một yếu tố rất cần thiết không thể thiếu được và thực tế nó đã giúp cho công tác phòng ngừa và hạn chế bạo lực trong gia đình với phụ nữ khá hiệu quả.

Đường dây tư vấn, đường dây nóng, tuy nhiên cần phát huy hơn nữa và có tính nối kết rộng rãi với những cơ sở trợ giúp về pháp lý cũng như y tế hay tài chính thậm chí là trị liệu. Sự có mặt của đường dây này sẽ giúp phụ nữ, những người phát hiện có thể thông báo một cách dễ dàng với cơ quan chức năng.

Cung cấp các khoá tập huấn, đào tạo kỹ năng xử lý giận dữ, xử lý stress/ căng thẳng thần kinh hoặc kiểm soát bản thân là một loại hình dịch vụ có ích lợi giúp phụ nữ tự biết bảo vệ mình, giúp cho các ông bố, bà mẹ học cách ứng xử làm cha mẹ, hiểu hành vi ứng xử của nhau để phòng tránh những mâu thuẫn, xung đột dẫn đến bạo lực, học được kỹ thuật giảm stress, khống chế sự tức giận tiềm năng.

Phát triển mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở phường/xã hay câu lạc bộ giành cho những phụ nữ bị bạo lực. Câu lạc bộ này sẽ là nơi sinh hoạt của những chị em bị bạo lực. Họ tới đây để chia sẻ cảm xúc tâm trạng nhằm giải toả tâm lý, mặt khác chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống bạo lực.

Cung cấp dich vụ cần đi với Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống bạo lực gia đình cũng là một giải pháp mà nhiều nước sử dụng ví dụ như thành lập các trang website giúp phụ nữ và những người có liên quan có được những trợ giúp cần thiết, cũng như hoàn thiện trình độ chuyên môn cho người cung cấp dịch vụ. Do vậy việc chuyên môn hoá và đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ đang làm việc là ccần thiết.

* Giải pháp về sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng

Một trong những giải phòng, chống bạo lực gia đình là tăng cường thực hiện chức năng và sự phối hợp của các cơ quan chức năng cùng tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội chữ thập đỏ, Hội người cao tuổi… tại địa phương quận, huyện, xã phường thông qua việc   thiết lập một mạng lưới ngăn chặn bạo lực với phụ nữ ở từng địa phương. Mạng lưới này phải có khả năng can thiệp chấm dứt bạo lực từ cấp thôn (tổ dân phố) tới xã (phường), quận (huyện). Mỗi quận, huyện cần có ban phòng, chống bạo lực và mỗi xã cần có nhóm can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình gồm các đại diện, các tổ chức của chính quyền, công an, y tế, Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh… Các thành viên phải là những người có uy tín, có kinh nghiệm, gương mẫu trong cuộc sống ở địa phương, được người dân tín nhiệm, những người đứng đầu trong các dòng tộc, những người có kiến thức và kỹ năng cơ bản về tư vấn, hoà giải, biết cách tiếp cận, có hiểu biết về pháp luật, về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ.

* Hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình

Giải pháp phát triển kinh tế hộ gia đình để giảm nguy cơ bạo lực cũng được xem là một giải pháp quan trọng. Để thực hiên tốt giải pháp này cần làm tốt công tác rà soát phát hiện những gia đình có hoàn cảnh khó khăn cùng với đó là những trợ giúp phát triển dịch vụ việc làm, dịch vụ đào tạo hay vay vốn tín dụng…nhằm giúp xoá đói giảm nghèo tại cơ sở. Bên cạnh, cần chú ý phát triển kinh tế phải kết hợp với phát triển văn hóa, giáo dục để nâng cao trình độ dân trí nói chung, nhất là trình độ dân trí cho chị em phụ nữ khu vực nông thôn. Đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình là một tiêu chí quan trọng để xem xét việc công nhận gia đình văn hoá.

* Xây dựng thiết chế gia đình bền vững:

 Được xem là giải pháp nội lực để phòng tránh bạo lực gia đình. Yêu cầu này đòi hỏi vai trò của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng bàn bạc; tùy theo đặc điểm, truyền thống văn hóa của từng địa phương phải xây dựng được các quy chế, quy ước nhằm hạn chế những khác biệt, mâu thuẫn có thể bùng nổ thành xung đột, cùng với các gia đình có ý thức xây đắp các chuẩn mực: no ấm, bình đẳng, không tệ nạn xã hội, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Đối với mỗi hộ gia đình thì vợ chồng phải biết cách ứng xử tế nhị, tôn trọng giúp đỡ nhau như kinh nghiệm ông cha ta đã đúc kết chồng giận thì vợ bớt lời hay lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, tạo không khí hoà thuận, cùng có trách nhiệm chăm sóc nuôi dạy con cái.

Ths Đặng Trường Xuân

Học viện Chính trị khu vực I


[1] Bình đẳng giới ở Việt Nam - Trần Thị Vân Anh và Nguyễn Hữu Minh (chủ biên), Nxb KHXH, Hà Nội 2008, tr.317.

...