27/04/2024 lúc 10:56 (GMT+7)
Breaking News

“Bão giá” trên công trường cao tốc Bắc – Nam: Kỳ 5: Bộ Xây dựng lên tiếng

Bộ Xây dựng cho rằng, việc chủ đầu tư lựa chọn các phương pháp, phạm vi, đối tượng, nguồn dữ liệu để áp dụng trong hợp đồng chưa phù hợp, đã không phản ánh đúng thực tế biến động giá thị trường.

Doanh nghiệp xây dựng "sợ" dự án đầu tư công

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tính đến cuối tháng 7/2022, tổng khối lượng xây lắp hoàn thành của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đạt khoảng 26/57 nghìn tỷ đồng, tương đương 45,6%. Công tác giải ngân vốn, lũy kế đến thời điểm này đạt khoảng 39/78 nghìn tỷ đồng, tương đương 50,37% giá trị phần vốn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Trong tổng số 10 dự án thành phần đang thi công, có tới 5 dự án chậm tiến độ từ 1,7% đến gần 5%. Trong đó, có 3/4 dự án thành phần phải hoàn thành trong năm 2022 gồm: Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. 2 dự án còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo có thời hạn hoàn thành trong năm 2024.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số nhà thầu chưa quan tâm đúng mức để chủ động nguồn vật liệu trong quá trình thực hiện hợp đồng; năng lực tổ chức thi công, huy động tài chính yếu kém.

Đặc biệt, giá nhiên, nguyên, vật liệu tăng cao đã vượt ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan. Việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường (đã được quy định trong hợp đồng) chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn thiếu hụt tài chính cho nhà thầu.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp xây dựng, góp phần đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT Thể kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quản lý, bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia; có giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề biến động giá nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng nói chung và các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông nói riêng.

Phát biểu tại hội nghị "Về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, ngành xây dựng có sự tăng trưởng hết sức rõ rệt so với cùng kỳ năm trước.

Điều đó chứng tỏ các biện pháp của Chính phủ đã có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, so với kế hoạch đặt ra thì hầu hết các doanh nghiệp xây dựng lớn đều không đạt. 10 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất nói chung chỉ đạt 28% - 40% kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam

Ông Hiệp cho biết các doanh nghiệp xây dựng hiện không muốn làm dự án trong nước. Đặc biệt, các dự án đầu tư công thì doanh nghiệp xây dựng rất sợ. Nguyên nhân chính là giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, kéo dài từ năm 2020 đến nay.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Hiệp cho biết như dầu diesel, nếu dự án trúng thầu vào quý IV/2020 thì đến nay, giá dầu đã tăng từ mức 12.000 – 12.600 đồng/lít lên 30.000 đồng/lít, tức tăng 240%. Giá thép so với đầu năm 2021 đã tăng 20% - 60%.

Giá đất đắp nền, giá đá, giá cát… cũng tăng mạnh; đơn cử giá cát cuối năm 2020 là 300.000 – 320.000 đồng/m3 thì bây giờ là 360.000 đồng/m3. Giá nhựa đường vào cuối quý IV/2020 là 11.000 đồng/kg thì giờ đã là 15.500 đồng/kg. Giá xi mămg cũng tăng từ 1.400 đồng/kg lên 1.980 đồng/kg.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xây dựng còn gặp các vướng mắc về nhân công lao động; các thủ tục về giao nhận thầu; các quy định “oái ăm” về phòng cháy chữa cháy; kiểm toán, thanh kiểm tra; vấn đề về tài chính khiến doanh nghiệp càng làm càng lỗ.

Ông Hiệp nói thêm: "Hôm rồi chúng tôi họp Ban chấp hành Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, có nói với nhau, nếu tình hình này tiếp diễn 5 năm nữa, chắc không còn doanh nghiệp xây dựng nào tồn tại. Chúng tôi rất mong Bộ trưởng kiến nghị cho phép các doanh nghiệp xây dựng lớn được báo cáo với Thủ tướng để cứu ngành xây dựng, còn không chúng tôi nghĩ ngành xây dựng tan nát mất".

Giá đã giảm nhưng vẫn ở mức cao

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng mới đây đã có Công văn số 3102/BXD-KTXD gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng và giải pháp tháo gỡ.

Theo Bộ Xây dựng, tùy theo từng loại công trình, chi phí vật liệu xây dựng thường chiếm khoảng từ 50% đến hơn 70% dự toán chi phí xây dựng. Theo thống kê của Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng, đối với các dự án giao thông, tỷ lệ thép xây dựng, xi măng, cát, đá, nhựa đường chiếm tỷ trọng tương ứng là 9,07%; 1,96%; 3,96%; 4,49%; 4,98%.

Hiện nay, giá vật liệu mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với mặt bằng giá quý IV năm 2020

Từ cuối quý IV/2020 đến hết quý I/2022, giá nguyên, nhiên liệu, vật liệu xây dựng có xu hướng biến động tăng, trong đó có thép, xi măng, nhựa đường, xăng, dầu, cát, đất đắp. Từ tháng 4/2022 trở lại đây, giá nhiên liệu và một số vật liệu xây dựng chủ yếu bắt đầu giảm, trong đó giá thép giảm mạnh nhất, hiện ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg, tương đương giá thép quý II/2021.

Tuy nhiên, so với mặt bằng giá quý IV năm 2020, tại thời điểm tháng 7/2022, giá nhiên liệu và giá một số vật liệu chủ yếu vẫn cao. Giá thép xây dựng cao hơn khoảng 25%; giá xi măng, theo từng thương hiệu cao hơn khoảng 15 - 20%; giá nhựa đường cao hơn khoảng 40%; dầu diesel khoảng 25.000 đồng/lít, cao hơn gần 100% so với quý IV/2020.

Giá vật liệu tăng mạnh từ cuối quý IV/2020 đến hết quý I/2022 đã tác động trực tiếp làm tăng chi phí đầu tư xây dựng của các công trình, dự án. Theo số liệu do các địa phương công bố, chỉ số giá xây dựng quý I/2022 tăng trung bình khoảng 10% so với thời điểm gốc năm 2020 (thời điểm chưa có biến động), trong đó chỉ số giá xây dựng một số công trình (công nghiệp, giao thông, hạ tầng kỹ thuật…) tại một số địa phương tăng từ 15 - 20%.

“Yếu tố này đã tác động lớn đến công tác quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu thi công”, Bộ Xây dựng nhận định.

Đối với hợp đồng trọn gói đang triển khai, theo quy định của pháp luật, đây là loại hợp đồng có giá trị hợp đồng không thay đổi suốt quá trình thực hiện. Qua theo dõi, tổng hợp các ý kiến của các địa phương, giá vật liệu xây dựng, nhiên liệu tăng bất thường tác động chủ yếu đến các hợp đồng được ký kết từ quý IV/2020 trở về trước và các hợp đồng quy mô nhỏ có giá trị <= 20 tỷ đồng được ký kết từ năm 2021 trở lại đây.

Ngoài ra, có một số hợp đồng thi công chậm tiến độ do các nguyên nhân khách quan như: chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng của dịch covid-19 hoặc phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế... dẫn đến một số nhà thầu đã “rơi” vào giai đoạn giá tăng cao, là một trong những nguyên nhân nhà thầu gặp khó khăn, thi công cầm chừng.

Đối với hợp đồng đơn giá cố định, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định của pháp luật, đây là hợp đồng có đơn giá thanh toán cố định trong suốt quá trình thực hiện; do vậy, khi tăng giá vật liệu, nhiên liệu thì cũng gặp khó khăn tương tự như đối với trường hợp hợp đồng trọn gói.

Công nhân thi công hạng mục cầu Thần Vũ, cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Diễn Châu - Bãi Vọt

Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, hầu hết các công trình thi công sau năm 2020, trong đó có cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều chọn phương án ký kết hợp đồng theo nguyên tắc điều chỉnh đơn giá. Pháp luật hiện hành về hợp đồng xây dựng đã quy định rõ các phương pháp điều chỉnh giá để chủ đầu tư, nhà thầu lựa chọn (điều chỉnh theo chỉ số giá công trình, chỉ số giá theo nhóm vật liệu xây dựng chủ yếu; điều chỉnh theo từng danh mục giá vật liệu xây dựng; giá điều chỉnh theo phương pháp bù trừ trực tiếp, ...).

Việc thực hiện các hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh sẽ giảm thiểu các rủi ro, ảnh hưởng do biến động giá vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà thầu, xác lập, ký kết các hợp đồng thi công phụ thuộc vào việc lựa chọn, áp dụng nguồn giá/chỉ số giá xây dựng, phạm vi điều chỉnh giá đã được các bên thỏa thuận trong từng hợp đồng/gói thầu cụ thể.

Thực tế, thời gian qua, việc thực hiện hợp đồng đã gặp một số khó khăn, vướng mắc gồm: giá vật tư, vật liệu và chỉ số giá xây dựng ở nhiều địa phương công bố, dùng để điều chỉnh giá hợp đồng đã công bố chậm; một số giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng công bố không sát với diễn biến giá trên thị trường; danh mục vật liệu xây dựng công bố không đầy đủ, ảnh hưởng đến việc thanh toán các hợp đồng.

Phạm vi điều chỉnh giá trong một số hợp đồng cũng bị giới hạn do các bên không lường hết rủi ro về trượt giá và tình trạng thiếu nguồn cung đối với một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu (như đất đắp, cát, đá...), nhất là các dự án đường cao tốc phía Đông giai đoạn 1. Một số hợp đồng không xác lập việc điều chỉnh giá đối với phần vật liệu đất đắp (chiếm tỷ trọng khoảng 15 - 25% giá hợp đồng).

Giá vật liệu tăng mạnh từ cuối quý IV/2020 đến hết quý I/2022 đã tác động trực tiếp làm tăng chi phí đầu tư xây dựng của các công trình

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, việc chủ đầu tư lựa chọn các phương pháp, phạm vi, đối tượng, nguồn dữ liệu để áp dụng trong hợp đồng chưa phù hợp, đã không phản ánh đúng thực tế biến động giá thị trường.

Mức hỗ trợ chưa theo kịp thực tiễn 

Trước tình hình thực tế nói trên, Bộ Xây dựng cho biết Bộ và các bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã triển khai quyết liệt một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Công tác tổ chức xác định, công bố giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực (đã có 44 địa phương công bố giá vật liệu hàng tháng, 19 địa phương công bố giá vật liệu xây dựng hàng quý). Một số địa phương thực hiện tốt công tác khảo sát, công bố giá vật liệu xây dựng kịp thời, bám sát diễn biến thị trường, thuận tiện cho chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thanh, quyết toán và xác lập quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Hiện nay, giá vật liệu xây dựng đã bắt đầu hạ nhiệt, có xu hướng giảm. Tuy nhiên, thực tế biến động quá nhanh, các giải pháp nêu trên vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Do vậy, nhiều hợp đồng đã và đang thực hiện trong 2 năm qua vẫn còn gặp khó khăn. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng một số giải pháp.

Cụ thể, đối với hợp đồng đã ký trọn gói, đơn giá cố định, theo quy định của pháp luật hiện hành thì các hợp đồng này chỉ được điều chỉnh trong trường hợp “bất khả kháng” hoặc “hoàn cảnh thay đổi”. Trong đó, các tiêu chí về bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi tại văn bản quy phạm pháp luật lại không định lượng, không quy định cụ thể “biến động giá vật liệu xây dựng” là trường hợp bất khả kháng hay trường hợp hoàn cảnh thay đổi. Nếu đề nghị sửa đổi, cụ thể hóa các quy định này tại các luật có liên quan (Bộ Luật Dân sự, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng), thời gian sẽ kéo dài đến năm 2023 - 2024.

Theo Bộ Xây dựng, giải pháp này không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay khi giá vật liệu xây dựng đang có xu hướng giảm. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương để tổng hợp số liệu thực hiện của các hợp đồng, để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, để khắc phục các khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn quản lý từ năm 2021 trở lại đây, đảm bảo công bố sát giá thị trường, công bằng, minh bạch.

Trường hợp giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá đã công bố theo quý chưa phản ánh đúng biến động giá trên thị trường, các địa phương bổ sung việc công bố vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng, tăng tần suất sớm hơn, theo tháng, đảm bảo theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ.

Thi công dự án cầu Hưng Đức, công trình quan trọng công trình quan trọng trong dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam nối 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh

Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện giám sát, đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương, kịp thời tham mưu các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có), báo cáo Chính phủ.

Bộ Xây dựng kiến nghị giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư chỉ đạo chủ đầu tư các dự án: báo cáo đánh giá các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân (chủ quan, khách quan); xác định rõ trách nhiệm các bên và cơ sở pháp lý về việc điều chỉnh hợp đồng (kể cả các hợp đồng BOT), đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trên cơ sở chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời, xác định mức độ ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư đã phê duyệt, cân đối các nguồn vốn, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Đinh Tịnh - Nguyễn Lâm