01/05/2024 lúc 04:01 (GMT+7)
Breaking News

Nhận diện những hạn chế và giải pháp khắc phục trong phát triển kinh tế hiện nay

Từ sau đại dịch Covid-19, nếu nhìn tổng thể có thể thấy, bên cạnh những khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn nổi lên là một điểm sáng trong bức tranh màu xám của kinh tế thế giới. Đó là đánh giá của Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác. Tuy nhiên, từ góc độ trong nước, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, hạn chế, cả trước mắt và lâu dài, cả khách quan và chủ quan…

Gần đây nhất là năm 2023, tuy tăng trưởng GDP không đạt được mục tiêu đề ra, nhưng nước ta vẫn đạt được một điều rất quan trọng đối với tăng trưởng của quốc gia, đó là quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước, liên tiếp trong 4 quý liền. Điều đó khẳng định nội lực và sự tăng trưởng tích cực của một nền kinh tế quốc gia. Vì về nguyên tắc, cứ 3 quý tăng trưởng liên tục là có thể khẳng định được xu hướng phát triển tốt. Nhưng, nhìn nhận một cách khách quan thì nền kinh tế nước ta hiện vẫn còn nhiều khó khăn và chưa phát triển bình thường được.

Khó khăn, hạn chế là một thực tế

Theo đánh giá của Uỷ ban Kinh tế tại phiên họp thứ 13 (27/9/2023), nền kinh tế nước ta hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế, như: Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có những thay đổi đáng kể khi mức độ cải thiện về năng suất, chất lượng chưa đạt như kỳ vọng, khả năng chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, dễ bị tổn thương và khó phục hồi trước những biến động của kinh tế thế giới. Trong khi một số động lực tăng trưởng lại suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, sự phát triển của khối doanh nghiệp suy giảm; khu vực doanh nghiệp tư nhân còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng, quy mô nhỏ, năng lực công nghệ hạn chế, chưa theo kịp tiến trình đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế số. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp xuất khẩu, dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp và giá trị gia tăng tạo ra thấp. Chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ chậm, chưa tương xứng với tiềm năng; xuất khẩu dịch vụ còn hạn chế; các ngành sử dụng tri thức, khoa học công nghệ phát triển chậm; Du lịch tuy có phục hồi nhưng còn chậm đối với phân khúc thị trường khách quốc tế…

Năm 2024 đã đi qua hơn ¼ thời gian. Mặc dù công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực và quyết liệt, nhưng khó khăn vẫn hiển hiện, bao gồm cả những khó khăn kéo dài và những khó khăn mới, cả những khó khăn khách quan và chủ quan, cả trong nước và quốc tế; được biểu hiện ở một số tác động như: Những áp lực quốc tế liên quan tới những căng thẳng địa chính trị kéo dài trong vài năm qua; Áp lực về vấn đề lạm phát và nợ xấu; Khó khăn của các doanh nghiệp; Rào cản về thể chế… Khắc phục những khó khăn đó đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với những giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Thực tế đó đòi hỏi phải sớm có các giải pháp đồng bộ ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài; tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng giúp đất nước tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Đâu là giải pháp khắc phục

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển mang tính bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thế chế, hệ thống pháp luật tháo gỡ rào cản nhằm thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; Tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công theo hướng phân cấp, phân quyền, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, đơn giản hoá thủ tục, nâng cao hiệu quả đầu tư và phát huy mạnh hơn vai trò đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư nhân, thúc đẩy hình thức đối tác công tư.

Cùng với giải pháp mang tính đường hướng chung ấy, cần đi sâu giải quyết những vấn đề cụ thể trực tiếp tác động đến sự phát triển của nền kinh tế; bao gồm:

1. Tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, nghị định của Quốc hội, Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chủ động phối hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và quản lí giá nhằm đảm bảo thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

2. Tăng cường phát triển khu vực dịch vụ để trở thành động lực chính cho tăng trưởng và tạo việc làm cho toàn bộ nền kinh tế. Hiện nay lĩnh vực này chưa phát triển tướng xứng với yêu cầu.
3. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lí, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo khả năng huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh một số chính sách thuế cho phù hợp thực tế và giúp các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư phát triển.
4. Chú trọng thúc đẩy và phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống, bao gồm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, thúc đẩy và phát huy hiệu quả tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới bao gồm phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, tăng trưởng xanh gắn với chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu…
5. Thúc đẩy các phương thức đầu tư. Thực hiện rà soát, cập nhật và điều chỉnh cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu theo hướng tập trung vào cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
6. Thực hiện đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu trên cơ sở  nghiên cứu, rà soát và kịp thời nắm bắt thông tin các thị trường, sản phẩm ở ngoài nước, cũng như khả năng đáp ứng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng để thúc đẩy các hoạt động xuất, nhập khẩu…

Năm 2024 – khó khăn và kỳ vọng

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù khó khăn còn nhiều, nhưng nếu nhìn một cách tổng thể thì năm 2024 nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2023. Bởi lẽ, nền kinh tế đã có cả một quá trình tích lũy đạt được những thành tựu của đổi mới và hội nhập, nhất là chúng ta có một nền tảng tăng trưởng khá tích cực của năm 2023. Hơn nữa, năm 2024 sẽ là năm được cộng hưởng những tác động tích cực của các thế chế, đặc biệt là việc thông qua hàng loạt các luật rất quan trọng và cơ bản như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi)… cùng với rất nhiều nỗ lực khác liên quan đến cải cách thể chế, hoàn thiện thể chế đã được thực hiện năm 2023 và trước đó. Điều này sẽ tạo hiệu ứng tích cực, tạo động lực chung cho tăng trưởng kinh tế.

Thêm một yếu tố mang tính động lực quan trọng nữa là vấn đề về giải ngân đầu tư công; năm 2024 nhà nước tiếp tục có một lượng vốn đầu tư công rất lớn và một loạt các nút thắt thể chế đã được gỡ, Chính phủ đặt ra mục tiêu giải ngân ít nhất là phải đạt 95%. Cho nên năm nay được coi là năm tăng tốc của đầu tư công.

Về công nghiệp, sẽ là năm kỳ vọng đạt được dấu ấn mới trong phát triển công nghiệp chế tạo theo hướng gia tăng hàm lượng giá trị, hàm lượng chế biến; góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Trong khi ngành nông nghiệp tiếp tục nhận được những động lực tích cực và những tiền đề đã có để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao./.

ThS Hoàng Đình Vân

...