Nông thôn mới là chương trình được thực hiện thường xuyên, liên tục và chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Đến nay, Mộ Đức đã ở rất gần với đích đạt chuẩn huyện Nông thôn mới.
Huyện Mộ Đức là huyện đồng bằng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Ngãi. Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã phát huy nội lực, đoàn kết, thống nhất, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, đồng thời thực hiện lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới đã thu được những kết quả khả quan.
Huyện Mộ Đức đã và đang nỗ lực cao nhất đạt chuẩn Huyện Nông thôn mới
Đặc biệt, Mộ Đức là huyện có truyền thống anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống anh hùng, cán bộ và nhân dân huyện Mộ Đức luôn đoàn kết, quyết tâm xây dựng huyện ngày càng phát triển giàu đẹp. Do vậy, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện đã tập trung được các nguồn lực và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đồng thời, Huyện ủy Mộ Đức đã ban hành nghị quyết và các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện; HĐND huyện ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ; UBND huyện ban hành các kế hoạch, chương trình hành động và tổ chức thực hiện. Cùng với một số chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh, huyện Mộ Đức đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.
Một góc huyện Mộ Đức ở trên cao
Điểm nổi bật khi thực hiện là Mộ Đức đã triển khai hợp nhất các hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn mỗi xã thành một HTX quy mô toàn xã. Các HTX đi vào hoạt động ổn định. Nhiều xã đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm như: Sản xuất và tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm và các mô hình trình diễn giống lúa mới; sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP ở các xã Đức Phú, Đức Hòa, Đức Nhuận; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở các xã Đức Phú, Đức Thắng, Đức Nhuận. Trong đó, có 5ha trồng lúa tại xã Đức Phú được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, nhiều mô hình mang lại hiệu quả, tạo dấu ấn như sản xuất nấm ăn các loại theo quy trình VietGAP của HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận; trồng rau các loại theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn An Mô, xã Đức Lợi; trồng đậu nành giống tại xã Đức Hiệp; trồng dưa hấu VietGAP ở các xã Đức Minh, Đức Phong và Đức Thạnh...
Diện mạo Nông thôn đổi thay ở Đức Tân
Diện mạo nông thôn đổi thay
Xây dựng NTM trên địa bàn huyện Mộ Đức trở thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các địa phương, huy động nhiều nguồn lực chung tay đóng góp xây dựng hạ tầng thiết yếu. Đến nay, hệ thống giao thông tại các xã trên địa bàn huyện được đầu tư nâng cấp thông suốt, kết nối với quốc lộ, tỉnh lộ; tỷ lệ đường xã được bê tông đạt 100%. Đường thôn được cứng hóa, đảm bảo đi lại thuận lợi; tỷ lệ đường ngõ xóm bê tông hơn 70%. Các tuyến đường trục chính nội đồng được nâng cấp, giúp nông dân đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Nhiều nhà văn hóa, sân thể thao được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tập luyện văn hóa, văn nghệ, thể thao của người dân.
Với sự quan tâm của tỉnh và nỗ lực quyết tâm của các cấp, ngành, sự đồng thuận của người dân, huyện Mộ Đức đã nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM. Đến nay huyện có 12/12 xã đạt chuẩn NTM; có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Mộ Đức đạt chuẩn tiêu chí đô thị văn minh. Huyện Mộ Đức hiện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 54,6 triệu đồng/người/năm.
Tham quan, tái hiện Sản xuất nông nghiệp sạch ở Mộ Đức
Bên cạnh đó, Mộ Đức là một trong những huyện có nhiều ngành nghề và làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi như Chế biến nước mắm; bánh tráng; mạch nha; bánh mè,…Với sự đa dạng và phong phú về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội đã tạo cho huyện Mộ Đức có nhiều sản phẩm mang đặc trưng vùng miền, có lợi thế so sánh, có tính độc đáo. Đây là điều kiện tốt để phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao trên thị trường. Tính đến hết năm 2024, huyện Mộ Đức có 44 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 03 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 41 sản phẩm đạt 3 sao.
Trong năm 2024 và thời gian tới, huyện Mộ Đức tiếp tục tập trung cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy hơn nữa các sản phẩm chủ lực có lợi thế theo hướng đẩy mạnh chuỗi liên kết, trong đó lấy doanh nghiệp, HTX làm hạt nhân; đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị. Cùng với phát triển kinh tế, huyện Mộ Đức chú trọng bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sáng – xanh – sạch – đẹp, phát triển các hoạt động văn hóa, thể dục, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Võ Duy Lân