VNHN - Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước có tỉ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên cao trong khu vực Đông - Nam Á cũng như trên thế giới.
Nguyên nhân
Hầu hết các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản và phòng tránh thai an toàn. Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay có lối sống hưởng thụ, buông thả, yêu quá sớm dẫn đền những hành động vượt quá giới hạn, có thai ngoài ý muốn.
Tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam đang ở mức báo động, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm ảnh hưởng đến thế hệ trẻ
Theo các chuyên gia tâm lý ở độ tuổi dậy thì, các em có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, bản năng tình yêu và tình dục cũng bắt đầu trỗi dậy, kéo theo nhu cầu tình dục với người khác giới xuất hiện. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận các nguồn thông tin chính thống về sức khỏe sinh sản và tình dục của trẻ vị thành niên rất hạn chế. Cha mẹ các em thường ngại, lảng tránh khi các em hỏi hay nhắc tới những vấn đề về sức khỏe sinh sản. Nhà trường cũng rất ít khi đề cập đến giáo dục sức khỏe sinh sản trong trường học. Những lớp học, câu lạc bộ tổ chức tuyên truyền về vấn đề này cũng không có nhiều. Vì vậy các em không có các kênh thông tin chính thống để giải đáp những thắc mắc trong vấn đề này, đa số đều là do các em tò mò, tự tìm hiểu qua các trang mạng xã hội hay bạn bè đồng trang lứa.
Những con số báo động
Nạo phá thai ở tuổi vị thành niên đã và đang là con số báo động tại Việt Nam. Tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức rất cao với 250.000 - 300.000 ca mỗi năm. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ năm 2017, cứ 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở độ tuổi vị thành niên.
Chưa kết hôn, chưa có sự nghiệp, nhiều bạn trẻ còn đang dở dang việc học tập vậy nên phải nhờ đến sự can thiệp của các cơ sở y tế. Theo thống kê từ Bệnh viện Từ Dũ, 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện có 14.159 ca đến bỏ thai, trong số này, phá thai ở trẻ vị thành niên chiếm hơn 1.000 ca. Trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 80 ca đến nạo, phá thai.
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, theo số liệu ghi nhận, mỗi năm có khoảng 900 ca trẻ vị thành niên tới bệnh viện để nạo phá thai. Có những em đã phải trở thành bà mẹ “bất đắc dĩ” khi mới 10 tuổi và có những em 15 tuổi đã nạo phá thai 2 lần.
Giải pháp cấp thiết
Để giảm thiểu tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên tại Việt Nam, cần phải có những giải pháp cấp thiết trong giáo dục, định hướng, nâng cao nhận thức ở trẻ về vấn đề này.
Trước tiên, để tự bảo vệ bản thân, các em cần được giáo dục lối sống lành mạnh, trang bị nền kiến thức về sức khỏe sinh sản, có những hiểu biết cần thiết trong các mối quan hệ cùng bạn khác giới nhằm giảm bớt những nguy cơ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai các em sau này.
Theo ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế): “Cần có những giải pháp tổng thể với sự tham gia của các ngành liên quan, chủ thể cùng các phụ huynh. Bên cạnh tuyên truyền, cần nghiêm cấm các nhà thuốc tư nhân, phòng khám tư nhân bán thuốc hoặc bỏ thai cho người ở tuổi vị thành niên, thanh niên. Với những cơ sở được phép thì các ca nạo phá thai là thanh niên, vị thành niên phải có cha mẹ đi cùng. Ngoài ra, trường học nên có nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, tuyên truyền định hướng cho trẻ vị thành niên, thanh niên hiểu về giới tính, tình dục an toàn. Các bậc cha mẹ cần cởi mở dạy dỗ, chỉ bảo con trong việc quan hệ tình dục an toàn”.
Theo chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai: “Ngoài trách nhiệm bản thân, gia đình, xã hội cũng phải có trách nhiệm với việc định hướng cho trẻ vị thành niên hiểu biết về giới tính trong đó nhà trường là nơi để giúp các em có thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, khắc phục những hạn chế về chương trình giảng dạy GD giới tính cho HS”./.