VNHN - Ngay sau SEA Games 30-2019, thể thao Việt Nam tiếp tục chuẩn bị cho SEA Games 31-2021, sẽ diễn ra tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác. Vấn đề được quan tâm hiện nay là số môn, số nội dung thi đấu phải bảo đảm hài hòa giữa các đoàn tham dự, nhằm tạo sân chơi công bằng, sòng phẳng và để lại hình ảnh đẹp về công tác tổ chức SEA Games của Việt Nam.
Điểm lại các kỳ tổ chức SEA Games cho thấy, SEA Games 30-2019 tổ chức tại Philippines đã lập kỷ lục về số môn thi đấu, với 56 môn và có nhiều môn rất lạ lẫm với làng thể thao khu vực như: Vượt chướng ngại vật, khúc côn cầu dưới nước… Trước đó, ở SEA Games 28-2015 tại Singapore có 36 môn, còn tại SEA Games 29-2017 ở Malaysia có 38 môn và xa hơn, vào năm 2003, khi lần đầu tiên đăng cai SEA Games, Việt Nam cũng chỉ tổ chức có 33 môn. So với tình hình và thực tế phát triển của hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tổ chức thi đấu hiện tại cũng như thời gian tới, số lượng môn thi đấu như trên là phù hợp.
Ngay như Hà Nội với hệ thống cơ sở vật chất thể thao tốt nhất cả nước cũng chỉ có thể tổ chức được khoảng 20 môn. Vì thế, việc đặt ra số môn thi đấu như trên sẽ giúp công tác điều hành chuyên môn đạt kết quả cao nhất. Ngoài ra, tại cuộc họp Hội đồng thể thao Đông Nam Á tới đây, theo thông lệ, các nước sẽ đề xuất thêm một số môn thi đấu khác, bên cạnh số môn thi đấu do Ban Tổ chức nước chủ nhà công bố. Song, trong điều kiện của Việt Nam cũng chỉ có thể tổ chức thêm tối đa 4 môn.
Trong Quyết định số 1616/QĐ-TTg cũng đã định hướng rõ số môn trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic, ASIAD chiếm khoảng 2/3 tổng số môn ở SEA Games 31; các quốc gia trong khu vực có thể đề xuất thêm một số môn khác theo thông lệ. Đây là định hướng đúng đắn, đánh giá xu hướng phát triển của thể thao khu vực cũng như nền tảng của thể thao Việt Nam. Trên nền định hướng chung này, những người làm chuyên môn cũng đã phác thảo ra số môn cụ thể, trong đó tiêu chí chung ở nhóm môn Olympic, ASIAD phải là những môn cơ bản và những môn đang phát triển rộng rãi ở Đông Nam Á.
Bắn cung - môn thể thao trong chương trình thi đấu Olympic, sẽ có mặt tại SEA Games 31.
Những môn truyền thống của thể thao Việt Nam như đá cầu, vovinam cũng được tổ chức, nhằm gìn giữ giá trị của những môn này, đồng thời quảng bá ra toàn khu vực. Bên cạnh đó là một số môn truyền thống trong khu vực, đang thu hút nhiều quốc gia Đông Nam Á cùng phát triển, liên tục xuất hiện trong chương trình thi đấu ASIAD cũng sẽ được tổ chức. SEA Games 31 sẽ tập trung vào các môn trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD. Trong đó, các nội dung của môn bơi, điền kinh sẽ được tổ chức đầy đủ. Việt Nam muốn tổ chức một kỳ SEA Games tiệm cận chương trình thi đấu Olympic hay ASIAD.
Điều đó có nghĩa là sẽ bảo đảm giữ nguyên số nội dung thi đấu như ở Olympic hay ASIAD, tạo ra nhiều cơ hội tranh chấp Huy chương vàng hơn cho các đoàn tham dự, chứ không chỉ riêng đoàn chủ nhà. Một lý do khác để thể thao Việt Nam tự tin tập trung tổ chức các môn thi đấu của Olympic, ASIAD tại SEA Games 31-2021 là chất lượng các môn này của thể thao Việt Nam đang phát triển ổn định trong nhiều năm gần đây. Trong số này, nhiều môn thể thao của Hà Nội đang cung cấp nguồn vận động viên đủ khả năng tranh chấp Huy chương vàng tại SEA Games 31-2021.
Ngoài ra, chúng tôi xác định các đội tuyển Việt Nam thi đấu ở SEA Games 31-2021 cũng phải có nhiệm vụ liên thông với các đại hội thể thao lớn tiếp theo như ASIAD vào năm 2022. Vì vậy, các cuộc đấu ở SEA Games 31 cũng là dịp để rà soát lực lượng cho ASIAD-2022. Tôi nhấn mạnh rằng, SEA Games 31-2021 sẽ là sân chơi công bằng, sòng phẳng, để lại hình ảnh đẹp với bạn bè quốc tế về Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đó mới là mục đích cuối cùng về công tác tổ chức cũng như nhiệm vụ chuyên môn của đại hội.